Những dấu ấn lịch sử qua 10 kỳ Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam
Trong dòng chảy lịch sử hơn 90 năm qua của báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã trải qua hành trình 10 kỳ đại hội. Trước thềm Đại hội XI, cùng nhìn lại những dấu mốc lịch sử 10 kỳ đại hội để thấy những bước trưởng thành của Hội Nhà báo Việt Nam.
Đại hội lần thứ I
Dấu mốc lịch sử đầu tiên trên hành trình phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam suốt hơn 70 năm qua chính là sự kiện ngày 21/4/1950 - ngày Hội những người viết báo Việt Nam - tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức Hội nghị thành lập (Đại hội lần thứ nhất), tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).
Khi ấy, chỉ ít lâu sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong bộn bề công việc của một người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa chủ trương nên sớm thành lập tổ chức của những người làm báo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc tổ chức thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam”.
Các nhà báo Việt Nam và khách quốc tế dự Đại hội I Hội những người viết báo Việt Nam
Trong cuốn “55 năm Hội Nhà báo Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam phát hành năm 2005 có đoạn nói rõ về sự kiện này.
Cụ thể, vào tháng 3-1950, trong cuộc họp với đại diện báo chí Bắc Bộ, trong đó có các báo Sự thật, Cứu quốc, Độc lập. Phụ nữ, Lao động… một trong những nội dung mà giáo sư Trần Văn Giàu - thời điểm ấy được cử làm Tổng Nha Thông tin của Chính phủ - nêu lên là các báo cần lập ngay Hội Ký giả Việt Nam (Hội những người viết báo) để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo.
“Bộ đội đã chính quy. Báo chí cũng cần chính quy. Mà cần phải làm ngay. Chính phủ sẽ hết sức tìm mọi cách giúp báo chí mọi phương tiện để làm việc” – đồng chí Trần Văn Giàu hứa với các nhà báo.
Cùng lúc ấy, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Xuân Thủy, phụ trách Đoàn báo chí kháng chiến, đứng ra triệu tập các nhà báo họp tại trụ sở báo Cứu quốc để bàn củng cố và mở rộng tổ chức tổ chức chính trị và nghề nghiệp của giới báo chí.
Trụ sở báo Cứu quốc khi ấy đóng ở xòm Roòng Khoa thuộc xã Điềm Mặc nằm trong ATK (An toàn khu) Định Hóa (Thái Nguyên).
Cũng chính tại địa điểm này, ngày 21/4/1950, đại biểu từ các cơ quan báo chí như: Sự thật, Cứu quốc, Độc lập, Lao động, Vệ quốc quân, Văn nghệ, Phụ nữ, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam… đã cùng tề tựu về tham dự Đại hội thành lập Hội.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng, các đồng chí Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.
Đại hội lần thứ II
Ðại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam (diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/4/1959) tại Hà Nội là đại hội có nhiều dấu mốc lịch sử: Ðại học vinh dự được đón Bác Hồ đến dự và phát biểu; Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam và xác định đường lối, nhiệm vụ của những người viết báo trong giai đoạn mới.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới gồm 25 nhà báo do đồng chí Xuân Thuỷ làm Chủ tịch; các đồng chí Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng và Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch; đồng chí Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.
Đại hội lần thứ III
Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam họp từ ngày 7 đến 8/9/1962 tại Hà Nội.
Xã luận trên báo Nhân Dân số ra ngày 7/9/1962 là ngày khai mạc đại hội nêu rõ: “Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam xác định nhiệm vụ cụ thể của báo chí nước ta trong giai đoạn mới và góp phần giải quyết một vấn đề mà Đảng hết sức quan tâm, nhân dân hằng ngày đòi hỏi và mỗi người viết báo đều mong muốn, là nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ của đội ngũ những người viết báo, đội quân xung kích trung thành, dũng cảm nhưng chưa dày dạn kinh nghiệm trên mặt trận tư tưởng”.
Ngày 8/9/1962, Đại hội phấn khởi đón mừng Bác Hồ đến nói chuyện với đại hội. Bài nói chuyện của Bác tại đại hội với chủ đề “Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Ðại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 3 (9/1962). Ảnh tư liệu
Trong bài nói chuyện, Người chỉ rõ: Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… Người cũng nhấn mạnh: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”.
Tại đại hội, đồng chí Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch, đồng chí Lưu Quý Kỳ làm Tổng thư ký.
Đại hội lần thứ IV
Từ ngày 8 đến ngày 10/12/1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội.
Bản báo cáo của Ban chấp hành khóa III do đồng chí Trần Lâm trình bày tại đại hội có nhan đề: “Phấn đấu đưa nền báo chí của ta phát triển ngang tầm cao cách mạng và kịp bước đi của thời đại”.
Một nhiệm vụ cấp bách được đại hội đề ra là bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ cũng như chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những người làm báo.
Ðại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 53 nhà báo, do đồng chí Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó chủ tịch: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng. Đại hội bầu Ban thư ký do đồng chí Ðào Tùng làm Tổng thư ký.
Từ tháng 1/1987, đồng chí Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác Trung ương, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu đồng chí Hồng Chương làm Chủ tịch Hội.
Một sự kiện đáng chú ý của nhiệm kỳ này là tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định lấy ngày 21/6 là ngày ra số đầu của Báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Đại hội lần thứ V
Từ ngày 16 đến 18/10/1989, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội đã nêu lên phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới, trong đó nhấn mạnh tới quyết tâm đổi mới công tác báo chí.
Đại hội thông qua nghị quyết đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, thông qua Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi.
Theo điều lệ mới sửa đổi, Ban chấp hành Hội không có chức danh Chủ tịch mà chỉ có chức danh Tổng thư ký.
Ðại hội V đã bầu Ban chấp hành gồm 39 người do đồng chí Phan Quang làm Tổng thư ký; các đồng chí: Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn làm Phó tổng thư ký. Cũng trong nhiệm kỳ này, ngày 28/12/1989, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa VIII đã quyết định thông qua Luật Báo chí.
Đại hội lần thứ VI
Từ ngày 8 đến 9/3/1995, Ðại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Điểm nhấn lớn nhất tại đại hội này là thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam.
Cũng tại đại hội, một số quan điểm về báo chí và về hội đã được khẳng định cho rõ: Báo chí ta là báo chí của nhân dân, vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; báo chí phải thực sự là diễn đàn của nhân dân; làm báo là hoạt động chính trị-xã hội thông qua phương tiện thông tin…
Ðại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 35 ủy viên, do đồng chí Phan Quang làm Chủ tịch; đồng chí Trần Mai Hạnh làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký và đồng chí Nguyễn Long Khởi làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam (Điều lệ mới của hội khôi phục lại chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch).
Đại hội lần thứ VII
Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24 và 25/3/2000 tại Hà Nội.
Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm kỳ cụ thể của nhiệm kỳ mới là:
- Kiên trì hoạt động báo chí và hoạt động công tác hội theo định hướng đúng. Coi trọng việc góp phần giáo dục chính trị, đạo đức người làm báo, bảo đảm sự trung thực hoạt động nghề nghiệp, xứng đáng với vai trò trong hệ thống giám sát của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cấp hội.
- Đẩy mạnh hoạt động xã hội, không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước...
Đại hội đã bầu Ban chấp hành do đồng chí Hồng Vinh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Mai Hạnh làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, đồng chí Ðinh Phong làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24 và 25/3/2000 tại Hà Nội. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam
Đại hội lần thứ VIII
Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 11 đến 13/8/2005 tại Hà Nội.
Ðại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 43 ủy viên. Ban chấp hành đã bầu Ban thường vụ gồm 9 ủy viên. Đồng chí Ðinh Thế Huynh được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Lê Quốc Trung làm Phó chủ tịch thường trực; đồng chí Phạm Quốc Toàn làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
Ðại hội đã quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình hành động đến năm 2010.
Đại hội lần thứ IX
Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam Việt Nam diễn ra từ ngày 10 đến 12/8/2010 tại Hà Nội.
Bài phát biểu khai mạc của đồng chí Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam sẽ là đại hội đoàn kết, trách nhiệm và đổi mới, nhất định sẽ góp phần rất quan trọng thúc đẩy nền báo chí cách mạng nước nhà phát triển ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp, đậm đà bản sắc Việt Nam…
Đại hội tiếp tục bầu đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội.
Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam Việt Nam diễn ra từ ngày 10 đến 12/8/2010 tại Hà Nội. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam
Sau đó, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX ngày 27/3/2012 đã nhất trí để đồng chí Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch do yêu cầu công tác và bầu đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Đại hội lần thứ X
Từ ngày 7 đến 9/8/2015, Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.
Đến dự và phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội X Hội Nhà Báo Việt Nam. Ảnh: qdnd.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng tin tưởng rằng, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, ngôi nhà chung của những người làm báo cả nước.
Tại đại hội, đồng chí Thuận Hữu tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X. Các đồng chí Hồ Quang Lợi, Mai Đức Lộc, Nguyễn Bé làm Phó chủ tịch.
Ban chấp hành đã bầu 11 ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2015-2020. Danh sách gồm có: Nhà báo Thuận Hữu, nhà báo Trương Minh Tuấn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, nhà báo Trần Bình Minh, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, nhà báo Nguyễn Bé, nhà báo Phạm Văn Huấn, nhà báo Phạm Văn Miên, nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo Mai Đức Lộc, nhà báo Nguyễn Quý Hòa.
* Mới đây, ngày 26/10/2021, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã họp bỏ phiếu bầu nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, với 100% số phiếu tán thành.
Nhà báo Lê Quốc Minh được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: nhandan.vn
Trước đó, hội nghị cũng đã họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam của nhà báo Thuận Hữu nhiệm kỳ 2015-2020 (theo nguyện vọng cá nhân).
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 602: 145 lượt tập thể và cá nhân được các cấp khen thưởng - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 170: Hội nghị Quân chính năm 2024 - ( 28-11-24 03:00 )
- Lữ đoàn 679: Hội thi sĩ quan cấp phân đội, hội thao quân nhân QNCN - ( 27-11-24 09:00 )
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )