Nhớ về mùa rươi

HQVN -

Thời tiết hơi se lạnh, ánh nắng vàng nhạt trải đều khắp nơi. Thỉnh thoảng có những cơn mưa nhẹ như sương vào sáng sớm tinh mơ. Lẫn trong cơn gió là mùi của đồng ruộng, hoa trái, là mùi vị những món ăn đặc trưng của mùa Thu… chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ai đó ở xa thêm khắc khoải nỗi nhớ quê nhà.

Chúng tôi đóng quân trên ngôi nhà giàn giữa biển trời phía Nam của Tổ quốc. Nơi đây chỉ có nắng, sóng và gió. Mặc dù ngày đêm canh trực trên những ngôi nhà giàn giữa đại dương mênh mông, cuộc sống gặp không ít khó khăn nhưng người lính nhà giàn chúng tôi vẫn luôn lạc quan, yêu đời.

Đêm nay đến phiên Mạnh “Phồng” trổ tài làm “hướng dẫn viên du lịch” ẩm thực. Chả là ngoài giờ học tập, công tác, anh em chúng tôi tự dạy cho nhau học tiếng Anh, công nghệ thông tin, tập chơi đàn ghi ta và có một chuyên mục độc đáo là “Du lịch, ẩm thực” được thực hiện qua lời kể của từng thành viên đến từ mọi miền đất nước.

Bên ấm chè mới pha, xung quanh rì rào sóng biển, Mạnh giới thiệu cho anh em nghe về món rươi “thần thánh” bằng chất giọng rổn rảng, đúng chất ăn sóng, nói gió của người Hải Phòng quê anh…

 Ảnh minh họa

Vào cữ này trở đi đến hết tháng 10 âm lịch, quê tớ lại bắt đầu vào vụ thu hoạch rươi-Mạnh kể. Quê tớ-xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, nơi cửa sông Văn Úc chảy ra biển. Ngoài Hải Dương, Thái Bình ra thì con rươi được người dân Hải Phòng quê tớ gọi với cái tên trìu mến là “lộc trời” vì không phải vùng nào cũng có. Chỉ những vùng nước lợ gần cửa sông, cửa biển mới có rươi.

Tại Hải Phòng, các xã thuộc huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo có vùng nước lợ ven các sông Văn Úc, Thái Bình, sông Luộc, sông Hóa, người dân đều có may mắn khai thác được “lộc trời”.

Con rươi có hình dạng trông giống hệt con rết nhưng lại sống trong tầng đất ngầm, cứ chính kỳ ngoi lên bơi lội tung tăng trong nước như loài cá. Có thể nói, rươi là đặc sản ngon nhất trong tất cả sinh vật vùng nước lợ.

Mùa rươi đến, tớ thường theo bố và ông đi bắt. Mỗi lần rươi xuất hiện cũng chỉ bùng lên vài ba tiếng, đỏ au, đặc ngẩn mặt nước. Người dân quê tớ thường dùng lưới xăm để bắt rươi, tức là hứng xăm ở vùng nước chảy, rươi trôi theo dòng nước vào lưới xăm. Có những hôm bắt được vài chục cân, có hôm được hàng tạ.

Ở vùng nào ít rươi, người ta dùng vợt được làm từ tấm vải màn để vớt rươi. Người vớt rươi đứng ở quanh bờ ruộng, cứ thấy rươi bơi trên mặt nước là vớt liền.

Những con rươi vừa bắt lên béo mập, sắc hồng pha nâu sẫm trông thật đẹp mắt. Rươi có nhiều cách chế biến như rươi kho, rươi om măng, rươi làm mắm, rươi om nồi đất, rươi chiên giòn, rươi nấu canh cải, lẩu rươi… nhưng ngon và phổ biến nhất là chả rươi.

Thế nên, cứ mỗi độ Thu sang, khi những cơn gió heo may mang hơi lạnh tràn về, người dân sinh sống chung quanh khu vực cửa sông như quê tớ lại náo nức đón mùa rươi nổi. Từ thứ nông sản quê mùa, dân dã, rươi trở thành đặc sản mang lại đời sống ấm no cho biết bao gia đình…

“Mới kể thôi đã thấy ngon rồi, không biết khi nào ăn món rươi thì sẽ ngon đến cỡ nào đây!”, “Nhất định khi nào vào bờ sẽ tìm bằng được món chả rươi của Mạnh “Phồng”!”.

Tiếng anh em bàn tán sau câu chuyện của Mạnh cứ thế hoà lẫn với tiếng sóng gió vây quanh. Chúng tôi mỗi người một quê nhưng chung nhau tình yêu quê hương, yêu đất liền thân thương...

Lê Gia

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn