Nhớ nụ cười của ông ngày Quốc khánh
HQ Online -
Ông ngoại-người ông, người cha, người thầy, người bạn lớn của tôi. Hình ảnh ông in đậm trong tâm trí tôi từ điệu đi, dáng chẻ tre đan rổ rá, hay lúc thư thả bầu bạn với tích nước chè tươi. Hằng năm, cứ vào dịp mùng 2-9, trong dáng cờ bay phấp phới trên mọi nẻo đường, hình ảnh ấy lại trở về trong tôi rõ rệt hơn, đẹp hơn, linh thiêng hơn.
Bao giờ cũng vậy, trước ngày Quốc khánh, ông vào khu rừng phía sau nhà, mang về một cây nêu làm cột cờ. Ông vuốt cho hết những nếp nhăn rồi lồng cán vào lá cờ. Cẩn thận, phẳng phiu như người ta treo bằng khen vậy. Rồi ông chôn cột cờ vững trãi vào cạnh cây cau đầu cổng. Khi ông tổ trưởng dân phố đến nhà tôi thông báo thì lá cờ Tổ quốc đã “reo vui” dưới nắng tháng 9 rồi. Ông tổ trưởng bảo: Nhà cụ bao giờ cũng có cột cờ đẹp nhất. Ông tôi cười, nụ cười rạng rỡ của người chiến sĩ năm xưa.
Ông ngoại tôi lên Hòa Bình từ năm 1949. Ông tham gia chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu. Năm 1951, ông bị địch bắt. 8 tháng bị địch giam giữ, ông liên tục bị tra tấn, đánh đập. Những vết thương ấy vẫn thường hành ông suốt những năm sau này. Mỗi khi tiết trời thay đổi, khớp đầu gối, khớp mắt cá chân lại thâm đen, nhức buốt. Ông vượt qua chúng bằng cách kể cho con cháu nghe chuyện đi kháng chiến. Những câu chuyện cười vui đến chảy nước mắt.
Lồng trong những câu chuyện của ông tôi, Hòa Bình xưa mang vẻ đẹp vừa gần gũi, vừa huyền thoại. Đẹp thật như sau này tôi đọc được trong trang viết của Pierr Grosin-một người Pháp-với hồi ức về Hòa Bình: “...Buổi chiều như một con rồng lửa khổng lồ lướt nhanh và kéo dài trên những triền núi...". Người Hòa Bình thân thiện mà gan góc, lội suối, băng rừng đi tải đạn, tải lương cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đi bên cạnh những bao gạo nặng trịch nhưng ông tôi và đồng đội vẫn bẻ măng rừng ăn thay cơm.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ông được công nhận chiến sĩ dân công xuất sắc mặt trận Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch, ông lại lao vào phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước. Trên cả hai mặt trận-cứu quốc và xây dựng CNXH, ông đều được tặng thưởng bằng khen, huân, huy chương.
Cho đến năm 1979, ông về nghỉ hưu, cũng là năm tôi ra đời. Khi mấy chị em tôi đến tuổi đi học, ông khép cánh cửa làm bảng, dạy chúng tôi học chữ. Hằng ngày, ông kể cho nghe chuyện kháng chiến. Chúng tôi vỡ dần ra theo năm tháng: Máu đã nhuộm đỏ cờ như thế nào. Màu đỏ ấy đáng tự hào biết bao. Và chúng tôi đều hướng theo màu đỏ ấy.
Ông tôi theo các cụ khuất núi cũng đã nhiều năm rồi. Em tôi lại tiếp tục công việc của ông vào mỗi dịp Quốc khánh. Nó vụng về lồng cán vào lá cờ rồi cũng dựng cột cờ vào thân cau đầu cổng. Lá cờ chị em tôi treo chưa được phẳng phiu như khi ông làm. Nhưng từ trên cao ấy, cờ Tổ quốc reo vui, mang về cả nụ cười của ông. Linh thiêng làm sao khi trong màu cờ ấy có một phần máu thịt của ông tôi!
Vũ Nguyên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn