Nhịp đếm tuổi thơ

HQ Online -

Giữa thu vàng hanh hao, nhìn nắng sớm xiên qua tán lá, quấn quýt giỡn đùa cùng bánh xe lăn tròn trên phố, lòng bồi hồi nhớ những mùa vàng đã xa. Nhịp đếm tuổi thơ bất chợt vọng về...

Ở Thủ đô, mùa vàng là mùa của sắc lá thu lãng mạn trải thảm trên nhiều con phố, còn với quê tôi những ngày xa ấy, mùa vàng là mùa lúa trĩu bông, rạ rơm êm bước đường làng, hạt thóc nhuộm màu của nắng.

Năm nay, tuổi đã ngoài thất thập, rời quê ra phố ngót 30 năm song mẹ tôi vẫn hay hoài niệm đồng quê, nhớ những tháng ngày lam lũ. Bà thường nhắc lại hình ảnh mấy đứa con tuổi mới lên 8, lên 10, “bé như hạt mít” nhưng đã phải hì hục giữ bừa cao tới ngang cằm để mẹ thay trâu kéo trên ruộng trũng...

Ngày ấy, hệ thống kênh mương nội đồng chưa tiện lợi như bây giờ, máy bơm cũng chẳng có nên cách lấy nước vào ruộng phổ biến hơn cả là tát bằng gàu (khau) sòng hoặc gàu giai (dây). Có lẽ, cảnh những đứa trẻ nhễ nhại cùng người lớn kéo gàu giai tát nước là hình ảnh quen thuộc của nông thôn Bắc Bộ xưa. Tát nước gàu giai có thể ví như một “nghệ thuật”, nhất là khi hai người tát có sự chênh lệch về thể hình và sức lực. Đó là “nghệ thuật” trụ vững trên bờ ruộng; “nghệ thuật” phối hợp thả gàu, kéo gàu và đổ nước.

Nhịp đếm tuổi thơ

Những ngày đầu, không ít lần thân hình bé nhỏ của tôi lúc thì nhao về phía trước khi gàu quá đầy, lúc lại suýt ngã ngửa về sau vì lúc kéo lên gàu chưa có nước hoặc nước quá ít nên bị hẫng. Để biết người tát nước “lành nghề” hay không, chỉ cần nhìn cách họ sử dụng hai dây gàu. Đó là người biết thời điểm thả chùng dây miệng để dìm miệng gàu nhanh, kéo đủ lực nhưng có điểm dừng, rồi lại chùng dây miệng-căng dây đáy đổ cho gàu hết nước và không làm dây bị xoắn.

Còn nhớ, mỗi lần đi tát nước, cuối buổi mẹ tôi đều bảo: “100 gàu nữa nhé!”. Đang mồ hôi nhễ nhại, rã rời cánh tay, nghe mẹ “giao ước” vậy, mắt tôi sáng lên bởi đã nhìn thấy đích đến phía trước. Thế là vừa tát vừa hăm hở đếm. Nhịp đếm vang trên đồng lúa. Nhịp đếm làm cho đôi tay, đôi mắt tập trung hơn vào gàu nước. Khi con số 100 đã điểm, tiếng cười giòn tan hòa cùng lồng lộng gió đồng, lan theo sóng lúa rì rào đang được nguồn nước mát lành vỗ về, ôm ấp...

Nhịp đếm tuổi thơ còn vang trong những tối nhọc nhằn bên cối giã gạo. Thóc vàng óng trong bồ, nhưng muốn thành hạt gạo ngần trắng, dẻo thơm còn phải trải qua xay, giã, giần, sàng. Trẻ con chưa đủ khéo để giần, sàng gạo, song có thể góp sức cầm một bên càng xay lúa hay nhấp nhô lên xuống cùng những nhịp chày. Ngày ấy, mỗi xóm chỉ vài nhà có cối nên những nhà đi giã gạo nhờ như gia đình tôi thường phải giã vào buổi tối. 

Giã gạo cũng đòi hỏi sự khéo léo trong sử dụng sức người; người lớn phải đứng cuối bàn đạp để tận dụng được lực nhún giã lớn nhất, và đứng phía trước là trẻ nhỏ dần. Cái khéo còn đọng ở bàn tay đảo gạo dưới lòng cối đá, để gạo trắng đều mà nhịp chày không bị ngớt giữa chừng. Còn nhớ, trong mỗi lần giã gạo, thi thoảng mẹ tôi lại đi về phía cối đá, nhoài người xuống, một tay cầm đèn dầu, tay còn lại vốc gạo kiểm tra, rồi đảo gạo. Cánh tay thò xuống rồi lại rút lên theo nhịp chày lên xuống thật tài tình, khéo léo.

Cũng như những lần tát nước hôm nào, ước chừng gạo giã sắp xong, mẹ lại giao hẹn với chúng tôi: “100 chày nữa nhé!”. Chỉ chờ có thế, bắp chân đang căng cứng như mềm lại, nhịp nhàng hơn theo từng câu đếm. Nhịp chày giã gạo thình thịch gõ vào đêm, rồi tiếng gà trên chuồng thảng thốt giật mình vì tiếng hô “một trăm” bật lên đầy sung sướng...

Tát nước với gàu sòng, gàu giai hay giã gạo bằng cối đá là những công việc “như trong cổ tích” đối với lớp người mới lớn hôm nay. “Mốt” sưu tầm những vật dụng xưa cũ ấy cũng rộ lên trong nhiều năm trở lại đây. Với những người trẻ, đó là vật dụng “độc, lạ”, còn với lớp người đã đi qua một thời gian khó, chúng là “sợi dây” kết nối họ với những ngày tháng cũ, đưa họ trở về với những háo hức, đợi chờ của nhịp đếm tuổi thơ...

Hoàng Hà

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn