Nhân viên bảo tàng đam mê, tâm huyết với công việc
HQVN -
Là người phụ trách Ban sưu tầm-kiểm kê-bảo quản của Bảo tàng Hải quân, nhiều năm qua, Trung tá QNCN Lê Thị Hằng đã cần mẫn sưu tầm, tìm tòi phương pháp quản lý, bảo quản và khai thác giá trị lịch sử của hiện vật phục vụ tốt cho công tác trưng bày, tuyên truyền.
Quân chủng Hải quân có địa bàn hoạt động trải dài từ Quảng Ninh đến Cà Mau, từ đất liền đến đảo xa, cùng với đó là bề dày chiến công, thành tích nên công tác sưu tầm hiện vật gặp nhiều khó khăn, vất vả. Hằng năm, Lê Thị Hằng đã xây dựng kế hoạch sưu tầm dài hạn, ngắn hạn, xác định nội dung lịch sử trọng tâm và triển khai phân công lực lượng, bố trí thời gian hợp lý. Ngoài việc trực tiếp đến các đơn vị, gặp gỡ các nhân chứng, các chị còn gửi công văn đến các địa phương, đơn vị trong và ngoài Quân chủng để nắm, phát hiện hiện vật có giá trị. Cùng với đó, Ban của chị còn kết hợp sưu tầm qua những đợt triển lãm lưu động.
Để nâng cao chất lượng công việc, không chỉ chăm chỉ, nhiệt huyết, chị Hằng cùng các đồng nghiệp còn tích cực tự học, đọc, tìm hiểu, liên hệ với các nhân chứng lịch sử… Nhờ đó, số lượng hiện vật không ngừng tăng lên. Đến nay, hệ thống kho lưu trữ của Bảo tàng Hải quân đã lên tới trên 12 nghìn tư liệu, hiện vật.
Trung tá QNCN Lê Thị Hằng chia sẻ: Nhiều khi tìm được hiện vật chưa chắc đã có thể sưu tầm được ngay. Ví dụ như chiếc ống nhòm mà Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Sanh sử dụng suốt những năm tháng tham gia chiến đấu với tàu địch tại chiến trường Cửa Việt-Đông Hà, Quảng Trị. Đây là kỷ vật mà bác Sanh trân trọng, giữ gìn hơn 40 năm qua nên bác rất đắn đo. Hiểu được suy nghĩ và tình cảm ấy, tôi đã kiên trì trò chuyện, thuyết phục và động viên bác trao tặng lại cho Bảo tàng Hải quân để phát huy ý nghĩa và giá trị giáo dục của hiện vật. Rồi việc hoàn thiện hồ sơ khoa học để đề nghị Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Tàu HQ-761 là bảo vật quốc gia. Chúng tôi đã phải đọc hàng nghìn trang tài liệu, nghiên cứu, đối chiếu nhiều tư liệu, sự kiện lịch sử, gặp gỡ các nhân chứng từ Nam ra Bắc để thẩm định. Nhận thức đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là niềm vinh dự của toàn Quân chủng nên chúng tôi đã không kể ngày đêm hoàn thiện, đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Lê Thị Hằng còn trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy triển khai quy hoạch lại hệ thống kho lưu giữ tư liệu, hiện vật một cách khoa học theo phương châm dễ thấy, dễ lấy và dễ kiểm tra, góp phần tăng tuổi thọ, khắc phục tình trạng xuống cấp, hư hỏng, phục vụ tốt công tác quản lý, bảo quản và khai thác giá trị lịch sử của hiện vật.
Với sự phấn đấu kiên trì và bền bỉ, Trung tá QNCN Lê Thị Hằng nhiều năm liên tục được tập thể tín nhiệm bầu là Chiến sĩ tiên tiến; năm 2017, chị được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Bảo Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn