Nhà lãnh đạo xuất sắc của Khu 5 kiên cường thời chống Mỹ, cứu nước
Đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước-người con của quê hương Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí là Bí thư Khu ủy Khu 5, Chính ủy Quân khu 5, có đóng góp to lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, phát huy vai trò, sức mạnh nổi dậy của quần chúng nhân dân, tổ chức xây dựng LLVT 3 thứ quân vững mạnh, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn Khu 5 vượt qua nhiều khó khăn, đi đến thắng lợi.
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, các đơn vị LLVT Liên khu 5 lần lượt tập kết ra miền Bắc. Chế độ ngụy quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “tố cộng”, “diệt cộng”, khủng bố, thảm sát cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. “Tức nước vỡ bờ”, quần chúng nhân dân nổi dậy chống lại sự cai trị phát xít của bộ máy ngụy quyền Ngô Đình Diệm. Trước tình hình đó, Đảng ta kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam, trong đó có phong trào cách mạng Liên khu 5. Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (năm 1959), đồng chí Võ Chí Công là Bí thư Liên khu ủy đã chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 28-8-1959, Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi bùng nổ. Đồng chí trực tiếp xuống Trà Bồng xem xét, chỉ đạo lấy cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng làm điển hình và nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn liên khu. Sức mạnh của quần chúng cách mạng được khơi dậy và nhân lên, Phong trào Đồng khởi bùng nổ khắp địa bàn Liên khu 5.
Đồng chí Võ Chí Công (ngoài cùng, bên phải) trong thời gian làm việc tại Khu ủy Khu 5. Ảnh: Tư liệu
Tháng 6-1964, đồng chí Võ Chí Công, lúc này là Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam, về lại Khu 5 làm Bí thư Khu ủy. Đồng chí trực tiếp xuống một số huyện, xã ở Khánh Hòa, Đắc Lắc, Phú Yên, Quảng Nam để thị sát tình hình. Nhận thấy lực lượng địch tuy đông, ấp chiến lược dày đặc, nhưng ta có thế mạnh quần chúng, nếu được quán triệt đường lối và có phương pháp hoạt động tốt sẽ thành công, đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Thường vụ Khu ủy kiểm điểm công tác phá ấp giành dân; hội nghị quyết định phải chuyển mạnh về quân sự, phải đánh mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự chuyển biến to lớn trong lãnh đạo phá ấp giành dân, chỉ đạo đấu tranh vũ trang ở Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí Võ Chí Công đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Quảng Nam để làm thí điểm. Trong toàn Khu 5, vùng giải phóng được mở rộng, xã liền xã, huyện liền huyện, hình thành thế bao vây uy hiếp các căn cứ quân sự quan trọng của địch. Phong trào đấu tranh chính trị ở nông thôn và đô thị lên cao. Hai lực lượng, 3 thứ quân có những bước phát triển vượt bậc.
Năm 1965, trước sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” có nguy cơ phá sản, Mỹ cùng quân chư hầu ồ ạt đổ vào miền Nam. Chiến tranh ngày càng lan rộng và ác liệt. Đồng chí Võ Chí Công cùng tập thể Khu ủy lãnh đạo lực lượng cách mạng Khu 5 giữ vững quyết tâm, tiến công liên tục, đánh bại các cuộc hành quân mùa khô của địch; giữ vững, xây dựng và mở rộng căn cứ rừng núi và vùng giải phóng đồng bằng; phát triển phong trào cách mạng ở các thành thị; đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, chính trị, binh vận, làm rối loạn hậu phương địch, làm cho địch càng bị động, suy yếu và thất bại nặng nề hơn.
Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân-1968, tại Khu 5, đồng chí Võ Chí Công trao đổi với đồng chí Chu Huy Mân (Phó bí thư Khu ủy, Tư lệnh) thống nhất chỉ đạo: “Ta quyết tâm đánh vào các thành phố, thị xã, một số quận lỵ, nhưng giữ thì linh hoạt, phải tùy thời mà ứng phó. Cần phải có các biện pháp tiến công và nổi dậy linh hoạt, còn khả năng thắng tùy theo điều kiện, phải bảo tồn và phát triển lực lượng, thực hiện chủ trương của Trung ương, cái chốt của vấn đề là giành được thắng lợi và bảo tồn lực lượng”(1). Thực tiễn chiến trường Khu 5 trong Tết Mậu Thân, ta đã giành được thắng lợi. Song, lực lượng quần chúng khi kéo vào thành thị khởi nghĩa đã bị địch đàn áp. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã để lại nhiều bài học lịch sử sâu sắc. Đồng chí Võ Chí Công đánh giá: “Quan trọng là nắm sát tình hình, dự kiến rõ ràng, chỉ đạo cụ thể sát đúng, biết tiến, biết lùi cho phù hợp với tình hình thực tiễn”(2).
Đồng chí Võ Chí Công (bên phải) thời kỳ ở Khu ủy Khu 5. Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng đó đã được vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả trong chỉ đạo chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” trên chiến trường Khu 5. Xuân-hè 1972, đồng chí Võ Chí Công cùng với tập thể Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Khu 5. Đồng thời với các chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực ở Tây Nguyên và đồng bằng ven biển, sức mạnh nổi dậy của quần chúng nhân dân đã được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong chiến dịch tổng hợp Bắc Bình Định. Thành công của chiến dịch Bắc Bình Định đánh dấu sự phát triển của loại hình chiến dịch tiến công và nổi dậy của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đồng chí Võ Chí Công tham gia chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên, trận đánh Buôn Ma Thuột, chỉ đạo phát huy cao độ vai trò và sức mạnh của các tầng lớp nhân dân ra trận với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”. Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, được quần chúng nhân dân nổi dậy hưởng ứng, giúp đỡ, lực lượng của Quân khu 5 tiến công đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng ở Đà Nẵng trước khi lực lượng của bộ vào. Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng.
Đối với vấn đề tổ chức xây dựng LLVT 3 thứ quân, đồng chí Võ Chí Công cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo, chỉ huy xây dựng lực lượng vững mạnh, xây dựng các đơn vị bộ đội chủ lực thành “quả đấm thép”, làm nòng cốt trong tổng tiến công và nổi dậy, tạo ra những bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn Khu 5.
Tiêu biểu là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân-1968, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khu ủy, Quân khu ủy, đồng chí Võ Chí Công quán triệt chấp hành nghiêm túc chủ trương, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, vận dụng vào điều kiện thực tiễn của chiến trường Khu 5 hết sức linh hoạt; lãnh đạo, chỉ đạo LLVT, nhất là bộ đội chủ lực, tổ chức những đòn đánh sâu, hiểm, làm địch choáng váng và tổn thất nặng nề.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, ngụy quyền Sài Gòn huy động lực lượng tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng. Đồng chí Võ Chí Công luôn thấm nhuần tư tưởng chiến lược tiến công, cùng với tập thể Khu ủy lãnh đạo, chỉ đạo trong bất cứ tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo đưa phong trào cách mạng tiến lên. Từ đó, quân và dân Khu 5 kiên quyết đánh địch bình định lấn chiếm, giành dân, giữ dân, phát triển thực lực.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đòn đánh chủ lực được phát huy mạnh mẽ. Đồng chí Võ Chí Công cùng tập thể Quân khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ đạo tập trung sức mạnh của chủ lực quân khu tiến công giải phóng Tiên Phước-Phước Lâm (Quảng Nam) cùng lúc với trận đánh Buôn Ma Thuột để tạo thế liên hoàn, tiêu diệt địch, phá vỡ thế trận của chúng, làm cho địch liên tục thất bại. Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng địa phương các tỉnh phối hợp với chủ lực, đẩy mạnh tiến công, căng kéo, tiêu diệt sinh lực địch, làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và Tiên Phước-Phước Lâm, tình hình chiến trường Khu 5 diễn biến vô cùng mau lẹ, vượt xa kế hoạch dự kiến ban đầu. Đồng chí Võ Chí Công cùng tập thể Thường vụ Khu ủy, Thường vụ Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu quyết tâm: Nâng cao tốc độ tiến công, trước mắt tập trung lực lượng đánh tiêu diệt Sư đoàn 2 và Sư đoàn 22 ngụy, giải phóng hoàn chỉnh tỉnh Quảng Ngãi và giải phóng hoàn chỉnh hoặc cơ bản tỉnh Bình Định, giành và giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng toàn Khu 5. Từ bàn đạp Tiên Phước-Phước Lâm, các đơn vị LLVT quân khu cùng lực lượng quần chúng nổi dậy mạnh mẽ, đẩy mạnh tiến công giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi, rồi phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng, cùng lực lượng của bộ đánh địch dọc ven biển miền Trung, chọc thủng “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng các đảo gần bờ và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tham gia giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong thời kỳ kháng chiến, hình ảnh "bác Năm Công" (đồng chí Võ Chí Công) rất đỗi gần gũi, thân thương với cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân Khu 5. Đồng chí là điểm tựa tinh thần vững chắc cho quân và dân Khu 5 kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt. Trong quá trình đó, đồng chí Võ Chí Công đã có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời và sáng suốt, đem lại chiến thắng trọn vẹn nhất, đồng thời giảm tổn thất cho bộ đội và nhân dân, bảo đảm giành thắng lợi và bảo tồn được lực lượng.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn trọng dân, gần dân, sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn cách mạng, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, tổ chức xây dựng LLVT quân khu vững mạnh, xứng đáng để cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 ngày nay học tập, noi theo và phấn đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
(1) Võ Chí Công-Trên những chặng đường cách mạng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.236
(2) Sđd, tr.240
Theo QĐND điện tử
Tháng 5-1961, Khu ủy 5 được thành lập, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Bí thư Khu ủy; sau đó, đồng chí Võ Chí Công làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 7-1961, tại Căn cứ Nước Là (Quảng Nam), Bộ tư lệnh và các cơ quan Quân khu 5 được thành lập. Năm 1964, đồng chí Võ Chí Công về lại Khu 5, làm Bí thư Khu ủy; năm 1967, đồng chí làm Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 cho đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng - ( 17-10-24 09:00 )
- Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024) - ( 15-10-24 11:00 )