Nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa toàn quốc

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm vóc thời đại; là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, trong đó nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở các địa phương tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên quy mô toàn quốc.

Nhận thức rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam phải tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, tại Hội nghị Trung ương 8, khóa I (tháng 5/1941), Đảng ta đã khẳng định nhiệm vụ chủ yếu, trước mắt của cách mạng Việt Nam là đánh Pháp, đuổi Nhật và vạch rõ con đường đấu tranh. Khi thời cơ đến có thể khởi nghĩa từng phần ở từng địa phương, tạo điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa trong phạm vi toàn quốc. Trong đó xác định, khởi nghĩa từng phần là tiền đề của tổng khởi nghĩa và nằm trong điều kiện thời cơ của tổng khởi nghĩa. 

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội và nhiều địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa từng phần. Cuối tháng 3/1945, cao trào khởi nghĩa diễn ra gần như đồng loạt ở nhiều địa phương. Sang tháng 4/1945 và những tháng tiếp theo, khởi nghĩa từng phần đã giành thắng lợi, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều xã, huyện miền Bắc và miền Trung. Nhìn chung, khởi nghĩa từng phần diễn ra không đều ở vùng nông thôn và chưa thực hiện ở tỉnh lỵ, thành phố.

Nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa toàn quốc

Lực lượng vũ trang bảo vệ quần chúng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu 

Khi hội nghị toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 đến 15/8/1945) đang diễn ra thì ngày 13/8, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Nhận định điều kiện chủ quan và khách quan hội tụ, thời cơ cách mạng chín muồi, hội nghị quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc trước khi quân đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật; cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Kế hoạch tổng khởi nghĩa thực hiện theo nguyên tắc: Tập trung, thống nhất, kịp thời; đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Hội nghị cũng chỉ rõ, trong tác chiến, cần tuân thủ đúng theo nguyên tắc quân sự và chính trị phải phối hợp.

Quyết định của hội nghị toàn quốc phát động tổng khởi nghĩa (ngày 13/8/1945) chính là thời điểm đánh dấu bước ngoặt chuyển từ khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở các địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa trên quy mô toàn quốc. Tận dụng khoảng thời gian ngắn, trước khi quân đồng minh chưa vào Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo phát động toàn dân, bao gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là lực lượng công nhân, nông dân ở từng địa phương và trên cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa. Cuộc tổng khởi nghĩa đã diễn ra nhanh chóng trên quy mô cả nước với hình thái rất đa dạng và phong phú.

Trong những ngày đầu (từ ngày 14 đến 18/8), tổng khởi nghĩa diễn ra thận trọng, chủ yếu ở các xã, huyện thuộc 19 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Ở một số địa phương, tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa (ngày 13/8/1945), nhưng thực hiện Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945) của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, các đảng bộ địa phương đã lãnh đạo quần chúng nhân dân, có các đội tự vệ xung kích nổi dậy, giành chính quyền từ xã lên huyện, rồi đến cấp tỉnh. Từ ngày 19 đến 26/8 là cao điểm của tổng khởi nghĩa, với 56/65 tỉnh, thành phố, đặc khu khởi nghĩa. Đặc biệt là thắng lợi ở Hà Nội (ngày 19/8), Huế (ngày 23/8) và Sài Gòn (ngày 25/8) đã đập tan sức kháng cự của quân Nhật và bọn tay sai, tác động mạnh mẽ tới các địa phương khác tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Thực tế cho thấy, trong số 65 tỉnh, thành phố và đặc khu tiến hành khởi nghĩa thì 36 tỉnh, thành phố về cơ bản các đảng bộ địa phương tổ chức, lãnh đạo bắt đầu khởi nghĩa từ các xã, huyện tiến lên tỉnh lỵ, từ ngoại thành vào nội thành, rồi kết thúc ở một vài huyện, xã còn lại; 15 tỉnh chỉ đạo tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ trước, sau đó tỏa về các huyện và 11 tỉnh, đặc khu chỉ đạo thực hiện khởi nghĩa đồng thời cả ở tỉnh lỵ và nông thôn, giành chính quyền cách mạng trong một ngày. Đến ngày 28/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước cơ bản kết thúc (trừ thị xã Vĩnh Yên bị Quốc dân đảng chiếm đóng, thị xã Lào Cai, Hà Giang, Móng Cái bị quân Tưởng Giới Thạch và tay sai chiếm đóng và thị xã Lai Châu bị quân Nhật từ Lào quay sang chiếm giữ), trong đó Hà Tiên là địa phương khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi cuối cùng.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo, chủ động, nhạy bén của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghệ thuật chỉ đạo từ khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi ở các địa phương tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Trong đó, hình thức khởi nghĩa từng phần là khâu trung gian chuyển tiếp lên tổng khởi nghĩa. Đây chính là hình thức vận động mang tính đặc thù của quy luật khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền cách mạng đã thành công ở Việt Nam.     

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn