Người lính vững vàng trên hai mặt trận
HQVN -
Cựu chiến binh Đặng Văn Hiệt, nguyên Trung sĩ Hàng hải số 1, Tàu 635, Đoàn tàu Không số hiện đang ở phường Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông cùng đồng đội hoàn thành tốt các chuyến đi. Về hưu ông đã phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi của TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông được mọi người thường gọi người lính vững vàng trên hai mặt trận.
Chiến sĩ hàng hải gan dạ
Đặng Văn Hiệt nhập ngũ năm 1968, đến năm 1969 được điều động về Đoàn tàu Không số. Người chiến sĩ này đã tham gia các chiến dịch VT5, đường Hồ Chí Minh trên biển đến giải phóng miền Nam. Mỗi một chuyến đi đều ắp đầy kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn và sự mưu trí sáng tạo. 9 năm quân ngũ, kỷ niệm đáng nhớ nhất với chiến sĩ Hàng hải Đặng Văn Hiệt chính là chuyến đi biển trinh sát gần 30 ngày trên con Tàu 635.
Thực hiện mệnh lệnh của cấp trên về trinh sát tuyến đường mới, ngày 11-1971, Tàu 635 do đồng chí Đỗ Bé làm thuyền trưởng cùng hơn 20 cán bộ, thủy thủ xuất phát. Tàu còn được tăng cường tổ Quân báo và tổ Đặc công tham gia đoàn công tác. Khởi hành tại quân cảng K20, tàu đi theo hải trình vịnh Bắc Bộ-Lôi Châu-Hồng Kông-Căn cứ Subic (Philippines)-Indonesia-Singapore-vịnh Thái Lan-bến Cà Mau và trở lại. Tàu mang theo 30 tấn hàng hóa được ngụy trang kín đáo. Trong hải trình dài ngày trên biển ấy, qua các khu vực, tàu luôn phải thay đổi số hiệu để không bị lộ. Lúc đó, trang bị thô sơ, điều khiển tàu hoàn toàn dựa vào các bảng tra thông số thiên văn MT53, MT57, bảng tham khảo vị trí tàu của Trường hải sản Sơn Đông, Trung Quốc và tài liệu dày mấy gang tay. Trung sĩ Đặng Văn Hiệt chia sẻ: Chuyến đi không thả hàng được nhưng để lại kỷ niệm sâu sắc đối với tôi.
Ông Đặng Văn Hiệt chăm sóc đàn lợn rừng
Để giữ bí mật cho chuyến đi, đơn vị đã cấm trại hơn 1 tháng. Mỗi cán bộ, thủy thủ và thành viên đoàn công tác đều mang một mật danh riêng và ai cũng phải học thuộc một bản khai với nội dung: Chúng tôi là những thuyền viên tàu của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hàng hóa khan hiếm do Mỹ bao vây cấm vận nên chúng tôi mới đi vận tải, tàu lâm nạn đề nghị các ông, bà cứu giúp xin liên lạc với đại diện của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Sau chuyến đi Đặng Văn Hiệt được chỉ huy chọn làm “giáo viên” trao đổi về kỹ năng tác nghiệp thiên văn cho toàn đơn vị.
Thượng tá Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, nguyên Phó thuyền trưởng Tàu 635 cho biết: Trong chuyến đi đó Trung sĩ Đặng Văn Hiệt rất tinh thông về thiên văn, tính toán nhanh, chịu đựng sóng gió tốt. Tàu gặp tình huống nguy hiểm nhưng Đặng Văn Hiệt vẫn bình tĩnh cùng tập thể tàu xử trí tình huống an toàn.
Gương sáng làm kinh tế giỏi
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyến đi, năm 1975 Trung sĩ Đặng Văn Hiệt được điều động sang làm Thuyền trưởng Tàu 416. Tàu chở xe tăng chi viện cho chiến trường miền Nam và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1976, ông về phục viên, chuyển ngành, đi học và chuyển về Công ty vận tải biển Quảng Ninh.
Năm 1992, ông Đặng Văn Hiệt về hưu và bắt đầu làm kinh tế hộ gia đình tại phường Việt Hưng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trên khu đất vườn đồi rộng gần 11 nghìn m2. Ban đầu chỉ là trồng cây ăn quả, nuôi lợn, đào ao thả cá… Đến giữa năm 1995, ảnh hưởng của bão đổ bộ vào Quảng Ninh cả trang trại của gia đình ông gần như bị xóa sổ. Bao nhiêu tiền tích góp được đầu tư vào làm kinh tế trang trại trở về vạch xuất phát ban đầu. Không bó tay trước khó khăn, ông tiếp tục dựng lại trang trại và tìm kiếm nguồn vốn cũng như cây trồng, con giống phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất đồi núi.
Năm 2010, có đồng đội công tác ở trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên là chiến sĩ Hải quân tư vấn về giống lợn rừng Thái Lan. Ông bắt đầu tìm hiểu, xây dựng chuồng nuôi và chuyển sang nuôi lợn này. Ông Đặng Văn Hiệt cho biết: Tôi luôn đặt mục tiêu cấp thịt lợn sạch cho khách hàng nên tôi chủ yếu “tự cung, tự cấp” thức ăn cho lợn. Sản phẩm làm ra để phục vụ chính bản thân, họ hàng và đồng đội… nên lãi ít để giữ uy tín.
Lợi thế đất rộng, ông trồng cây chuối, cây ăn lá, chỉ mua ít cám ngô cho ăn thêm nên lợn của ông được nhiều khách hàng tin tưởng. Từ năm 2010 đến nay bình quân trang trại của ông luôn duy trì đàn lợn rừng từ 70-100 con. Ngay cả thời điểm có dịch tả lợn Châu Phi ở địa phương, ông vẫn bảo toàn được đàn giống và lợn thịt. Trừ các loại chi phí, ông thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ông Bùi Quang Lâm, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Ông Đặng Văn Hiệt là hội viên gương mẫu, gương sáng trong làm kinh tế giỏi, tích cực làm công tác từ thiện, nhận đạo ở địa phương.
Ở độ tuổi 70, ông vẫn chưa ngừng tay, nghỉ ngơi nhưng với tinh thần còn sức khỏe, còn lao động, hằng ngày cựu chiến binh Đoàn tàu Không số Đặng Văn Hiệt vẫn từ nhà ở lại di chuyển vào trang trại gần 20 km chăm sóc đàn lợn và vườn cây. Ngoài ra, ông tham gia tích cực vào các hoạt động của Ban liên lạc Hội truyền thống Đoàn tàu Không số tỉnh Quảng Ninh cũng như toàn quốc. Ông Đặng Văn Hiệt đạt tiêu chuẩn người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi cấp TP.Hạ Long giai đoạn 2012-2017.
Bài, ảnh: Văn Vũ
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn