Ngọt ngào vị tép sông quê
HQVN -
Mỗi lần nghỉ phép về quê là một lần tôi được thưởng thức những món ăn do chính tay mẹ nấu. Một trong những món ruột khiến tôi khó cưỡng khi đưa cơm chính là tép sông kho tương.
Món tép sông kho tương chẳng phải cao lương mỹ vị gì nhưng lại là hồn cốt trong những món ăn dân dã thời thơ ấu. Những dòng sông nhỏ nơi tôi ở, ngoài tác dụng làm “công viên” nước cho lũ trẻ nô đùa thoả thích mỗi trưa hè còn là một trong những nơi cung cấp cá, tôm quanh năm cho ngôi làng ven đê, nhất là mỗi mùa giáp hạt. Cá tôm cũng chẳng có nhiều nhưng có lẽ do đặc điểm môi trường nên vị ngon cá sông làng tôi từng một thời nức tiếng cả mấy xã vùng ven.
Khác với mớ tép đồng con nào con nấy căng mẩy, tép sông quê tôi thường thon dài, chắc nịch và rất thơm ngon. Những con sông chảy qua địa hình đồi núi, nước trong vắt, cảm giác mát lạnh khi chạm chân vào làn đá cuội trắng phau dưới đáy, nơi chỉ thấy cát và những hòn cuội nhỏ, tuyệt nhiên không có bùn, những đám rêu xanh mướt ven bờ chính là nơi đàn tép sông trú ngụ. Vì nước chảy hơi xiết nên thân hình tép sông con nào con nấy thon dài hơn tép đồng, những chú tép nhỏ với đôi càng chắc chắn, dài lòng cùng lớp giáp cứng mới bám trụ nổi vào đám rêu ẩn mình dưới dòng nước xiết. Có lẽ vậy mà tép sông quê tôi nổi tiếng bởi thịt săn chắc, vị thơm ngon và rất sạch, không tanh bùn, không phải ngâm rửa nhiều trước lúc chế biến như tép đồng.
Cũng vì nước chảy mà việc bắt tép sông rất khó, đòi hỏi phải kiên trì. Người lớn trong làng bận bịu suốt ngày với việc đồng áng nên thành quả của những mớ tép sông lấp lánh ánh bạc, nhảy tanh tách cũng là do lũ trẻ vừa chăn trâu vừa đánh bắt mỗi ngày. Công cụ bắt tép khá đơn giản. Mỗi đứa dùng một chiếc nong thưa, độ thưa của nan tre đủ lớn để khi cất lên không đọng nước nhưng cũng phải đủ nhỏ để những con tép không lọt sàng. Mồi mà lũ tép sông khoái khẩu nhất chính là món cám rang hơi cháy vàng. Cám rang được bọc vào lớp vải thưa để khi xuống nước, không bị tan quá nhanh trong dòng nước chảy.
Khi đàn bò đã ổn định trên bãi, lũ trẻ chọn những chỗ nước nông đến đầu gối, ngồi bệt xuống sông theo hướng xuôi dòng chảy, nhẹ nhàng đưa nong xuống nước, một tay giữ nong, tay còn lại thảnh thơi bóp cám. Quả nhiên, chỉ một lúc sau, những bóng trắng lấp lánh từ đâu ngược dòng nước vào thưởng thức mồi. Đợi tép đến đủ nhiều, lũ trẻ hai tay cất nong, kiểu như cất vó, vội vàng chạy lên bờ đổ vào vũng nước trong đã bới sẵn.
Năng nhặt chặt bị, cứ mỗi lần một ít, vậy mà cuối chiều, đứa nào đứa nấy giỏ đầy căng. Tép lại tươi rói vì được nuôi trong nước suốt thời gian đánh bắt. Lúc này, đàn bò đã rời bãi về chuồng, bọn trẻ nhảy chân sáo theo sau.
Việc chế biến cũng chẳng mấy cầu kỳ. Mẹ ra vườn nhổ nắm hành tăm và mấy củ nghệ tươi đập nhỏ, tép được dội sạch, để ráo nước, đổ gia vị nghệ tươi và hành đập nhỏ vào, thêm nhúm muối trắng xóc đều. Phi vài củ hành thơm phức, cho một ít nước đun sôi, sau đó đổ cả tép đã ướp sẵn vào nồi. Chỉ một thoáng sau đã thấy con tép vàng ươm, con tôm nhỏ đỏ au dưới làn nước sôi liu riu. Khi đó mới cho một ít tương vào. Nồi cá lúc này bắt đầu dậy mùi thơm phức. Chờ cho nước hơi cạn, thảy vào chút mì chính và một ít tiêu xay. Vậy là đã có nồi tép kho tương nghệ thơm phức, vị ngon thật khó cưỡng.
Cùng với cơm trắng, cà pháo, canh cua thì tép sông kho nghệ là món ăn dân dã đồng quê đã từng nuôi lớn biết bao ước mơ thời thơ ấu. Giờ đây, khi trở về chốn quê thì mẹ đã già. Tôi như được sống lại những kỷ niệm ngày xưa qua món ăn dân dã và nụ cười ấm áp dưới khoé mắt đã hằn sâu vết chân chim của mẹ.
Hồ Thanh Chương
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn