Cội rễ thiêng liêng dịp Tết Nguyên đán

Đến mồng 2 Tết Nguyên đán, vợ chồng tôi đưa các con về bên ngoại (họ vợ) để chúc tết bố mẹ và họ hàng. Sang mồng 3 tết, vợ chồng, con cháu mới được tách để đi chúc tết thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, những mối quan hệ riêng.

20 năm công tác, lần ăn Tết xa nhà là kỷ niệm khó quên và khó diễn tả với những cảm xúc lẫn lộn trong tôi. Cảm nhận thời khắc giao mùa đang đến, cảm nhận không khí tưng bừng đón tết của mọi nhà. Khi đó, hình ảnh tôi nghĩ đến nhiều nhất là cảnh bố mẹ, bà xã tất bật lau dọn, trang hoàng nhà cửa, bàn thờ, sắm sửa đồ đạc, các con tôi háo hức nghỉ học, mặc những bộ quần áo mới, ríu rít theo chân ông bà, bố mẹ đi chơi chợ.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, việc chuẩn bị, nhất là mua sắm tết là công việc vất vả nhất. Việc đi chợ, sắm tết không đơn giản chỉ là lo toan vật chất cho gia đình mấy ngày tết, mà thực sự đó còn là một thú vui, niềm hạnh phúc của mỗi người chăm chút cho gia đình.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

Con cháu quây quần dịp Tết Nguyên đán

Năm nào cũng vậy, trong gia đình tôi, việc mua lễ để cúng tổ tiên, tết họ hàng và bảo đảm thực phẩm mấy ngày tết là do phụ nữ đảm nhiệm. Cánh đàn ông có trách nhiệm trang hoàng nhà cửa, mua đào, quất. Bố tôi thường cho các cháu đi chợ chơi và chọn đào, chọn quất. Bố tôi chỉ chọn mua cành đào vừa có hoa, có nụ, vừa có lộc non, chỉ chọn mua cây quất sai quả, quả to, chín đều, điểm xuyết những chùm hoa và quả non xanh. Bố tôi bảo, điều đó tượng trưng cho sự đoàn tụ và nối tiếp trường tồn của các thế hệ trong gia đình, mà đó cũng là cơ sở cho sự trường tồn của quốc gia, dân tộc.

Gia đình tôi tuy không sống ở quê nhưng cũng không cách xa quê lắm, vì thế mỗi dịp Tết đến có ít nhất 2 lần về quê. Lần về trước tết là để cùng anh em, con cháu trong gia tộc tập trung đi sửa sang, thắp hương mời tổ tiên về ăn tết cùng.

Hôm ấy, gia đình tôi ở lại ăn cơm tất niên và nhận phần “thịt đụng”. Những ai từng sống ở quê chắc hẳn không thể quên tập quán “đụng thịt” trong mỗi dịp tất niên. Tục lệ này xuất phát từ sự khó khăn về thực phẩm nên mấy gia đình cạnh nhau, hoặc anh em họ hàng cùng bỏ tiền mua một con lợn và cử một gia đình chăn nuôi. Đến ngày tất niên, con lợn đó được đem làm thịt. Tiết canh, nội tạng được làm thành món để ăn bữa “tập đoàn” hay còn gọi là “bữa ăn đoàn kết”, còn phần thịt được giã làm giò, chả và chia đều cho các gia đình.

Giờ đây, khi thực phẩm không còn khan hiếm, người ta dễ dàng mua ở chợ trong cả 3 ngày tết hay mua sẵn để trong tủ lạnh dùng dần, nhưng tục lệ này qua một thời gian không lâu bị mai một, đang có xu hướng trở lại không chỉ ở thôn quê mà ngay cả ở một số thành thị, với lý do: Ăn uống không quan trọng nhưng lấy vui, đoàn kết là chính. Vả lại, thịt lợn tự nuôi là thịt lợn tươi, sạch, ngon chứ không phải thứ thịt lợn được nuôi theo kiểu công nghiệp, đang trở nên quý hiếm.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

Niềm vui ngày tết bên bếp lửa hồng

Lần về quê thứ hai là vào mồng 1 Tết để đi chúc tết họ hàng, để con cháu nhận họ hàng bên nội, bên ngoại. Đại gia đình cùng ngồi ăn một bữa cơm đầu năm, uống chén rượu nồng, ôn lại những việc đã làm được trong năm và chỉ nói những chuyện vui vẻ, dùng những lời lẽ tốt đẹp cho nhau thay lời chúc.

Những năm gần đây, khi đời sống dư dả, nhiều gia đình, nhiều thanh niên có xu hướng đi du lịch trong dịp Tết. Việc du lịch dịp Tết được nhiều công ty lữ hành cổ vũ là dễ hiểu vì đó là nghề làm ăn của họ, nhưng khó hiểu ở chỗ có những nhà nghiên cứu, nhà báo lại cổ vũ cho xu hướng này, coi đó là sự thể hiện lối sống văn minh. Cá nhân tôi chưa ủng hộ quan điểm này. Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của dân tộc, không chỉ là dịp ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm miệt mài, vất vả để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động, công tác mới, mà còn là dịp gia đình sum họp, là dịp mỗi người, mỗi gia đình trở về cội rễ thiêng liêng với giá trị tâm linh và tình cảm sâu sắc. Đây chính là cơ sở nền tảng vững chắc để bảo vệ gia đình, cũng như bảo tồn truyền thống dân tộc, mà nếu không có nó, mỗi gia đình và dân tộc sẽ mất đi “căn tính” của mình.

Bài, ảnh: Tuấn Đạt

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn