Năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Nga

Tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm đối phương là một trong những nhiệm vụ chính được Hải quân Nga đảm nhận. Để đối phó với lực lượng tàu ngầm đối phương, Hải quân Nga có nhiều phương tiện khác nhau từ tàu ngầm đến máy bay.

Hệ thống vũ khí chống ngầm dày đặc cho phép Hải quân Nga kịp thời tìm thấy, tấn công và giảm mối đe dọa từ các tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo hoặc tàu ngầm đa nhiệm của đối phương.

Cánh tay nối dài của Hải quân

Hiện tại, Hải quân Nga sở hữu nhiều máy bay chống ngầm các loại. Những cỗ máy này giúp lực lượng Hải quân quan sát tình hình ở khu vực gần các căn cứ. Điều này cũng đảm bảo cho Hải quân Nga kịp thời phát hiện ra lực lượng của đối phương ở khoảng cách an toàn trước khi chúng sử dụng vũ khí.

Năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Nga

Trực thăng chống ngầm Ka-27. Nguồn: Mil.ru

Hàng không Hải quân Nga có 22 máy bay Tu-142MK/M3 và Tu-142MR, hiện đang phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Phương Bắc. Những chiếc máy bay của “gia đình” Tu-142 được trang bị radar Krypton, phao vô tuyến, máy đo từ trường Ladoga, cũng như các phương tiện lưu trữ và xử lý dữ liệu. Về hệ thống vũ khí, dòng máy bay Tu-142 mang theo bom, ngư lôi và thuỷ lôi.

Ngoài ra, Hải quân Nga cũng đang có trong tay 22 máy bay chống ngầm tầm xa Il-38. Một phần trong số đó đang được hiện đại hoá lên phiên bản Il-38N. Máy bay Il-38 được trang bị hệ thống tìm kiếm và định vị Berkut-38. Trong khi đó, phiên bản nâng cấp Il-38N được trang bị tổ hợp Novella. Bên cạnh đó, Hàng không Hải quân cũng có một số máy bay lưỡng cư Be-12. Những chiếc máy bay này được trang bị hệ thống tìm kiếm và quan sát PPS-12 với radar Initiative-2B, hệ thống quan sát và tính toán Lilac-2M, máy đo từ tường APM-60 và một số hệ thống khác. Nhờ đó, Be-12 có thể giúp Hải quân Nga tìm kiếm tàu ​​ngầm và tiêu diệt chúng bằng cách sử dụng bom hàng không chống ngầm và ngư lôi chống ngầm AT-1 hoặc UMGT-1. Trong trang bị của Hải quân Nga còn có hơn 60 trực thăng chống ngầm Ka-27. Cỗ máy này được trang bị hệ thống định vị và tìm kiếm mục tiêu Octopus, bao gồm radar Initiative-2KM, hệ thống sonar thả chìm VGS-3. Về hệ thống vũ khí, Ka-27 mang theo ngư lôi và tên lửa nhỏ, cũng như bom chống ngầm.

Năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Nga

Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko thuộc Đề án 1155.1. Nguồn: US Navy

Đội quân mặt nước

Hải quân Nga sở hữu nhiều tàu mặt nước, trong đó có 9 tàu chống ngầm cỡ lớn và 26 tàu chống ngầm cỡ nhỏ thuộc các lớp tàu khác nhau như tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu tuần tra. Tàu chống ngầm cỡ lớn của Hải quân Nga là các tàu thuộc Đề án 1155 và 1155.1. Với tổng lượng giãn nước 7.500 tấn, các tàu Đề án 1155 được trang bị tổ hợp thủy âm MG-335 Polynom, 2 ống phóng ngư lôi và bom phản lực RBU-6000, 2 bệ phóng tổ hợp tên lửa chống ngầm URK-5 Rastrub với 8 tên lửa. Hiện có 3 tàu chống ngầm cỡ lớn thuộc Đề án 1155 phục vụ trong Hạm đội Phương Bắc, 4 chiếc hoạt động trong trang bị của Hạm đội Thái Bình Dương. Tàu chống ngầm cỡ lớn Đề án 1155.1 sử dụng hệ thống định vị thuỷ âm Zvezda-2. Về vũ khí chống ngầm, tàu Đề án 1155.1 được trang bị 2 bệ phóng tên lửa điều khiển chống ngầm RPK-6M Vodopad, bom phản lực RBU-12000 và 2 ống phóng ngư lôi. Chiếc tàu chống ngầm cỡ lớn duy nhất thuộc Đề án 1155.1 Đô đốc Chabanenko đang nằm trong trang bị của Hạm đội Phương Bắc.

Chiếm phần lớn trong đội tàu mặt nước chống ngầm của Hải quân Nga là tàu chống ngầm cỡ nhỏ thuộc Đề án 1124(М), mang theo 1 hoặc 2 quả bom RBU-6000 cùng hai ống phóng ngư lôi 533 mm trên boong. Trong khi đó, Hạm đội Baltic là đơn vị duy nhất sử dụng tàu chống ngầm cỡ nhỏ thuộc Đề án 1331М (7 tàu). Các tàu này được trang bị hệ thống thuỷ âm MGK-335MS “Platina-MS”. Về vũ khí, tàu chống ngầm cỡ nhỏ thuộc Đề án 1331М sở hữu 2 quả bom RBU-6000 và 10 quả bom chống ngầm, 2 ống phóng ngư kép.

Năng lực tác chiến chống ngầm của Hải quân Nga

Tàu tuần dương ngầm hạt nhân mang tên lửa chiếc lược Karelia thuộc Đề án 667BDRM. Nguồn: Mil.ru

Thợ săn dưới lòng đại dương

Hải quân Nga đang sở một một lượng lớn tàu ngầm thuộc tất cả các lớp, trong đó, chủ yếu là các tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm điện- diesel. Những tàu này có nhiệm vụ tìm kiếm và phá hủy tàu ngầm đối phương. Ngoài ra, tàu ngầm mang tên lửa chiến lược cũng có thể giải quyết được nhiệm vụ này. Tàu tuần dương ngầm mang tên lửa chiếc lược thuộc Đề án 667BDR được trang bị hệ thống thuỷ âm MGK-400 Rubicon, cũng như đài thuỷ âm Avrora-1 và Shmel. Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân cải tiến thuộc Đề án 667BDRM mang theo hệ thống thuỷ âm MGK-520 Skat-BDRM, 4 ống phóng ngư lôi 533 mm. Bên cạnh những tàu kể trên,  Hải quân Nga còn có các tàu tuần dương mang tên lửa hạt nhân chống ngầm Đề án 949A và 885. Trong đội tàu ngầm của Hải quân Nga có một số tàu ngầm mang thuỷ lôi và ngư lôi. Đó là những tàu ngầm thuộc các Đề án 945, 945A, 671RTMK và 971.

“Xương sống” của lực lượng tàu ngầm phi hạt nhân hiện nay là 14 tàu ngầm diesel-điện thuộc Đề án 877, đang phục vụ trong hầu hết hạm đội của Hải quân Nga, ngoại trừ Hạm đội Caspian.

Hiện tại, Nga đang nỗ lực hiện đại hoá lực lượng Hải quân sau nhiều đợt cắt giảm chi phí hoạt động trong những thập kỷ qua. Cùng với các thành phần khác của Hải quân, lực lượng chống ngầm đang được khôi phục. Dù cho việc xây dựng hệ thống chống ngầm hiện đại không phải là ưu tiên duy nhất nhưng công tác chống ngầm không bị Quân đội Nga lãng quên. Điều này mở ra viễn cảnh, trong tương lai, các tàu ngầm của đối phương sẽ hoạt động khó khăn hơn nữa khi phải đối mặt với lực lượng chống ngầm của Hải quân Nga.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn