Mỹ muốn phát triển hạm đội hơn 500 tàu chiến
Lầu Năm Góc vừa thông báo kế hoạch tăng số lượng chiến hạm của hải quân Mỹ lên hơn 500 chiếc. Đó là một sự điều chỉnh đáng kể so với mục tiêu trước đây về phát triển hạm đội tàu chiến gồm 355 chiếc.
Phát biểu tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách ở Washington ngày 6-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nêu rõ, từ con số hơn 290 chiếc hiện nay, đến giữa thập niên 2030, hải quân Mỹ cần phát triển hạm đội tàu chiến hơn 355 chiếc và đến năm 2045 là hơn 500 chiếc. “Chúng ta phải vạch ra một con đường mới cho một hạm đội tương lai giúp duy trì ưu thế hải quân của chúng ta. Lực lượng này sẽ lớn, hiện đại, bền vững hơn, có khả năng sống sót, thích nghi và độ sát thương nhiều hơn những gì chúng ta đã chứng kiến trong nhiều năm qua. Chúng tôi tin rằng tầm nhìn tương lai này sẽ giúp bảo đảm Mỹ có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới”, Defense News dẫn lời Bộ trưởng Mark Esper.
Tàu sân bay USS Nimitz và tàu khu trục USS Ralph Johnson của Mỹ trong một cuộc tập trận ở Thái Bình Dương hồi tháng 5-2020. Ảnh: US Navy
Theo “ông chủ” Lầu Năm Góc, hải quân Mỹ cần nhanh chóng gia tăng số lượng tàu ngầm tấn công, các chiến hạm cỡ nhỏ có người lái, không người lái và nghiên cứu việc “thay đổi vai trò” của các tàu sân bay trong những thập niên tới như một phần trong kế hoạch mở rộng hạm đội tàu chiến quy mô lớn nhằm duy trì ưu thế của Mỹ trên biển. Bộ trưởng Mark Esper cho rằng, hải quân Mỹ phải ưu tiên phát triển một lực lượng tàu ngầm tấn công gồm khoảng 70 đến 80 chiếc so với con số 51 chiếc hiện có. Điều này đòi hỏi mỗi năm, hải quân Mỹ phải đóng mới ít nhất 3 tàu ngầm lớp Virginia “càng sớm càng tốt”. Nhấn mạnh phải đánh giá lại việc sử dụng các tàu sân bay, Bộ trưởng Mark Esper cho rằng, hải quân Mỹ cần cắt giảm tới 4 tàu. Theo tờ Stars and Stripes, hải quân Mỹ sở hữu 11 tàu sân bay đang hoạt động.
Trong vài thập niên qua, số lượng chiến hạm của hải quân Mỹ có chiều hướng giảm. Tạp chí National Interest cho biết vào năm 1987, hải quân Mỹ sở hữu gần 600 chiến hạm, hiện nay con số này là hơn 290. Sự sụt giảm này là hệ lụy tất yếu sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. “Trong những năm 90 của thế kỷ trước, hải quân “nghỉ” mua sắm”, Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ lý giải trong một báo cáo hồi năm 2003. Tuy nhiên, theo chuyên gia Thomas Spoehr của Viện Nghiên cứu chính sách Heritage Foundation có trụ sở tại Washington, trong bối cảnh hải quân Mỹ phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng và phức tạp hiện nay, việc tăng số lượng chiến hạm là cần thiết. Là một cường quốc biển, Mỹ có các lợi ích trên toàn cầu. Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... Mỹ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải tại các khu vực như Biển Đông-nơi có lượng hàng hóa trị giá ít nhất 3,4 nghìn tỷ USD lưu thông mỗi năm, hay vịnh Ba Tư-nơi có ít nhất 21% sản lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển ngang qua. Việc bảo vệ các lợi ích hàng hải của Mỹ đòi hỏi cả sự hiện diện lẫn khả năng triển khai nhanh chóng hạm đội tàu chiến ở nhiều khu vực. Cho dù hạm đội tàu chiến của Mỹ hiện có hơn 290 chiếc, nhưng chuyên gia Thomas Spoehr cho rằng, số lượng chiến hạm Mỹ thực sự “sẵn có” tại những khu vực quan trọng như Biển Đông hay Ấn Độ Dương là rất khiêm tốn. Lý do là bởi hơn 290 chiến hạm của Mỹ phải được phân bổ cho nhiều khu vực khác nhau. Đó là chưa kể tới những thời điểm các chiến hạm phải tham gia các chương trình huấn luyện hoặc bảo dưỡng. “Muốn tránh xảy ra chiến tranh với các đối thủ, Mỹ cần một lực lượng hải quân hiện đại, có quy mô nhằm phát đi một thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ nỗ lực sử dụng sức mạnh quân sự nào đe dọa lợi ích của Mỹ rốt cuộc cũng sẽ thất bại. Khả năng hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện lâu dài và đáng tin cậy trên khắp thế giới, đặc biệt tại những vùng biển tiếp giáp các đối thủ tiềm tàng, mang tính răn đe nhiều hơn so với các lực lượng quân sự đóng quân ở nhà”, chuyên gia Thomas Spoehr nhấn mạnh trong một bài viết trên tạp chí National Interest.
Kế hoạch tăng số lượng chiến hạm mà tờ Stars and Stripes đánh giá là đầy tham vọng này đòi hỏi phải bổ sung hàng chục tỷ USD vào ngân sách của hải quân Mỹ từ nay đến năm 2045. Để hiện thực hóa kế hoạch, Bộ trưởng Mark Esper cho biết hải quân Mỹ đã và đang nghiên cứu tìm nguồn ngân sách đóng tàu chiến mới. “Kế hoạch này cũng đòi hỏi phải có các nhà máy đóng tàu hiện đại, cơ sở hạ tầng tốt hơn và đội ngũ nhân lực có trình độ. Tôi đã nhất trí Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ thêm ngân sách, dựa trên nguồn thu từ các chương trình cải cách và sáng kiến đang được Lầu Năm Góc triển khai. Sự hỗ trợ từ phía Quốc hội cũng là cần thiết. Kết hợp tất cả các nguồn này sẽ giúp đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện kế hoạch”, Bộ trưởng Mark Esper khẳng định.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn