Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên họp sáng 28/11, trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ tám. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Bổ sung chức vụ sĩ quan

Điều 11 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam trước đây chỉ quy định chức vụ của sĩ quan gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; chủ nhiệm tổng cục, tổng cục trưởng, chính ủy tổng cục; tư lệnh quân khu, chính ủy quân khu; tư lệnh quân chủng, chính ủy quân chủng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng; tư lệnh quân đoàn, chính ủy quân đoàn; tư lệnh binh chủng, chính ủy binh chủng; tư lệnh vùng Hải quân, chính ủy vùng Hải quân; sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn; chỉ huy trưởng bộ CHQS sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), chính ủy bộ CHQS cấp tỉnh; chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; lữ đoàn trưởng, chính ủy lữ đoàn; trung đoàn trưởng, chính ủy Trung đoàn; chỉ huy trưởng ban CHQS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), chính trị viên ban CHQS cấp huyện; tiểu đoàn trưởng, chính trị viên tiểu đoàn; đại đội trưởng, chính trị viên đại đội; trung đội trưởng.

Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

Khối nam sĩ quan tham gia diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Luật mới đã bổ sung thêm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó tổng Tham mưu trưởng; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phó chủ nhiệm tổng cục, phó tổng cục trưởng, phó chính ủy tổng cục; phó tư lệnh, phó chính ủy: Quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, quân đoàn; phó sư đoàn trưởng, phó chính ủy sư đoàn; phó chỉ huy trưởng, phó chính ủy bộ CHQS cấp tỉnh; phó chỉ huy trưởng, phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; phó trung đoàn trưởng, phó chính ủy trung đoàn; phó chỉ huy trưởng, chính trị viên phó ban CHQS cấp huyện; phó tiểu đoàn trưởng, chính trị viên phó tiểu đoàn; phó đại đội trưởng, chính trị viên phó đại đội.

Không quy định cụ thể cấp bậc quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng đến từng chức danh

Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam trước đây quy định cấp bậc quân hàm cao nhất cụ thể tới Thiếu tướng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam chỉ quy định cụ thể cấp bậc quân hàm cao nhất là Đại tướng với 3 chức danh (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị); Thượng tướng, Đô đốc Hải quân với 14 chức danh (Thứ trưởng không quá 6, Phó tổng Tham mưu trưởng không quá 3, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị không quá 3); Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Cấp bậc quân hàm Trung tướng, Phó đô đốc Hải quân và Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân không quy định cụ thể đến từng chức danh mà chỉ quy định số lượng không quá 398.

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết vị trí có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới, đơn vị được tổ chức lại, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhưng không vượt quá số lượng tối đa vị trí cấp tướng theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Luật mới cũng bổ sung quy định sĩ quan QĐND biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng.

Với sĩ quan QĐND biệt phái có chức vụ, chức danh cao hơn quy định nêu trên và trường hợp đặc biệt thì được phong, thăng quân hàm cấp tướng do cấp có thẩm quyền quyết định.

Quy định cụ thể hơn trường hợp được xét thăng quân hàm trước thời hạn, sĩ quan biệt phái

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định cụ thể hơn các trường hợp sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn. Cụ thể, sĩ quan được xét thăng quân hàm trước thời hạn trong trường hợp lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu hoặc được khen thưởng trong công tác; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất quy định đối với chức vụ, chức danh sĩ quan đang đảm nhiệm từ hai bậc trở lên hoặc cấp bậc quân hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ chỉ huy, quản lý. Sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn nếu trong chiến đấu lập chiến công xuất sắc hoặc trong công tác được khen thưởng.

Sĩ quan biệt phái thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và được hưởng quyền lợi như sĩ quan đang công tác trong Quân đội; được cơ quan, tổ chức nơi đến biệt phái bảo đảm điều kiện làm việc và sinh hoạt; khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được xem xét, bố trí chức vụ phù hợp; trường hợp bố trí chức vụ thấp hơn chức vụ biệt phái thì được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.

Quy định về chăm sóc sức khỏe với sĩ quan và thân nhân sĩ quan tại ngũ

Luật trước đây quy định chế độ chăm sóc sức khỏe với sĩ quan được Quân đội thanh toán viện phí. Luật mới quy định chế độ thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Luật mới cũng bổ sung quy định con đẻ, con nuôi hợp pháp từ 18 tuổi trở lên của sĩ quan tại ngũ nếu còn đi học phổ thông và không có chế độ bảo hiểm y tế thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cũng trong nhóm quyền lợi về bảo hiểm xã hội còn có thêm quy định sĩ quan khi hết tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu. Sĩ quan được hưởng chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần.

Nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị

Luật trước đây quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị cấp úy là 51 tuổi, Thiếu tá là 53 tuổi, Trung tá là 56 tuổi, Thượng tá là 57 tuổi, Đại tá là 60 tuổi, cấp tướng là 63 tuổi.

Luật mới quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan dự bị cấp úy là 53 tuổi (tăng 2 năm), Thiếu tá là 55 tuổi (tăng 2 năm); Trung tá là 57 tuổi (tăng 1 năm); Thượng tá là 59 tuổi (tăng 2 năm); Đại tá là 61 tuổi (tăng 1 năm); cấp tướng giữ nguyên 63 tuổi. Hạn tuổi phục vụ cao nhất của chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

Địa phương có trách nhiệm bố trí đất làm nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang

Luật mới bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí đất từ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai để bàn giao cho Bộ Quốc phòng làm cơ quan chủ quản, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.

Theo QĐND điện tử

Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan

Một trong những nội dung sửa đổi nhận được sự quan tâm lớn nhất là quy định mới về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Việc sửa đổi theo hướng tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan để sĩ quan có điều kiện hưởng mức lương hưu 75% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động.

Trước đây, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ cấp úy là 46; Thiếu tá là 48 tuổi, Trung tá là 51 tuổi, Thượng tá là 54 tuổi, nam Đại tá là 57 tuổi, nữ Đại tá là 55 tuổi; cấp tướng với nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.

Theo quy định mới, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ cấp úy là 50 tuổi (tăng 4 năm); Thiếu tá là 52 tuổi (tăng 4 năm); Trung tá là 54 tuổi (tăng 3 năm); Thượng tá là 56 tuổi (tăng 2 năm); Đại tá là 58 tuổi (tăng 1 năm với nam, 3 năm với nữ); cấp tướng là 60 tuổi (nam giữ nguyên, nữ tăng thêm 5 năm). 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn