Mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến
Sáng 18-12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 / 19-12-2016).
Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng và nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Phó chủ tịch nước và nguyên Phó chủ tịch nước; Phó thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó thủ tướng Chính phủ; Phó chủ tịch Quốc hội và nguyên Phó chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo một số địa phương; các vị lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân.
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước gửi lẵng hoa chúc mừng Lễ kỷ niệm.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm
Trước khi Lễ kỷ niệm chính thức bắt đầu, các đại biểu đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật, với các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, phản ánh tinh thần dũng cảm, bất khuất của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đặc biệt đã khắc họa sinh động những ngày Toàn quốc kháng chiến trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đọc diễn văn, khẳng định những giá trị lịch sử to lớn của sự kiện Toàn quốc kháng chiến cách đây 70 năm.
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đọc diễn văn kỷ niệm.
Diễn văn kỷ niệm nhấn mạnh: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; song cũng khiến cho các thế lực đế quốc và bọn phản động vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá, hòng thủ tiêu thành quả vĩ đại vừa giành được của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Chính quyền cách mạng non trẻ khi đó gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ,... và đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”. Được sự giúp sức của quân Anh, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, sau đó mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các biện pháp đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chính phủ ta đã chủ động đàm phán với Chính phủ Pháp để tránh cuộc chiến tranh, ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14-9-1946. Song, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội, tàn sát đẫm máu đồng bào ta... Dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp đã rõ ràng. Nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập dân tộc. Sáng 20-12-1946, tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm.
Đáp lại lời hiệu triệu của Người, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc vào hồi 20 giờ 03 phút ngày 19-12-1946 bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, như: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn,… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc ta muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi và niềm tin tất thắng.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, với lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, song, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, bất khuất, sáng tạo, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố, kiên cường giam chân địch trong suốt 60 ngày đêm, vượt gấp đôi thời gian dự kiến. Quân, dân Hà Nội và các địa phương khác đã phát huy cao độ nghệ thuật quân sự của cha ông ta: “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, sử dụng mọi vũ khí có trong tay, kết hợp “trong đánh, ngoài vây, trong ngoài cùng đánh”... Với tinh thần anh dũng, quật cường, không sợ hy sinh, gian khổ, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã giam chân thực dân Pháp 60 ngày đêm trong nội thành, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao: “Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”.
Các chiến sĩ quyết tử bảo vệ Thủ đô năm xưa, tham dự Lễ kỷ niệm.
Diễn văn kỷ niệm khẳng định, từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã lập nên bao kỳ tích, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và đội quân viễn chinh Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc trường chinh 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Từ thực tiễn cách mạng đã khẳng định: Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, với mốc son lịch sử của những ngày Toàn quốc kháng chiến, do nhiều nhân tố hợp thành; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đường lối đúng đắn, sáng tạo là nhân tố quyết định.
Diễn văn kỷ niệm khẳng định, tinh thần, khí phách “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm năm 1946 - 1947 mở đầu cho Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản anh hùng ca mùa Đông bất tử. Tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lịch sử vĩ đại này đang soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay. Trách nhiệm và sứ mệnh của chúng ta trước quá khứ lịch sử hào hùng của cha ông ta để lại, trước tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam là phải phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong ước.
Đại tá Nguyễn Huy Du phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Đại diện cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu tại Hà Nội trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, Đại tá Nguyễn Huy Du, nguyên Cán bộ Cục Khoa học Quân sự (Bộ Tổng tham mưu) đã phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Từng tham gia mít tinh biểu tình cướp diễn đàn của bọn bù nhìn thân Nhật tại Nhà hát Lớn Hà Nội và cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ; đánh chiếm trại bảo an binh của địch ở phố Hàng Bài, đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đại tá Nguyễn Huy Du tiếp tục đi học. Tuy nhiên, khi thấy thực dân Pháp trở lại Hà Nội, ngang nhiên cướp bóc, bắn giết đồng bào trên đường phố, ông nghỉ học và trốn gia đình đi tham gia chiến đấu. Ngay trong đêm 19-12-1946, khi có hiệu lệnh tấn công địch, Đại tá Nguyễn Huy Du cùng đồng đội lao ra đường ngả cột đèn, cây cối, rải chướng ngại vật, tích cực tham gia đánh địch, sau đó được phân công làm trinh sát cho Tiểu đoàn 102. Ngoài nhiệm vụ trinh sát, nắm địch, ông còn được phân công nhiệm vụ dẫn bộ đội đi tập kích, phục kích và phản kích địch khi chúng tiến công ta. Sau 60 ngày đêm chiến đấu, ông cùng đồng đội rút lên chiến khu, để rồi 9 năm sau lại có mặt trong đội hình trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
“Chúng tôi, những người đã tham gia chiến đấu từ những ngày đầu kháng chiến ở Thủ đô, hiện nay phần lớn đã ở tuổi 90. Với ý thức trách nhiệm và nhiệt tình cách mạng của người sĩ quan Quân đội và những người đã được thử thách rèn luyện trong cuộc chiến 60 ngày đêm quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, chúng tôi xin hứa với với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẽ phát huy vai trò của người cán bộ, người đảng viên trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong phần đời còn lại”, Đại tá Nguyễn Huy Du xúc động phát biểu.
PGS.TS Trần Xuân Bách phát biểu cảm tưởng tại Lễ kỷ niệm.
Tại Lễ kỷ niệm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, hiện là giảng viên Đại học Y Hà Nội đại diện thế hệ trẻ phát biểu cảm tưởng. PGS.TS Trần Xuân Bách cho rằng: Huyền thoại về 60 ngày đêm chiến đấu những ngày Toàn quốc kháng chiến không chỉ đọng lại trong ký ức của người Hà Nội hôm nay, là kỷ niệm vô giá của bao người dân và chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa mà còn đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như thiên hùng ca bất tử; mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời về ý chí quật cường, lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của cha anh, kết tinh thành giá trị tinh thần vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống hào hùng, chiến công oanh liệt của cha anh; trân trọng biết ơn, tôn vinh sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cha anh, cùng những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng. Tuổi trẻ hôm nay nguyện phát huy và kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, phấn đấu hết mình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; noi gương các thế hệ đi trước, rèn đức, luyện tài để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân: Công bố quyết định sáp nhập và tổ chức lại các phòng, ban trực thuộc - ( 22-11-24 04:00 )
- Quân chủng Hải quân kiểm tra đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu tại Vùng 4 - ( 22-11-24 02:00 )
- Vùng 4 rút kinh nghiệm công tác huấn luyện, đào tạo các đơn vị khối binh chủng hợp thành - ( 22-11-24 08:00 )
- Lữ đoàn 679 bế mạc Hội thi VKTBKT, kho trạm tốt và 4 chuyên ngành hậu cần năm 2024 - ( 21-11-24 06:00 )