Miền biển tuổi thơ tôi

HQVN -

Làng tôi mang hình con cá nục, nằm áp chân đê, từ bao năm nay đã quen nghề chài lưới. Bởi vậy, người dân quê tôi, nhất là cánh đàn ông đều rất thông thạo nghề đi biển và thuộc từng tuần trăng con nước, cũng như biết được khi nào biển lắm cá nhiều tôm, khi nào có gió to sóng dữ.

Cũng vì thế mà đám trẻ con chúng tôi được làm quen và gắn bó với biển từ rất sớm, vừa để thoả sức đánh bắt hải sản tự nhiên vừa để tìm cảm giác được vùng vẫy giữa không gian vô cùng vô tận của biển trời…

Bãi triều là một vùng đất và cát rộng chừng vài nghìn héc ta, được bồi đắp thường xuyên. Nửa phía trong là vùng đất phù sa sụt lầy, nơi rừng ngập mặn phát triển; còn phía ngoài là những bãi cát thấp, len lỏi giữa chúng là các con lạch nước xiết và sâu. Vào ngày nước ròng, những bãi cát nằm phơi vô vàn các loài hải sản nên cảnh lao động ở đây diễn ra thật sôi động, tấp nập.

Chúng tôi thường rủ nhau ra bãi để cào vọp, nạo vạng hay đãi don, đãi dắt… Dụng cụ để bắt vọp là những chiếc cào nhỏ nhắn và độc đáo. Cán cào rất ngắn, chỉ vừa tay nắm còn răng cào thì lại dài hơn, làm bằng những que sắt nhỏ chừng chiếc đũa ăn cơm và được uốn cong phía dưới. Chúng tôi ngồi xổm, dùng cào bổ sâu vào cát rồi lật lên để lộ ra những con vọp có lớp vỏ trắng tinh, to chừng ba đầu ngón tay. Khi áng chừng đã đủ vọp ăn cho cả nhà thì chúng tôi chuyển sang bắt vạng.

Dụng cụ là chiếc nạo làm bằng đoạn tre dài khoảng hai mét, phía dưới được chẻ đôi và gắn với thanh sắt mỏng gọi là lưỡi nạo. Người nạo vạng đặt đoạn tre lên vai, ấn lưỡi nạo xuống cát và đi giật lùi, giống như cách nạo vỏ đu đủ. Những con vạng có lớp vỏ cứng, nằm ẩn mình trong cát nên khi lưỡi nạo vấp phải, chúng bị bật lên trên mặt bãi… Chừng non trưa, chúng tôi buộc hai nửa bao vọp và vạng vào hai đầu chiếc nạo rồi lặc lè gánh về.

Khi qua rừng ngập mặn, bao giờ chúng tôi cũng tạt vào để bắt chim, cò và cua rèm. Đối với trẻ con, bắt cua rèm là việc rất nguy hiểm bởi chúng có bộ càng khoẻ và sắc như chiếc kéo cắt vải, nếu không cẩn thận sẽ bị đôi càng ấy chém đứt ngón tay. Chúng tôi phải cởi áo, nhè miếng mà trùm lên, khéo léo buộc túm lại. Những con cua to bằng bàn tay người lớn, ăn thịt chắc và béo ngậy vô cùng…

Theo tháng năm, chúng tôi lớn dần lên và làm quen với các hình thức đánh bắt hải sản dành cho người lớn, như quăng chài, kéo lưới giã đôi, đi te, cất xẻo… Đây là những cách đánh bắt ở những con lạch hay vực nước sâu nên thường phải đi cà kheo.

Các loài hải sản giờ đây được nuôi chuyên canh và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất cao và giá trị kinh tế lớn. Cho dù còn nhiều thiên tai và môi trường bị ô nhiễm nhưng biển quê tôi vẫn dồi dào nguồn hải sản, xứng đáng là “rừng vàng biển bạc” như trong câu hát thuở nào!...

Trần Văn Lợi

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn