Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Khẳng định và tô thắm truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam

HQ Online -

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung, vì độc lập tự do của Tổ quốc. 86 năm qua, ở mỗi thời kỳ cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã luôn trở thành nơi tập hợp các giai tầng trong xã hội, vì những mục tiêu to lớn của dân tộc.

Giữa lúc cao trào cách mạng đang diễn ra rầm rộ khắp cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh (hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam) tập hợp lực lượng rộng rãi, gây dựng được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, giúp quần chúng đấu tranh giành được những quyền lợi thiết thực như tăng lương, giảm giờ làm, giảm thuế…

Từ năm 1936, trước chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, trong thư ngỏ gửi Việt Nam Quốc dân Đảng, các nhóm, các tổ chức quốc gia cách mạng, các hội phản đế, các tổ chức cách mạng biệt lập ở Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương đoàn kết mọi tổ chức và cá nhân tuy có ý kiến khác nhau nhưng đều có mục đích chung là đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc. Từ đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 16-11-1936 quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.

Đến Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 3-1938 thì đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương). Mặt trận tập hợp rộng rãi hơn các tầng lớp xã hội, không chỉ nhân dân lao động Đông Dương, mà còn có cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương và giai cấp tư sản dân tộc.

Quang cảnh Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 11-1939 chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm tập hợp lực lượng chống đế quốc và tay sai, lôi kéo những phần tử tiến bộ trong giai cấp địa chủ.

Đến năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trên hết, nên thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở công nông liên minh nhằm “tập trung cho được lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất”. Khi thời cơ đến, Việt Minh đã ra lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam gọi tắt là Hội Liên Việt được thành lập đã thu hút thêm nhiều tầng lớp nhân dân kể cả một số nhân sĩ, địa chủ yêu nước, một số người trong các tôn giáo, dân tộc thiểu số vì lẽ này, lẽ khác còn đứng ngoài Việt Minh. Đến ngày 3-3-1951, Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên Việt.

Sau Hiệp định Geneve, hai miền Nam, Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau song đều có nhiệm vụ chung là chống Mỹ cứu nước. Ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Đồng bào các dân tộc rước Quốc huy qua Lăng Bác trong lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Từ cao trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân Tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời có bản Tuyên ngôn và chương trình hành động với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình! Phải thống nhất Tổ quốc!”.

Ngày 20-4-1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, đã mở rộng thêm một bước Mặt trận chống Mỹ cứu nước.

Sau khi thống nhất đất nước, từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam họp, quyết định thống nhất ba tổ chức mặt trận ở 2 miền lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cho đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua 8 kỳ đại hội.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay không có thời kỳ nào vắng bóng tổ chức Mặt trận. Mặt trận Dân tộc Thống nhất là một thành quả nổi bật của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình lịch sử ấy, Mặt trận đã được xây dựng thành một khối liên minh rộng lớn và lâu dài, kết hợp sự đa dạng trong một thể thống nhất, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, lấy khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng để tập hợp đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo cho Mặt trận không ngừng được củng cố và mở rộng. Đảng lãnh đạo Mặt trận trước hết bằng việc xác định chính sách Mặt trận đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng.

Thành quả của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong 86 năm qua càng khẳng định rằng: Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phúc Vinh (Tổng hợp)
 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn