Lễ chùa đầu năm ở Trường Sa

HQVN -

Từ ngàn xưa, ở đâu có người Việt Nam an cư, lạc nghiệp là ở đó có đình, chùa. Đình, chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh, là nơi người Việt gửi gắm khát vọng bình an. Với quân, dân ở thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đi chùa vào những ngày đầu năm không chỉ để cầu may, tìm sự bình an mà còn để hướng về cội nguồn dân tộc.

Chùa Trường Sa tọa lạc ở Trung tâm thị trấn Trường Sa, đối diện với đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đại đức Thích Tâm Tánh, Trụ trì chùa Trường Sa, trước đây đã từng trụ trì chùa trên đảo Phan Vinh, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa 2 năm. Với tinh thần tự nguyện, mong muốn đóng góp công sức cùng với quân và dân trên đảo xây dựng cuộc sống bình yên, cuối năm 2016, Đại đức Thích Tâm Tánh tiếp tục đảm nhận trụ trì ngôi chùa trên đảo Trường Sa.

Đại đức Thích Tâm Tánh vừa pha trà vừa trò chuyện cùng chúng tôi: Ngoài chức năng thờ Phật, các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ-những người đã hi sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân trên đảo đến chùa với nhiều mục đích khác nhau nhưng nói chung, khi đến chùa, mọi người đều mang theo tấm lòng thành kính, hướng về Tổ quốc Việt Nam,  tin tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, đất nước sẽ thanh bình và phồn thịnh…

Du khách lễ chùa ở Trường Sa

Tết đến, xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Phong tục đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh, một việc làm không thể thiếu trong đời sống mỗi người Việt Nam. Ở Trường Sa, đồ lễ chùa ngày tết chỉ đơn giản như đĩa trái cây, gói bánh quy… Những đồ lễ mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, nhưng gửi gắm vào đó biết bao mong ước cho mưa thuận, gió hòa, cho cuộc sống an bình, phát triển của quân và dân trên đảo.

Anh Thái Nhật Trường, một hộ dân trên đảo cùng gia đình lên chùa từ rất sớm. Khi vợ thắp hương, làm lễ, anh chơi với cậu con trai đang chập chững tập đi trong sân chùa. Anh Trường kể: Các hộ dân thường lên chùa thắp hương vào ngày mồng 1, ngày rằm và những dịp đầu xuân năm mới. Ở ngoài đảo xa xôi, cách xa đất liền, chùa là nơi chúng tôi lui tới thắp hương, thực hiện các nội dung tín ngưỡng như thế này. Chúng tôi rất an lòng khi ngày nào cũng được nghe tiếng chuông chùa vọng vang giống như trong đất liền vậy.

Theo quan niệm của người xưa, đêm giao thừa hoặc sáng mồng 1 đi lễ chùa phải mang lộc về nhà, mang những điều may mắn về với gia đình mình trong năm mới. Lộc xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si ở chùa sẽ đem lại những nhiều điều tốt đẹp cho mọi người trong gia đình. Thay vì bẻ cành, hái lộc, ở Trường Sa lộc xuân đầu năm là những phong bao lì xì gắn trên những chậu mai trong chùa. Trước đó, sư trụ trì tận tay làm những bao lì xì, trong có bỏ một tờ tiền nhỏ tượng trưng cho sự may mắn. Các bao lì xì được thắp hương, tụng kinh, niệm phật, gửi gắm mong ước một năm mới sức khỏe, tài lộc và bình an. Quân, dân đến chùa đầu năm sau khi thắp hương, làm lễ sẽ chọn cho mình một lộc bao lì xì, mang về nhà chưng trên bàn thờ gia tiên như ước lệ đã rước được phước lộc về cho gia đình. Đại đức Thích Tâm Tánh cho biết thêm: Không chỉ là một nơi để thờ phụng, thường ngày chùa Trường Sa còn là ngôi nhà ấm áp để cán bộ, chiến sĩ và người dân lui tới giúp thầy những việc bếp núc, công quả… hoặc chỉ đơn giản là được ngồi chơi, trò chuyện tâm sự cùng sư thầy.

Tà áo dài là trang phục truyền thống, là một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Phụ nữ ở đảo xa xem chiếc áo dài là như một vật vô cùng quý giá. Các chị mặc áo dài vào những ngày vui nhất trong năm, lúc đón đoàn công tác, lúc biểu diễn văn nghệ hay ngày đầu năm đi lễ chùa. Chị Phạm Thị Như Trinh, một hộ dân trên đảo chuẩn bị cho mình bộ áo dài đẹp nhất để đi chùa đầu năm. Chị chia sẻ: Ai là người Việt Nam cũng tự hào về tà áo dài, bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Hôm nay tôi cùng gia đình đến thắp hương, cầu chúc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo năm mới có sức khỏe dồi dào, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Dưới bóng mát của cây bồ đề, phong ba, bàng ta trong sân chùa, bé Nguyễn Trà My, 10 tuổi-con một hộ dân trên đảo xúng xính trong tà áo dài màu đỏ tươi đang vui đùa cùng các bạn. Nguyễn Trà My khoe: “Ngày nào con cũng lên chùa chơi. Hôm nay con đi chùa cầu cho mình năm mới học giỏi, được bố mẹ yêu thương, con chúc các chú bộ đội Hải quân mạnh giỏi, dồi dào sức khỏe”.

Theo Đại tá Bùi Đình Dương, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Phật giáo là một trong những tín ngưỡng tâm linh phổ biến của người Việt Nam. Người dân đến chùa lễ Phật cầu mong cho thân tâm an lạc, gia đình yên vui. Những ngôi chùa nơi đây là điểm tựa tâm linh của cư dân trên đảo và những ngư dân đang đánh cá ngoài khơi xa; là cột mốc chủ quyền thể hiện tâm nguyện về cuộc sống yêu hòa bình, hướng thiện, bình yên, cầu mong đất nước, quê hương luôn vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió cuộc đời… 

Tiếng kinh cầu của thầy trụ trì vang vọng cả một vùng đảo thanh bình, biển trời Trường Sa đang chộn rộn sang xuân. Ngoài chùa Trường Sa, trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện đã có nhiều ngôi chùa trên các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Phan Vinh, Nam Yết. Tất cả các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, chính điện đều hướng về Thăng Long-Hà Nội như tấm lòng của mọi người Việt hướng về trái tim của cả nước, thể hiện khát vọng một cuộc sống hòa bình, hữu nghị như tấm lòng nhân hậu bao đời nay của người dân Việt Nam.

                                          Bài, ảnh: Hoàng Minh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn