Lễ bế mạc SEA Games 31: Giữ lấy ngọn lửa kết đoàn

Đài lửa SEA Games 31 đã tắt, nhưng trong mỗi vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV), cổ động viên (CĐV), bạn bè quốc tế... ngọn lửa của tình đoàn kết sẽ còn mãi. Ngọn lửa của hòa bình và phát triển mãi tỏa sáng “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, để thể thao khu vực từng bước vững vàng tiến vào đấu trường ASIAD, Olympic.

Lời chào thân thương, ấm áp

Sau khi các cuộc tranh tài đỉnh cao khép lại, chủ nhà SEA Games 31 Việt Nam đã gửi lời chào nồng ấm, thân thương tới bạn bè khu vực và quốc tế bằng lễ bế mạc được tổ chức trang trọng, sôi động, đầy sắc màu tươi trẻ tại Cung thi đấu điền kinh trong nhà Hà Nội, vào tối 23-5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới dự và phát biểu tại lễ bế mạc. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, Thủ đô Hà Nội, các tỉnh, thành phố. Hiện diện trên khán đài Cung thi đấu điền kinh trong nhà Hà Nội còn có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh cùng nhiều vị khách quý, đông đảo VĐV, HLV tham dự SEA Games 31.

Ban tổ chức thực hiện lễ bế mạc ở trong nhà với mong muốn mang đến sự gần gũi. Đó cũng chính là thông điệp về sự đoàn kết, gắn bó mà các quốc gia ở Đông Nam Á muốn gửi gắm tại SEA Games kỳ này, để thực sự “vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. Với chủ đề “Hội tụ để tỏa sáng”, Lễ bế mạc SEA Games 31 đã đưa người xem đến với những phút giây sâu lắng “Hà Nội của tôi, tình yêu của bạn” (chương 1). Nếu như chương 2 với chủ đề “Hội tụ”, là lời giã bạn của nước chủ nhà thì chương 3-“Tỏa sáng”-đã tạo nên bầu không khí sôi động, kết nối những con tim để cùng nhau vượt qua thử thách, khó khăn.

Một năm nữa, SEA Games 32 sẽ được tổ chức ở Campuchia. Lễ chuyển giao cờ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã diễn ra trang trọng trong buổi lễ bế mạc. Vũ điệu Apsara, biểu tượng văn hóa, tâm hồn và bản sắc của người Khmer vang lên, như lời hứa của nước chủ nhà SEA Games 32 về một kỳ đại hội thành công tốt đẹp.

Gần 3 tuần qua, SEA Games 31 đã mang lại bầu không khí tuyệt vời cho VĐV, CĐV; điều này được truyền thông Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore... liên tục ngợi ca trong thời gian diễn ra đại hội. Sân Việt Trì (Phú Thọ), sân Thiên Trường (Nam Định), sân Cẩm Phả (Quảng Ninh), sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), hệ thống nhà thi đấu ken kín người trong thời gian diễn ra đại hội. Những khán đài bùng nổ sắc màu, âm thanh chính là chất xúc tác tuyệt vời để các VĐV lập nên hàng chục kỷ lục ở SEA Games 31. Đại hội kỳ này, thể thao Việt Nam thắng lớn với 205 huy chương vàng (HCV), 125 huy chương bạc (HCB), 116 huy chương đồng (HCĐ); khẳng định sức mạnh nổi bật ở các môn: Điền kinh (22 HCV), bơi (11 HCV), bóng đá (U.23 Việt Nam và đội tuyển nữ quốc gia bảo vệ thành công chức vô địch), vật (17 HCV), đua thuyền (16 HCV)...

Chính sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ đã góp phần làm nên thành công cho thể thao Việt Nam. Từ già đến trẻ, cả gái và trai đều háo hức, hòa vào bầu không khí sôi động trong nhà thi đấu, trên các khán đài sân vận động. Đâu đâu cũng rực rỡ sắc đỏ, hừng hực biển cờ đỏ sao vàng sáng rực trong đêm.

Lễ bế mạc SEA Games 31: Giữ lấy ngọn lửa kết đoàn

Một tiết mục văn nghệ sôi động trong lễ bế mạc. Ảnh: Trọng Hải 

Ba năm rồi, thể thao Đông Nam Á mới bước vào các cuộc tranh tài đỉnh cao ở SEA Games. Vượt qua khó khăn, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, như một sự minh chứng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về thành công trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Người hâm mộ hiểu và trân trọng sự đóng góp, hy sinh tuyệt vời của các tuyển thủ vì nền thể thao nước nhà, đồng thời thể hiện sự mến khách khi cổ vũ nhiệt tình cho các đội bạn. Nói như ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 thì: “Chúng tôi vô cùng bất ngờ vì người dân đến sân rất nhiều. Thể thao đã đi vào cuộc sống và sinh hoạt của tất cả người dân Việt Nam”.

Nuôi chí tiến ra đấu trường châu lục và thế giới

33 năm trước, SEA Games lần thứ 15-1989 tại Kuala Lumpur (Malaysia), lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Lúc đó, thể thao nước nhà đạt được thành tích hoàn toàn đúng với hoàn cảnh khó khăn của mình, chỉ 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ. Nhưng sau đó, với chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước, thể thao Việt Nam đã tích cực, chủ động lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp, để nâng cao nền thể dục thể thao của mình, không ngừng phấn đấu đạt thành tích tốt hơn, tiến vào ASIAD, cũng như hướng tới đỉnh cao đấu trường Olympic.

19 năm sau khi tổ chức kỳ SEA Games đầu tiên, người dân Việt Nam mới được hòa mình trong bầu không khí của ngày hội thể thao khu vực trên sân nhà. Một quãng thời gian đủ dài để thể thao Việt Nam để lại những dấu ấn ở đấu trường châu lục và thế giới. Quên làm sao được HCV, HCB cùng kỷ lục của tuyển thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio de Janeiro 2016.

Mừng là trong tổng số huy chương đoàn thể thao Việt Nam giành được ở SEA Games 31, có nhiều nội dung nằm trong chương trình thi đấu Olympic như bơi, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, bắn súng, bắn cung, taekwondo... Niềm vui như nhân đôi khi đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, U.23 Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch. Thành công của đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 đến từ sự đầu tư bài bản, quyết liệt của các tỉnh, thành phố, ngành thể thao trong nhiều năm qua.

Thực tế cho thấy, thể thao Việt Nam và khu vực muốn tiến vững chắc vào đấu trường ASIAD, Olympic, tiệm cận trình độ châu lục và thế giới thì phải có sự đầu tư bài bản, có chiến lược dài hơi, khoa học. Đúng như lời ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức SEA Games 31 khẳng định: “Thành công của SEA Games 31 không chỉ thể hiện ở sự nỗ lực, cố gắng của nước chủ nhà Việt Nam, sự ủng hộ nhiệt thành của các quốc gia trong khu vực, của những tấm huy chương, những kỷ lục mới được xác lập mà còn là bài ca về tính trung thực, cao thượng, là minh chứng cho một tương lai phát triển tốt đẹp của thể thao khu vực đang từng bước tiếp cận trình độ của châu lục và thế giới”.

Theo QĐND điện tử

Bên lề lễ bế mạc, ông Ramon Fernandez, Trưởng đoàn thể thao Philippines chia sẻ: “Tôi ước người dân Philippines cũng yêu chuộng các môn thể thao như người Việt Nam. Tôi thấy không khí ở các nhà thi đấu rất sôi động. Tôi thực sự ấn tượng về tinh thần thể thao của người Việt Nam; điều này rất quan trọng bởi ý nghĩa cuối cùng của thể thao là mang tới sự đoàn kết, gắn bó mọi người”.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn