Làng Việt giữa ngàn khơi

Bài 2: Làng mình ở Trường Sa

HQ Online -

Tại huyện đảo Trường Sa, đảo Đá Tây A thuộc cụm đảo Đá Tây được mệnh danh là “thủ đô” của các đảo chìm. Trên đảo, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng khó khăn nhưng cây cối vẫn nảy lộc, đâm chồi cho hoa thơm, trái ngọt. Đến thăm đảo Đá Tây hôm nay, ai nấy đều ngỡ ngàng bởi khung cảnh làng quê thanh bình giữa ngàn khơi.

Bài 1: Ngôi nhà chung trên biển

Quân và dân trên đảo thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí

Từ xa, đảo hiện lên xanh tươi như một khu rừng thu nhỏ trên mặt biển mênh mông. Trên nền san hô trắng xóa nhưng những cây bàng quả vuông, cây tra, cây phong ba, phi lao, dừa… xanh mướt đang hiên ngang sức sống. Xen giữa những tàng cây xanh là mái ngói đỏ tươi của các công trình dân sinh như: Chùa, trường học, nhà đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá… Những chiến sĩ Hải quân trong trang phục dã chiến đang hối hả đưa, đón các đại biểu từ tàu vào thăm đảo. Các cháu nhỏ nô đùa, chạy tung tăng khắp nơi vì phấn khởi trong ngày đảo có khách.

Đến thăm đảo, các đại biểu đã vô cùng ngạc nhiên khi gặp vườn dưa hấu ngay phía trước khu vực cột mốc chủ quyền. Những quả dưa hấu to như những chiếc mũ cối nằm phơi nắng trên luống dưa xanh mướt. Anh Trần Minh Đạt, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây-chủ nhân của vườn dưa hấu được mọi người mệnh danh là “Mai An Tiêm” trên đảo Đá Tây. Là người có kinh nghiệm trồng dưa từ trong đất liền, ra đảo công tác anh Đạt đã nghiên cứu và trồng thành công hai loại dưa là dưa dài có hạt và dưa tròn không hạt.

Nói về kinh nghiệm trồng dưa, anh Đạt cho biết: Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 6, biển êm, gió nhẹ thì mới trồng được dưa. Mỗi vụ dưa khoảng hơn hai tháng. Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát, san hô nên phải sử dụng nhiều phân bón cho dưa và mỗi ngày phải tưới hai lần. Để dưa đạt được trọng lượng 6-8kg mỗi quả thì một dây dưa chỉ để lại một quả duy nhất. Nhiều năm trúng vụ, dưa ăn không hết, chúng tôi còn gửi dưa theo tàu về đất liền làm quà. Mọi người vui và phấn khởi lắm.

Đến thăm đảo, các đại biểu vô cùng phấn khởi khi tận mắt thấy được sự nỗ lực, vươn lên trong khó khăn của quân và dân trên đảo

Ngắm nhìn vườn dưa trên nền san hô trắng xóa, các đại biểu đã vô cùng thích thú, nhưng còn tuyệt vời hơn khi anh Đạt bổ một quả dưa mời mọi người cùng thưởng thức. Vừa cầm miếng dưa hấu trên tay phóng viên Thái Phương, Báo Người Lao động phấn khởi: Tôi không ngờ ngoài đảo mà có thể trồng được những quả dưa to, đẹp như thế này. Dưa thơm, mát có vị đậm đà hơn dưa ở trong đất liền nhưng quan trọng nhất là ý chí, quyết tâm vươn lên trong khó khăn của quân và dân nơi đây.

Đang trong đợt nghỉ hè nhưng mỗi khi có đoàn công tác ra thăm đảo là thầy giáo Nguyễn Công Qua, giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây cùng các em học sinh lại chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất để tham gia đón khách. Thầy Qua sinh năm 1994, quê ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. 5 năm trước, mặc dù đang giảng dạy ổn định tại một trường tiểu học trong đất liền, nhưng thầy đã tình nguyện ra công tác tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa. Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, vượt lên nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, người thầy giáo trẻ đã dần quen với môi trường giáo dục nơi đảo xa.

Sau 4 năm giảng dạy ở Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, thầy Qua chuyển sang giảng dạy tại Trường Tiểu học Đá Tây. Cũng giống như các lớp học ở các trường trên huyện đảo Trường Sa, Trường Tiểu học Đá Tây có 11 học sinh lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 5 học chung trong một lớp ghép. Thầy giáo Nguyễn Công Qua chia sẻ: Nói là trường nhưng chỉ có duy nhất một thầy và cùng lúc phải dạy xoay vòng nhiều trình độ khác nhau. Thầy vừa dạy, vừa dỗ, vừa là thầy, vừa là bảo mẫu của các con… Các con học ghép nhưng rất là ngoan, chịu khó học tập và vâng lời thầy giáo.

 Mặc dù ở đảo xa, nhưng các em học sinh vẫn thực hiện hai buổi học mỗi ngày, với nội dung, chương trình giống như trong đất liền

Trao đổi với thầy Qua về những khó khăn của các học sinh sau khi học tiểu học ngoài đảo trở về đất liền để học trung học cơ sở, thầy cho biết thêm: Tuy học ghép như vậy nhưng trong năm học vừa qua, thầy và trò chúng tôi vẫn duy trì hai buổi học mỗi ngày, với nội dung, chương trình giống như trong đất liền. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc, dõi theo các em vào đất liền học trung học cơ sở. Thực tế là cũng có những khó khăn nhất định, nhưng các em đều rất nỗ lực, có ý chí vươn lên. Nhiều em đã đạt thành tích tốt trở thành học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố.

Tiếng học bài ê a, tiếng nô đùa của con trẻ lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió rì rào khiến đảo như gần hơn với đất liền. Nhiều cán bộ, nhân viên trên đảo có con cùng độ tuổi đang đi học cũng có phần nhớ nhà, nhưng chắc cũng vơi đi phần nào xa cách.

Gia đình chị Vi Thu Trang và anh Thái Minh Khai là một trong những hộ tình nguyện ra sinh sống và xây dựng đảo. Chị Trang được tín nhiệm bầu là tổ trưởng tổ phụ nữ còn anh Khai tham gia công việc của tiểu đội dân quân thường trực. Hôm nay đảo đón khách, chị Trang dậy từ rất sớm, chuẩn bị bộ áo dài truyền thống giống như những dịp lễ, tết trong đất liền. Trong ngôi nhà khang trang, sạch sẽ của gia đình, anh Khai phấn khởi: Ngoài công việc của dân quân thường trực tôi có đi biển đánh bắt hải sản để cải thiện cuộc sống. Những ngày mới ra cũng khó khăn, nhưng cải tạo dần dần bây giờ chăn nuôi được chó, gà, trồng được nhiều loại rau xanh… Cuộc sống ổn định, cũng giống như trong quê mình vậy.

Chị Trang mời khách đến thăm nhà một đĩa thạch rau câu khá bắt mắt. Mọi người thưởng thức thạch rau câu, ai nấy đều tấm tắc khen ngon và muốn tìm hiểu về nguồn gốc món thạch. Chị Trang giới thiệu: Đây là thạch rau câu rong biển. Khi thủy triều xuống, em đi vớt rong biển trên các bờ đá về rửa sạch rồi để cho ráo nước. Cho rong biển vào nồi xâm xấp nước, cho thêm một ít nước cốt chanh rồi đun. Sau khi nước sôi thì đun nhỏ lửa để sôi liu riu trong vòng một giờ đồng hồ. Lọc bỏ rong biển rồi đổ nước rau câu vào khuôn sau đó cho thêm nước cốt dừa, để nguội là có món thạch rau câu nước cốt dừa. Ở đất liền cũng như ngoài này em vẫn làm món thạch rau câu rong biển cho cả nhà ăn.

 Cuộc sống của nhân dân trên đảo bình dị, gần gũi giống như trong đất liền

Kể về cuộc sống thường ngày trên đảo chị Trang phấn khởi: Ở đây, không khí trong lành, cuộc sống khá thanh bình, các cháu khỏe mạnh không ốm đau gì. Chồng em cuối tuần vẫn đi biển, kiếm con cá, con ốc ăn hàng ngày. Có khi được nhiều lại mang cho mấy chú bộ đội. Những dịp lễ, tết hay khi mổ heo, mấy chú lại cho 1-2kg thịt. Bộ đội với dân ở đây gần gũi như người thân trong làng, trong xóm vậy.

Từ ngàn xưa, ở đâu có người Việt an cư, lạc nghiệp là ở đó có đình, chùa. Đình, chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh, là nơi người Việt gửi gắm khát vọng bình an. Chùa Đá Tây A nằm ngay cầu cảng trên đường lên đảo, cổng chùa hướng ra phía cửa âu tàu. Chùa có tam quan, sân chùa, gác chuông, cấu trúc bố cục hình chữ Đinh với nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường. Giống như chùa trên đất liền, vật liệu xây dựng chùa Đá Tây A chủ đạo là bằng gỗ kết hợp với gạch ngói, kiến trúc của chùa mang đậm phong cách Phật giáo Việt Nam không thể lẫn với bất kể chùa nào của các nước trong khu vực. Tất cả gạch ngói xây dựng các chùa ở huyện đảo Trường Sa nói chung và chùa đảo Đá Tây nói riêng đều có in hình Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam. Tất cả các hoành phi, câu đối trong chùa đều sơn son thếp vàng và sử dụng chữ Việt Nam.

Đại đức Thích Nhuận Hiếu trước đây tu tập ở chùa Linh Ứng, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Với mong muốn có nhiều thời gian, yên tĩnh tu tập và đóng góp công sức cùng với quân, dân trên đảo xây dựng cuộc sống bình yên, đầu năm 2022, Đại đức Thích Nhuận Hiếu tình nguyện đảm nhận trụ trì chùa Đá Tây A. Đại đức Thích Nhuận Hiếu cho biết: Ngoài bổn phận thờ Phật, chùa có ban thờ anh hùng liệt sĩ-những người đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quân và dân trên đảo đến chùa không chỉ để cầu may, tìm sự bình an mà còn là hướng về cội nguồn dân tộc, tin tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến, đất nước sẽ thanh bình và phồn thịnh…

Quân và dân trên đảo không chỉ đến chùa vào mùng Một, hôm rằm mà còn đến chùa dọn dẹp, vui chơi, hay trò chuyện, tâm sự cùng sư thầy

Chùa Đá Tây A là điểm tựa tâm linh của quân, dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa; là cột mốc chủ quyền thể hiện tâm nguyện về cuộc sống hòa bình, cầu mong đất nước, quê hương luôn vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió... Anh Trương Đức Lành, một hộ dân trên đảo kể: Tôi cũng như các hộ dân thường lên chùa thắp hương vào ngày mùng Một, ngày rằm và những dịp lễ, tết. Ở đảo xa, nhưng chúng tôi rất an lòng khi ngày nào cũng được nghe tiếng chuông chùa vọng vang giống như trong đất liền vậy.

Ngư dân Phạm Văn Danh, quê ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định 64 năm tuổi đời, nhưng đã hơn 40 năm nối nghiệp cha ông gắn bó với ngư trường Trường Sa. Những ngày nghỉ trăng, ông cùng các bạn tàu thường lên chùa thắp hương cầu cho trời yên biển lặng và những chuyến biển bội thu. Ông Danh kể: Những khi đánh bắt ở gần đảo, nếu không quá bận, tôi sẽ lên đảo, vào chùa thắp hương để cầu sức khỏe cho anh em trên tàu, cầu cho trúng vụ và cũng để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Trong buổi khánh thành quá trình trùng tu, phục dựng chùa Đá Tây A, Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: Nghĩ rằng các ngôi chùa ở đây thực tiễn chỉ là cái vỏ vật chất nhưng chứa đựng cả một giá trị tinh thần to lớn. Mái chùa là nơi che chở, nương náu hồn dân tộc giúp cho cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vững tâm giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

 

Được tận mắt thấy làng quê Việt ở Trường Sa, mỗi đại biểu như càng thêm tin yêu, nhân lên tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước Việt Nam

Tiếng chuông chùa vang vọng, lan xa cả một vùng biển, đảo thanh bình. Ngoài chùa Đá Tây A, nhiều chùa trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã và đang được trùng tu phục dựng. Tất cả các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, chính điện đều hướng về Thăng Long-Hà Nội như tình cảm mọi người Việt hướng về trái tim của cả nước, thể hiện khát vọng cuộc sống hòa bình, hữu nghị của người dân Việt Nam bao đời nay.

Bài, ảnh: Hoàng Triệu, Nguyễn Ninh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn