Làng Việt giữa ngàn khơi
HQ Online -
Cách đất liền gần 500km, đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là một chấm nhỏ trên bản đồ Việt Nam. Nhiều năm gần đây đã có thêm nhiều hộ dân đến sinh sống trên đảo. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hệ thống cơ sở hạ tầng trên đảo ngày càng được cải thiện và từng bước nâng lên.
Bài 1: Ngôi nhà chung trên biển
Bài 2: Làng mình ở Trường Sa |
Đã từ lâu đảo Đá Tây thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trở thành ngôi nhà chung của ngư dân khai thác thủy sản trên ngư trường Trường Sa truyền thống. Tại đây, ngư dân đánh bắt xa bờ luôn nhận được sự hỗ trợ tận tình của quân và dân trên đảo bất kể ban ngày, ban đêm hay những khi biển động, thời tiết khắc nghiệt, khó khăn.
Một góc Âu tàu đảo Đá Tây
Ấn tượng với tôi khi đến đảo Đá Tây là được tận hưởng cảm giác sống trong không khí sôi động của một làng chài giữa biển khơi. Ở đây, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẵn sàng cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ ngư dân vươn khơi dài ngày giống như những gì tôi vẫn thấy ở các làng chài ở khu vực Nam Trung Bộ và Trung Bộ. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây so với các làng chài trong đất liền là luôn có lực lượng cứu nạn thiện chiến trực 24/24 giờ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong bất kể tình huống nào.
Trò chuyện với Thượng tá Lê Hữu Phước, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và được chứng kiến công việc kiểm tra phương tiện cứu nạn đầu giờ làm việc buổi sáng, tôi mới thấy hết cái tâm và tinh thần trách nhiệm của những người giữ biển nơi đầu sóng ngọn gió. Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây có dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, nước da đen bóng, thổ lộ bí quyết quan trọng nhất để các anh hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn trên biển là tổ chức huấn luyện chặt chẽ và sát thực tế; luôn duy trì nghiêm các chế độ trực, đặc biệt là chế độ trực sẵn sàng chiến đấu để khi có tình huống là xử trí được ngay, không để bị động, bất ngờ.
Các ngư dân tàu cá bị nạn được đưa lên đảo chăm sóc, nghỉ ngơi sau đó được gửi theo tàu Hải quân về bờ an toàn
Anh Phước chia sẻ, cứu nạn trên biển là việc khó, vì dễ phát sinh nhiều tình huống khó lường, nhiều lần, anh cùng các đồng đội thực hiện cứu nạn trong đêm tối, giữa lúc sóng to gió lớn. Trong nhiều lần cứu nạn ngư dân thành công thì cũng có lần chưa mang lại kết quả tốt đẹp. Anh kể, buổi sáng một ngày tháng 8 năm ngoái, khi đang trực chỉ huy thì nhận lệnh đi cứu nạn một tàu cá của ngư dân bị nạn cách đảo vài hải lý. Nhận lệnh, tổ cứu nạn đã dùng xuồng nhanh chóng cơ động tới hiện trường. Tổ cứu nạn báo về là tàu cá bị mắc cạn, thủng khoang máy, nước ngập máy chính, không còn khả năng hoạt động, tàu có nguy cơ bị chìm. Lúc ấy trên tàu có 15 lao động. Cán bộ, chiến sĩ loay hoay tìm phương án đưa tàu cá về âu tàu, nhưng đều không được vì không có phương tiện công suất lớn để cứu kéo.
Chỉ huy đảo đã liên lạc để tàu của Quân chủng Hải quân đang hoạt động gần đó đến phối hợp cứu nạn tàu cá. Tuy nhiên, do lỗ thủng trên tàu cá lớn, không thể khắc phục được, vì vậy các lực lượng tham gia đã đưa ngư dân lên tàu Hải quân và đành phải bỏ lại tàu cá bị nạn. Các ngư dân được đưa lên đảo chăm sóc, nghỉ ngơi sau đó được gửi theo tàu Hải quân về bờ an toàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Chính trị viên đảo Đá Tây quê ở huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng tiếp lời Thượng tá Lê Hữu Phước rằng: Đầu tháng 4-2023, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, trên vùng biển Trường Sa sóng to, gió lớn, hơn 100 tàu cá với hàng trăm ngư dân vào âu tàu đảo Đá Tây tránh trú. Mặc dù lượng lương thực, thực phẩm có hạn nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã chia sẻ gạo, mì ăn liền, rau xanh và một số nhu yếu phẩm thiết yếu cho ngư dân trên các tàu cá.
Vào những ngày giữa tháng âm lịch, trăng sáng khiến tàu cá của ngư dân, đặc biệt là các tàu hành nghề câu không thể khai thác hải sản. Ngư dân thường nghỉ trăng 2-3 ngày. Các tàu cá đánh bắt quanh khu vực gần đảo tranh thủ vào Âu tàu Đá Tây nghỉ trăng và bổ sung thêm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm. Tiếng máy xay đá nổ phành phạch, tiếng cười nói oang oang, tiếng gọi nhau í ới, rộn ràng cả một góc âu tàu.
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cung ứng nước đá cho ngư dân bằng với giá trong đất liền
Tàu cá BTh 98997 TS lượn hình vòng cung rồi từ từ cập vào vị trí nhận nước đá trên cầu cảng. Mấy ngư dân nhảy phốc lên bờ, bàn tay nhanh thoăn thoắt cột dây mũi, dây lái vào cọc bích trên cầu cảng. Những cây nước đá dài gần bằng sải tay người lớn theo băng truyền đến máy xay đá trở thành dòng đá trắng muốt chảy thẳng xuống hầm lạnh của tàu cá. Tàu BTh 98997 TS hành nghề câu cá ngừ đại dương, do ngư dân Võ Thành Trọng quê ở huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận làm thuyền trưởng. Trước đây, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 20-25 ngày, khi chuẩn bị hết nước đá là tàu phải vào bờ. Có những khi tìm đúng luồng cá mà gần hết nước đá cũng đành chịu vì có câu được cá cũng không thể bảo quản được.
Tàu cá BTh 98997 TS bổ sung nước đá và lương thực, thực phẩm tại Âu tàu đảo Đá Tây
Từ khi Âu tàu đảo Đá Tây đi vào hoạt động, anh Trọng cùng các ngư dân thường ghé vào đảo để tiếp thêm nhiên liệu, nước đá, nước ngọt, lương thực, thực phẩm và một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu. Cùng với việc các tàu dịch vụ hậu cần thu mua cá ngay trên biển thì giờ đây mỗi chuyến đi biển có thể kéo dài 2-3 tháng hoặc lâu hơn. Bà con ngư dân giảm bớt chi phí đi lại, tăng thu nhập sau những đợt đánh bắt. “Âu tàu đảo Đá Tây không chỉ tiếp nước ngọt miễn phí mà còn cung cấp nước đá, nhiên liệu, lương thực thực phẩm bằng giá với đất liền nên rất thuận lợi cho bà con ngư dân. Đặc biệt, những lúc bão gió, tàu bị hỏng máy hay có người đau ốm, anh em trên đảo rất nhiệt tình giúp đỡ ngư dân”, anh Trọng nói.
Đánh bắt xa bờ ngư dân luôn phải đối mặt với muôn vàn, khó khăn bất trắc, như: Ốm đau, bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp hay những lúc mưa dông, bão gió. Đã có những tai nạn bất ngờ ập đến với ngư dân khiến không ít gia đình mất đi người trụ cột, những người vợ trẻ trở thành góa phụ, những em bé sớm mồ côi cha... “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm…” - câu ca dao như tiếng lòng day dứt của những người vợ nơi đất liền khi chồng đi biển, phần nào nói lên sự hiểm nguy, chênh vênh của những ngư dân đánh bắt xa bờ.
Nhiều năm đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa, ngư dân Nguyễn Thái Hưng quê ở tỉnh Bình Thuận, chủ tàu cá BTh 97659 TS không ít lần trực tiếp đối mặt với khó khăn, bất trắc trên biển. Trước đây, mỗi khi máy móc bị trục trặc không thể tự khắc phục thì tàu phải chờ đợi, nhờ tàu bạn kéo về bờ, không chỉ tốn nhiên liệu, mất thời gian đi lại mà còn rất nguy hiểm. Giờ đây, khi có bão, dông gió hoặc tàu bị hỏng hóc anh Hưng lại vào âu tàu để tránh trú và nhờ khắc phục sự cố. Anh Hưng kể: "Tháng tư vừa qua, tàu của tôi bị hỏng trục chân vịt, anh em không khắc phục được. May mà có các lực lượng ở Âu tàu đảo Đá Tây giúp đỡ nên chỉ mất một ngày, tàu lại tiếp tục đi đánh bắt mà không phải về bờ, tiết kiệm được cả trăm triệu đồng. Vào đảo là yên tâm lắm, như về nhà mình vậy!".
Cán bộ, chiến sĩ Hải quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các ngư dân vào tránh trú bão
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đi vào hoạt động từ năm 2005 và từng bước được nâng cấp. Đến nay, Trung tâm có âu tàu rộng 13ha có thể cùng lúc chứa được 200 tàu cá. Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam có thể hỗ trợ 1.000 ngư dân đồng thời vào tránh trú bão. Hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt có công suất lọc 50m3 nước ngọt/ngày và hầm chứa dung tích 3.000m3. Nhà máy nước đá có công suất 830 cây/ngày. Những khi tàu cá vào âu tàu, cán bộ, chiến sĩ Hải quân phối hợp với đồn Biên phòng đến từng tàu phát tài liệu, tuyên truyền cho bà con ngư dân về Luật Thủy sản và các giải pháp hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định
Gần chục năm gắn bó với đảo Đá Tây, anh Võ Chí Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đã sửa chữa cho hàng trăm lượt tàu của ngư dân. Mặc dù không thể nhớ hết số lần giúp ngư dân khắc phục sự cố của máy móc nhưng đối với bà con ngư dân, từ lâu anh như người thân trong gia đình. Anh Tuấn cho biết: "Tàu thuyền của ngư dân bị hư hỏng sẽ được hỗ trợ sửa chữa không lấy tiền công. Khi thay thế vật tư, phụ tùng, ngư dân chỉ phải trả tiền bằng với giá trong đất liền. Cùng với đó ngư dân khai thác thủy sản ở khu vực quần đảo Trường Sa còn được quân y trên các đảo chăm sóc sức khỏe những khi đau ốm".
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với các lực lượng của Quân đội và Trung tâm tích cực hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại ngư trường quần đảo Trường Sa. Chúng tôi rất mong muốn các âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa tiếp tục được quan tâm, đầu tư để nâng cao năng lực hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển”.
Đã từ lâu, đảo Đá Tây trở thành ngôi nhà chung trên biển
Nhiều năm qua, đảo Đá Tây đã trở thành ngôi nhà chung trên biển của ngư dân. Nơi đây không chỉ là nơi thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá mà còn là nơi tránh trú an toàn, là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển đánh bắt xa bờ phát triển kinh tế, góp phần khẳng định ngư trường và chủ quyền của nước ta từ bao đời nay.
Bài, ảnh: Hoàng Triệu, Nguyễn Ninh
Năm 2022, đảo Đá Tây đón hơn 2.000 lượt tàu vào tiếp nhận hàng hóa, nhiên liệu, tránh trú bão. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đã cung cấp gần 50.000 lít dầu diesel; hơn 30,5 tấn lương thực, thực phẩm; gần 97.000 cây nước đá; cấp hơn 2.300m3 nước ngọt miễn phí; sửa chữa 25 tàu cá ngư dân bị hỏng.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Tàu 632 phát hiện 1 tàu cá và 1 sà lan bị chìm trên vùng biển Quảng Ninh - ( 05-10-24 10:00 )
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tiếp xúc cử tri huyện Trường Sa trước kỳ họp thứ 8 - ( 05-10-24 10:00 )
- Vùng 3 làm việc với quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng - ( 05-10-24 06:00 )
- Bộ Tư lệnh Vùng 2 tổng kết tham gia hội thi các cấp - ( 03-10-24 03:00 )
- Lữ đoàn 125 thông tin về tình hình biển, đảo cho 150 giảng viên, sinh viên - ( 03-10-24 03:00 )