Làm chủ vững chắc trang bị hiện đại

HQVN -

Những năm qua cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã tích cực huấn luyện, làm chủ vững chắc TBKT hiện đại, huấn luyện thuần thục đi biển đường dài kết hợp với hoạt động đối ngoại quốc phòng. Đơn vị thực sự là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của Vùng 4 và Quân chủng Hải quân.

Huấn luyện làm chủ vững chắc TBKT

Nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ trong tình hình mới, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 162 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn đơn vị không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng công tác huấn luyện chiến đấu. Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng cho biết: Lữ đoàn chú trọng quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ huấn luyện; xây dựng ý chí quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ thấy rõ niềm vinh dự, tự hào được công tác, học tập, rèn luyện trên những chiến hạm hiện đại, ngày càng yêu nghề, yêu TBKT và gắn bó với đơn vị.

 

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Hải quân trao cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” năm 2024 của Bộ Quốc phòng tặng Lữ đoàn 162

Trong huấn luyện, Lữ đoàn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai các đơn vị huấn luyện theo phân cấp sát với từng đối tượng, từng dạng tàu. Trong quá trình thực hành huấn luyện, toàn đơn vị luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; lấy huấn luyện, rèn luyện cán bộ, chỉ huy cơ quan là trọng tâm, huấn luyện cán bộ tàu, ngành làm trọng điểm. Lữ đoàn tăng cường huấn luyện làm chủ vững chắc TBKT, huấn luyện đêm, trong điều kiện thời tiết phức tạp, sát chiến trường, sát phương án.

Xác định cán bộ là khâu then chốt quyết định chất lượng huấn luyện, chỉ huy Lữ đoàn đã kiện toàn và bồi dưỡng tổ giáo viên các cấp, trong đó chú trọng vào kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành và phương pháp chỉ huy hiệp đồng. Trên những con tàu, cán bộ, chỉ huy tàu, ngành vừa là những giáo viên tận tâm huấn luyện, truyền đạt những kinh nghiệm từ vốn kiến thức của mình cho bộ đội, vừa là người trực tiếp thao tác, sử dụng TBKT. Lữ đoàn cũng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đã được đào tạo, huấn luyện ở nước ngoài để biên dịch, biên soạn tài liệu, từ điển chuyên ngành, chuẩn bị giáo án, bài giảng để huấn luyện cho đơn vị.

Các bộ, thủy thủ Tàu 015-Trần Hưng Đạo huấn luyện làm chủ TBKT

So với các tàu mặt nước chiến đấu khác thì tàu hộ vệ tên lửa có nhiều TBKT mới, hiện đại hơn. Tàu được vận hành bằng kỹ thuật số và công nghệ thông tin đòi hỏi cán bộ, thủy thủ phải nắm vững tính năng, kỹ chiến thuật của tàu, có kiến thức hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Thượng tá Vũ Khánh Hải, Thuyền trưởng Tàu 015 - Trần Hưng Đạo, Lữ đoàn 162, Vùng 4 cho biết: Chúng tôi huấn luyện cho cán bộ, thủy thủ ở từng vị trí chiến đấu thuần thục động tác theo đúng quy trình, nắm chắc các bảng bố trí chiến đấu, trong đó chú trọng hiệp đồng giữa các ngành, các vị trí. Tàu xây dựng chỉ tiêu, định mức cụ thể cho từng đối tượng trong huấn luyện để phấn đấu thực hiện. Kết thúc mỗi bài học, khoa mục huấn luyện, giáo viên tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả nhận thức của bộ đội, khi đạt được yêu cầu mới chuyển nội dung khác. Nhờ vậy, sau khi huấn luyện, cán bộ, thủy thủ luôn nắm chắc nội dung, thuần thục yếu lĩnh động tác, nâng cao trình độ xử trí tình huống, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Luôn đặt ra các chỉ tiêu cần đạt được trong huấn luyện, động viên cán bộ, chiến sĩ thi đua quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra, là một trong những phương pháp mà các tàu của Lữ đoàn 162 áp dụng hiệu quả. Đồng thời, chỉ huy đơn vị  cũng phát huy dân chủ quân sự để cán bộ, chiến sĩ được tham gia bàn bạc, tìm biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện và phát huy vai trò kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan, của đội ngũ QNCN có kinh nghiệm, vị trí trưởng trong vai trò là trợ giảng. Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Thông, Tiểu đội trưởng tên lửa, Ngành 2, Tàu 374, Lữ đoàn 162 chia sẻ: Chúng tôi luôn dựa vào các định mức về thời gian và yêu cầu cần đạt được trong mỗi bảng bố trí chiến đấu để rèn luyện. Yêu cầu đạt được với các vị trí chiến đấu là nắm vững chức trách, thao tác chính xác trên trang bị tại vị trí chiến đấu mình phụ trách và sẵn sàng thay thế 1 - 2 vị trí khác trong tiểu đội.

Lữ đoàn coi trọng công tác tổ chức hội báo chiến thuật, luyện tập bài tập nhóm; luyện tập vị trí chỉ huy; truyền thụ kinh nghiệm rút ra từ thực tế trong huấn luyện và công tác cho bộ đội. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát huy sáng kiến, làm mô hình học cụ để áp dụng nâng cao chất lượng huấn luyện.

Xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại

Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, công tác rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy luôn được Lữ đoàn xác định có vai trò quan trọng, là cơ sở để xây dựng đơn vị hiện đại. Thượng tá Mai Văn Doanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Cấp ủy các cấp đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xác định công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật là một trọng tâm lãnh đạo, khâu đột phá hằng năm. Lữ đoàn thường xuyên rà soát, đánh giá đúng tình hình, kết quả xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, tập trung lãnh đạo khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, tạo sự đồng đều, vững chắc từ cơ quan đến hải đội và các tàu.

 

Tàu của Lữ đoàn 162 huấn luyện trên biển

Lữ đoàn thực hiện nền nếp, hiệu quả các chế độ trong ngày, trong tuần; nâng cao chất lượng chế độ hội ý, giao ban, sinh hoạt các cấp. Hằng ngày đơn vị duy trì “Tổ điều lệnh” để nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm về điều lệnh, lễ tiết tác phong; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ tàu, ngành, thực hiện “cấp trên làm gương cho cấp dưới, cơ quan làm gương cho đơn vị”; mọi hành động, việc làm đều thống nhất theo điều lệnh, chế độ của Quân đội, quy định của đơn vị.

Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định xây dựng tàu chính quy, mẫu mực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, làm tiền đề nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, SSCĐ và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đây cũng là biện pháp để thực hiện tốt phương châm “duy trì tàu mới, phục hồi tàu cũ”. Thượng tá Trần Văn Vương, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng cho biết: Căn cứ bộ tiêu chí của các dạng tàu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt. Các tàu duy trì sự chính quy, thống nhất từ hệ thống văn kiện, sổ sách, mẫu biểu, bảng biểu đến từng trang bị; chủ động sơn sửa bảo quản khoang hầm, đường ống và các chi tiết trên tàu để mỗi con tàu thực sự là tàu chính quy, mẫu mực…

Lữ đoàn cũng quan tâm xây dựng tác phong làm việc khoa học, giờ nào việc nấy, chính quy, chuyên nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công tác của các ngành; thực hiện bảo quản, bảo dưỡng các loại TBKT theo phiếu công nghệ; duy trì thực chất, đồng bộ lực lượng, phương tiện và khả năng trực SSCĐ theo các phương án.

Bài, ảnh: ĐỨC THU

 

 

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn