Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022): Ý chí quật cường của Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội

HQVN -

Trong lịch sử dân tộc, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng cả nước viết lên những trang sử hào hùng. Trong 8 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm diễn ra trên đất kinh thành Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội thì có ba trận quyết chiến chiến lược giữ vai trò định đoạt trên chiến trường. Đó là, trận Đông Bộ Đầu, đầu năm 1258; trận Ngọc Hồi-Đống Đa, đầu năm 1789 và trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. 

Các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xuyên suốt lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc đều là các cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ưu thế chính trị tinh thần to lớn đó kẻ thù dù mạnh hơn hẳn về lực lượng quân sự cũng không thể có được.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, tính chất chính nghĩa, nhân đạo đó trở thành điểm tựa tinh thần cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân. Bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại bằng Không quân của Mỹ là cuộc chiến tranh nhân dân phát triển cao trong điều kiện mới-chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” còn có sự đóng góp của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhân dân Mỹ tiến bộ cũng đứng bên cạnh Việt Nam, đấu tranh mạnh mẽ ngăn chặn những hành động độc ác của nhà cầm quyền Mỹ. Đối diện với sự tàn bạo của kẻ thù là ý chí của một dân tộc.

Phân đội 12,7mm tự vệ Nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ (tháng 4/1972). Ảnh: TL

Lịch sử Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội cũng in dấu hình tượng bao anh hùng dân tộc tiểu biểu cho ý chí và trí tuệ của dân tộc, có công trạng bảo vệ Thủ đô như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh. Cũng chính trên mảnh đất ngàn năm văn hiến đó, biết bao thế thệ người dân Thủ đô cùng nhân dân cả nước chấp nhận những cuộc chiến vô cùng ác liệt, sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải để bảo vệ Thủ đô, giải phóng Thủ đô, góp phần xứng đáng vào công cuộc giữ nước.

Trong mỗi người dân Việt nói chung và người dân Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội nói riêng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc đã trở thành ý thức thường trực khiến họ gác lại những lợi ích riêng tư trước hiểm họa ngoại xâm để cùng nhau đánh bại kẻ thù. Nhân dân Thủ đô từ trong lịch sử đã không chỉ là lực lượng ủng hộ mà thực sự trở thành một chủ thể đông đảo nhất và mấu chốt của chiến tranh nhân bảo vệ Tổ quốc.

Trong chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12/1972, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã nêu cao ý chí và tinh thần chiến đấu kiên cường, khắc mọi khó khăn gian khổ; phát huy những kinh nghiệm chiến tranh nhân dân ở đô thị, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để thực hiện các phương án tác chiến; cùng bộ đội Phòng không và các tay súng tự vệ làm nên chiến công hiển hách. Cuộc sống đô thị được tổ chức theo kiểu thời chiến. Các cụ già, em nhỏ, học sinh, sinh viên về nơi an toàn. Công tác phòng không tại chỗ được trển khai tích cực. Mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, trường học, xí nghiệp đều kiến tạo hầm trú ẩn. Trong thành phố có 230 nghìn hố cá nhân, 1.130km hào giao thông, hàng nghìn hầm tập thể.

Sự bạo tàn của kẻ thù càng nhân thêm quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân Hà Nội. Trong tổn thất, đau thương càng sâu nặng nghĩa đồng bào. Hà Nội chiến đấu vì cả nước; cả nước hướng về Hà Nội sẻ chia, cổ vũ. Hàng trăm tấm gương sáng ngời của Thủ đô xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Bảo vệ sản xuất, bảo vệ trật tự, tính mạng, tài sản của nhân dân; cứu thương, cứu hỏa; đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau… Đó là hình ảnh các chiến sĩ công nhân anh hùng “bến phà kiên cường chống Mỹ” Bác Cổ ngày đêm bám trụ để bảo đảm giao thông thông suốt, bất chấp bom đạn của kẻ thù.

Đó là tấm gương hy sinh của hai đồng chí Đặng Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa bám máy đến cùng để bảo đảm dòng điện cho Thủ đô. Rồi hình ảnh các chiến sĩ công an sâu sát nắm dân quân mình để cứu chữa, bảo vệ tính mạng nhân dân. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa quên mình dưới bom đạn làm nhiệm vụ. Hàng trăm nghìn chiến sĩ tự vệ, hội viên chữ thập đỏ và cả những người dân bình thường vì nghĩa lớn đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm tận tình cưu mang bà con, xóm ngõ của mình trong cơn hoạn nạn… Nhiều đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến. Mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô đã góp phần tạo nên chiến công vĩ đại đánh bại B-52 của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi của quân và dân ta trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 để lại cho các thế hệ người Việt Nam niềm tự hào, tự tin; làm giàu thêm ý chí và tri thức về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là thắng lợi của truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Thủ đô Hà Nội; góp phần làm rạng rỡ truyền thống Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội.

Trung Thành

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn