Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”: Dẫn đường cho Không quân đánh B-52

HQVN -

Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ đổ vỡ nên để cứu vãn, ngày 6/4/1972, Nixon tuyên bố mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ hai. Tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã nhận định Mỹ sẽ sử dụng con bài chiến lược cuối cùng là B-52 để đánh phá Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; đồng thời giao cho Binh chủng Không quân nay là Quân chủng Phòng không-Không quân khẩn trương chuẩn bị kế hoạch đánh B-52.

Ngày 12/5/1972, Binh chủng Không quân tổ chức Hội nghị Quân chính nhằm thống nhất tư tưởng chỉ đạo, phương châm đánh địch, bảo vệ mục tiêu và giữ gìn lực lượng. Về cách đánh, hội nghị nhất trí sử dụng MiG-21 là chính, thực hiện cách đánh nhỏ, giành thế chủ động, phát huy yếu tố bất ngờ, bí mật đối với địch. Trung tá, phi công Nguyễn Hồng Nhị nêu vấn đề: “Chiến trường miền Bắc đánh B-52 chỉ có thể xảy ra vào ban đêm, vì bọn Mỹ thừa biết các phi công Việt Nam tiếp cận đánh chúng chủ yếu nhận dạng bằng mắt. Có nghĩa là chúng tôi đã loại bỏ tất cả các ảo thuật, kỹ thuật tối tân của chúng như gây nhiễu ra đa, nghi binh, tác chiến điện tử… vậy chỉ còn lại có bóng đen đêm tối là chỗ dựa duy nhất của B-52 để che mắt phi công Việt Nam”.

Phi đội bay đêm thảo luận phương án đánh B-52. Ảnh: TL

Tổ chức bay đêm để đánh B-52 là một vấn đề phức tạp đòi hỏi các đơn vị phải có kế hoạch tỉ mỉ. Các phi công tập luyện bay đêm đã được chuẩn bị kỹ về chiến thuật, cách đánh và kỹ thuật bay đêm, nhất là cất, hạ cánh ở các sân bay dã chiến.

Về phương pháp chỉ huy và dẫn đường cho MiG-21, các sĩ quan tham mưu, dẫn đường cũng đã trình bày những vấn đề cụ thể, hết sức sáng tạo để chỉ huy các trận không chiến hiện đại theo cách đánh của Việt Nam. Khi B-52 bay vào để tiếp cận vùng trời Hà Nội, thì hướng gây nhiễu có công suất mạnh nhất là tập trung về phía trước. Phía đuôi và hai bên sườn của máy bay yếu hơn so với hướng mũi. Vì vậy nếu bố trí các đài ra đa ở vòng ngoài, dễ dàng phát hiện được B-52 và các tốp “F” bảo vệ. Sở chỉ huy vòng ngoài sẽ dẫn MiG “lách” qua “hàng rào” bảo vệ của “F” vào tiếp cận B-52. Để giữ bí mật, Sở chỉ huy không sử dụng liên lạc vô tuyến điện hai chiều mà dẫn MiG theo mật khẩu quy ước cho đến khi còn cách B-52 từ 40 đến 50km vì với tốc độ của MiG-21, bọn “F” bảo vệ có phát hiện ra thì đã quá muộn và không kịp trở tay.

Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân đã triển khai 4 sở chỉ huy ở Thanh Hóa, Mộc Châu, Yên Bái và Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh; điều các đại đội ra đa 45, 43, 26 cho các trung đoàn không quân để hỗ trợ đánh B-52. Các phương án tác chiến được chuẩn bị chu đáo và cụ thể, nhưng thực tế chiến đấu việc dẫn MiG tiếp cận B-52 là không đơn giản. Suốt từ đêm ngày 18 (mở đầu chiến dịch) đến 26/12/1972, lực lượng xuất kích nhiều lần nhưng đều không đánh được, phải quay về.

Sáng 25/12/1972, Binh chủng Không quân tổ chức Hội nghị quân chính rút kinh nghiệm và bàn các phương án chiến đấu với sự tham dự của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Tư lệnh Binh chủng Lê Văn Tri. Các phi công đánh đêm đều cho rằng: Trong không gian chật hẹp với nhiều máy bay hộ tống đi kèm B-52, nếu ta cho một chiếc MiG lên nhử, bọn tiêm kích “F” sẽ phá đội hình để đối phó, tạo điều kiện cho một chiếc MiG khác vượt qua để tiếp cận B-52. Các sĩ quan chỉ huy tham mưu yêu cầu sở chỉ huy cơ động vòng ngoài phải bố trí liên hoàn, hỗ trợ cho nhau để chỉ huy máy bay ta cơ động vừa giữ được bí mật vừa gây bất ngờ cho bọn tiêm kích hộ tống. Muốn làm được như vậy cần sự thống nhất giữa hai binh chủng ra đa và không quân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó đồng thời động viên: “Không quân anh hùng của chúng ta nhất định phải có tên trong danh sách những đơn vị bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ trong chiến dịch này”.

Sự khích lệ ân cần của vị Tổng Tư lệnh đáng kính đã mang lại quyết tâm đánh địch rất lớn cho bộ đội Không quân. Chiều 27/12, phi công Phạm Tuân cất cánh từ Sân bay Nội Bài cơ động lên Sân bay Yên Bái. Sau đó, phi công Phạm Tuân được lệnh cất cánh từ Sân bay Yên Bái. Dưới sự dẫn dắt tốt của Sở chỉ huy trung tâm, Sở chỉ huy Trung đoàn, Sở chỉ huy Sơn La và ra đa của các đơn vị theo dõi bám sát đến Sơn La, phát hiện thấy đội hình B-52, Phạm Tuân khéo léo điều khiển máy bay vượt qua hàng rào F-4, bay ngang đến chiếc B-52 bay sau cùng trong tốp, anh phóng liền hai quả tên lửa rồi lao xuống thoát ly chiến đấu, trở về hạ cánh an toàn xuống Sân bay Yên Bái. Chiếc B-52 đã bị trúng đạn tên lửa, bốc cháy.

Trận đánh dùng MiG-21 bắn rơi tại chỗ “pháo đài bay” B-52 là trận đánh thể hiện sự mưu trí, phối hợp nhịp nhàng giữa phi công, sĩ quan chỉ huy, dẫn đường và các lực lượng, với sự hỗ trợ tích cực của Binh chủng Ra đa.

Thái Sơn

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn