Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1-1979 – 1-2019)

Bài 4: Diễn biến chính chiến dịch Tà Lơn

HQVN -

14 giờ ngày 5-1-1979, tại SCH ở An Thới, Bộ Tư lệnh chiến dịch triệu tập họp để kiểm tra công tác chuẩn bị hiệp đồng chiến đấu lần cuối và phổ biến thời gian đổ bộ cho các lực lượng là 21 giờ 00 ngày 6-1-1979. Nhưng 19 giờ ngày 5-1-1979, Bộ chỉ huy Liên quân (Mặt trận 479 sau này) thông báo thời gian đổ bộ thay đổi, lùi lại 2 giờ so với quyết định ban đầu; tức là giờ tiến công đổ bộ (giờ G) chính thức bắt đầu lúc 23 giờ ngày 6-1-1979.

Ngày 28-12-1978, SCH tiền phương của Quân chủng di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Phú Quốc. Đến ngày 5-1-1979, toàn bộ các lực lượng tham gia tác chiến đã có mặt đầy đủ ở Phú Quốc. Cuộc đổ bộ đường biển Tà Lơn đã hoàn thành giai đoạn “tập kết lực lượng, xếp quân xuống tàu”.

Trong giai đoạn hành quân vượt biển, các đơn vị vừa tổ chức hành quân vừa nghi binh giữ bí mật bãi đổ bộ. Lực lượng pháo binh ở căn cứ (Phú Quốc, Hòn Đốc) sẵn sàng chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ lên bãi Tà Lơn.

Đêm 4 và 5-1-1979, đặc công của Tiểu đoàn 861 bí mật xâm nhập, ém sẵn ở khu vực bãi đổ bộ, không cho địch từ Campot đến chi viện cho địch ở Tà Lơn. Đúng giờ G, các lực lượng đổ bộ bằng tàu xi măng cốt thép của Thê đội 1 tiến vào bờ. Tiểu đoàn 863 nhanh chóng đánh chiếm bãi đổ bộ, chốt giữ đầu cầu, bảo đảm cho đội hình tiếp tục đổ bộ. Thê đội 2 gồm Tiểu đoàn 864, 867 đổ bộ bằng tàu LCM8, LCU có xe tăng thiết giáp đi cùng đánh chiếm các địa hình có giá trị chiến thuật trên quốc lộ số 3, số 4, cầu số 8.

Tàu HQ-501, thuộc Hạm đội 171 tiến vào khu vực đổ bộ giải phóng đảo KoKong, sáng 6-1-1979. Ảnh TL

2 tiểu đoàn pháo tầm xa của Vùng 5 từ Phú Quốc, Hòn Đốc đồng loạt bắn chế áp các trận địa hỏa lực của địch ở Hòn Nước, Phú Dự. Pháo 130 ly ở bãi Thơm bắn sang ngã ba KoKor; pháo ở Hòn Đốc bắn sang An Tây, Tre Mắm, Kiến Vàng, Keo Ngựa, ngăn chặn địch điều lực lượng đến chi viện cho Tà Lơn. Do ta giữ được bí mật và có phương án hợp lý nên cơ bản cuộc đổ bộ đã thành công.

Đêm 6-1-1979, các biên đội của Hạm đội 171, Hải đoàn 127 của Vùng 5 đã đến các vị trí chốt chặn. 2 tàu địch từ Mũi Xép công kích vào đội hình đổ bộ. Pháo 105 ly, ĐKZ của địch từ bờ phía Đông Bắc bãi Tà Lơn bắn chặn đội hình. Các biên đội nổ súng tiến công nhóm tàu địch, chi viện hỏa lực và bảo vệ để các tàu vận tải lần lượt tiến vào khu vực đổ bộ. Trận hải chiến diễn ra quyết liệt, các tàu của ta lần lượt đẩy lùi tất cả các lần phản kích của địch. Ta đã bắn chìm 3 tàu địch, bắn bị thương một số chiếc khác, buộc nhiều tàu địch phải rút chạy.

Lữ đoàn 126 sử dụng Tiểu đoàn 863 đánh chiếm cầu số 8, Tiểu đoàn 865 đánh cao điểm 204, cao điểm 52, sau đó Tiểu đoàn 863 để 1 đại đội chốt giữ cầu còn lại tiếp tục phát triển đánh chiếm ngã ba Ream. Không quân chi viện hỏa lực để Tiểu đoàn 865 và Tiểu đoàn 863 làm chủ hoàn toàn ngã 3 Ream và Sân bay. Rạng sáng 10-1-1979, các mũi tiến công của Lữ đoàn 126 cùng lực lượng Quân đoàn 2 đồng loạt tiến đánh Côngpôngxom. Đến 13 giờ15 ngày 10-1-1979 ta làm chủ cảng Côngpôngxom.

Đêm 9-1-1979, Hạm đội 171 đánh vào Côngpôngxom và Ream. 3 tiểu đoàn bộ binh của Vùng 5 từ Tàu 05 và 07 thực hiện nhiệm vụ đổ bộ lên hai cảng. Tại cảng Ream, địch còn nhiều lực lượng nên chúng phản ứng mạnh. Hạm đội 171 đã dùng Tàu 05 và 07 chi viện hỏa lực cho 2 tàu PCF chở Đại đội 5, Tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn 101vừa chiến đấu vừa tiến vào cảng cùng 1 đại đội bộ binh cơ giới của Sư đoàn 304.

Đến ngày 10-1-1979, Hải quân ta đã hoàn thành đổ bộ, tiến công giải phóng Côngpôngxom và cảng Ream, đạt được mục tiêu chiến dịch đặt ra. Chiến dịch thành công đã tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng các đảo KoKong, Polovai và thị xã KoKong, giải phóng hoàn toàn vùng ven biển phía Nam Campuchia và truy quét tàn quân địch trên bộ đến ngày 30-5-1979.

Do quân ta đồng loạt tiến công mạnh trên các hướng, từ ngày 7-1, Bộ chỉ huy tối cao của địch hoàn toàn mất liên lạc với tiền phương và với các quân khu của chúng. Tuy nhiên chúng đã kịp thời tổ chức 1 máy bay từ Nông Pênh đi Bát-tam-băng và 2 chiếc khác đi Xiêm Riệp chuyên chở bọn cố vấn bành trướng phương Bắc chạy thoát. Trên biển, ta đánh chìm tại chỗ 10 tàu thuyền các loại và đánh bị thương một số chiếc khác; đánh bại Sư đoàn 164 của địch cả trên bờ, dưới nước, buộc địch phải bỏ chạy và bỏ lại hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật.

Cùng với hướng tiến công chính trên hướng vùng biển Cam-pu-chia, Sở chỉ huy chiến dịch điều Hải đội 811 thuộc Hạm đội 171 có các tàu của Đoàn 962 phối thuộc với nhiệm vụ tiến quân theo hướng sông Mê Công, bảo vệ sườn cho các đơn vị Quân đoàn 4 tiến quân theo đường bộ. Sáng 6-1-1979, toàn bộ các tàu của Đoàn 962 tập kết ở Tân Châu và buổi chiều cùng ngày xuất phát. Trên đường tiến đến Thủ đô Phnôm Pênh, các tàu đã nhiều lần nổ súng đánh tan các ổ đề kháng, bắn chìm 4 tàu tuần tiễu và tàu chở dầu của địch. Đặc biệt, Đoàn cũng vinh dự là lực lượng dùng tàu đổ bộ chở toàn bộ xe pháo cho Quân đoàn 4 và Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Campuchia vượt bến phà Niếc Lương, tiến về tham gia giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh ngày 7-1, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hoạt động tác chiến ĐBĐB Tà Lơn đã tạo đà cho đợt hoạt động tác chiến tiếp theo từ 13 đến 18-1-1979 giành thắng lợi. Tổng 2 đợt hoạt động này, ta và bạn đã giải phóng và bảo vệ toàn bộ vùng biển, hải đảo từ Tà Lơn, Hòn Nước, Phú Dự và vùng duyên hải phía Đông Nam Cam-pu-chia từ khu vực núi Tà Lơn đến quân cảng Ream, Côngpôngxom. Ta đã giải phóng 2 cảng quan trọng, có vị trí chiến lược về chính trị quân sự là cảng Côngpôngxom, quân cảng Ream và toàn bộ nhân dân trong khu vực trên. Giải phóng đất đai và nhân dân tới đâu, bộ đội Hải quân ta đã từng bước giúp bạn củng cố và bảo vệ thành quả cách mạng tới đó nên được nhân dân nước bạn hết sức tin tưởng.

Hải Nam (Còn nữa)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn