Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1-1979 – 1-2019)
Bài 1: Kế hoạch tác chiến đổ bộ đường biển của Quân chủng Hải quân
Bối cảnh chung
Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia là ba nước có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và có chung vận mệnh lịch sử. Từ rất sớm, nhân dân ba nước đã đoàn kết bên nhau chống kẻ thù chung, góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do của mỗi nước. Với thắng lợi trong cùng một thời gian tương đối gần nhau, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương đã kết thúc vẻ vang. Mong muốn được sống trong tự do, hạnh phúc và mỗi đất nước mãi mãi được thống nhất, hòa bình là ước vọng chung của nhân dân 3 nước.
Bài 2: Tương quan lực lượng và tình hình khu vực tác chiến Bài 3: Công tác chuẩn bị chiến dịch của Quân chủng Hải quân Bài 4: Diễn biến chính chiến dịch Tà Lơn |
Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1975, nhân dân Cam-pu-chia chưa kịp hưởng hòa bình lại rơi vào bi kịch lớn: Bầy ác quỷ Pôn pốt-Iêng Xary đặt dân tộc Cam-pu-chia trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người. Trong gần 4 năm, chúng đã sát hại hơn 3 triệu người dân vô tội Cam-pu-chia; thanh trừng, sát hại nhiều đảng viên, cán bộ quân đội…
Tập đoàn phản động Pôn pốt-Iêng Xary đã chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Chúng đưa quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu; triển khai 19/23 sư đoàn dọc tuyến biên giới; huy động 10 sư đoàn gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà, giết hại hàng vạn dân thường, phần lớn là cụ già, phụ nữ, trẻ em…
Ngay lúc đó, Việt Nam có quyền đánh trả và đủ khả năng tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược nhưng chúng ta vẫn hết sức kiềm chế để giữ gìn hòa bình, tránh một cuộc chiến tranh không mong muốn, gây tổn thất cho nhân dân hai nước.
Ngày 3-12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia ra đời. Trong nguy nan, khó khăn nhất, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đã chọn Việt Nam là nơi có thể đặt niềm tin về sự giúp đỡ, gây dựng lực lượng cứu nước, trên cơ sở của mối quan hệ hai nước đã được thử thách: “Căn cứ vào tình hình chính trị trong nước và quốc tế lúc đó, không còn con đường nào khác... Nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam là duy nhất...”.
Đáp ứng nguyện vọng thiết tha của quân và dân Cam-pu-chia, Bộ chỉ huy liên quân Cam-pu-chia – Việt Nam được thành lập, thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia và quân tình nguyện Việt Nam.
Ngày 7-12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm chiến lược đánh đổ chế độ Pôn-pốt ở Cam-pu-chia. Ngày 22-12-1978, Quân chủng Hải quân nhận nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch biên giới Tây Nam: Đổ bộ đánh chiếm quân cảng Ream và cảng Công-pông-xom; giải phóng đất đai khu vực Công-pông-xom, Kô Kông, vùng biển và hải đảo từ Công-pông-xom đến Kô Kông bao gồm cả các đảo Kô Tang, Pô-lô-vai; tiếp tục tiến công truy quét tàn quân địch; thu kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật; giải phóng nhân dân Cam-pu-chia, mở rộng phạm vi hoạt động trong vùng kiểm soát của ta.
Kế hoạch tác chiến đổ bộ
Chiều 5- 1-1979, tại Sở chỉ huy cơ bản ở Phú Quốc, Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ chiến đấu bổ sung cho các đơn vị: “Bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Tà Lơn, phong tỏa quốc lộ số 3 và số 4, tiến đánh cảng Công-pông-xom. Tiêu diệt hải quân địch, ngăn chặn không cho tàu địch từ quân cảng Công-pông-xom, Ream chạy ra biển, bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126”.
Bãi Tà Lơn cách thị xã Cam-pốt khoảng 20 ki lô mét về phía Đông, cách cảng Công-pông-xom khoảng 90 ki lô mét về phía Tây. Bãi cách đảo Phú Quốc của Việt Nam 14 km. Bãi dài khoảng 300 mét và có nhiều sú vẹt xen lẫn đá ngầm, đá mồ côi, thuận tiện cho đổ bộ đường biển. Đài quan sát của ta từ đảo Phú Quốc có thể quan sát được địch. Trong chiến đấu, pháo binh từ đảo có thể phát huy được hỏa lực chi viện cho mũi tiến công.
Quân địch phòng thủ bờ biển khu vực bãi Tà Lơn và cảng Công-pông-xom, quân cảng Ream được tổ chức thành các khu vực liên hoàn, kết hợp công sự trận địa vững chắc với hệ thống hỏa lực nhiều tầng, nhiều lớp gồm: Pháo binh, pháo phòng không, ĐKZ, súng cối các loại. Xung quanh khu vực trú đậu tàu thuyền của các cảng có các đơn vị phục vụ, bảo đảm vòng ngoài.
Trên hướng tiến công của Quân chủng Hải quân có Sư đoàn 164 Hải quân địch với 172 tàu thuyền các loại và Trung đoàn 17 Biên phòng cùng các lực lượng thuộc đặc khu Công-pông-xom và tỉnh Kô Kông. Lực lượng này được trang bị nhiều tàu pháo, tàu phóng lôi, pháo mặt đất, các trạm ra đa đối hải, đối không với hệ thống công sự kiên cố trên đất liền và trên các đảo gần bờ. Như vậy, ngay khi đổ bộ lên bờ, Hải quân đánh bộ của ta sẽ vấp phải hỏa lực dày đặc của quân Khmer Đỏ.
Sơ đồ tác chiến trong kế hoạch đổ bộ của Quân chủng Hải quân
Các đơn vị tham gia tác chiến của Quân chủng Hải quân gồm: Vùng 5 bao gồm cả lực lượng Vùng 4 điều động bổ sung, Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126, Lữ đoàn 125, Hạm đội 171 và Trung đoàn 962 của Quân khu 9 làm nhiệm vụ phối thuộc. Tổng cộng, ta có 16 tiểu đoàn gồm 11 tiểu đoàn bộ binh và Hải quân đánh bộ, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn hỏa lực mang vác, 1 tiểu đoàn xe tăng-thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo cơ giới tầm xa.
Về phương tiện, ta có 160 tàu thuyền các loại gồm: 77 tàu chiến đấu, 83 tàu thuyền vận tải. 42 ô tô do Bộ Quốc phòng tăng cường
Theo kế hoạch, ta sẽ sử dụng đội đặc công hải quân bí mật tiềm nhập đánh chiếm bãi đổ bộ, thiết lập đầu cầu. Sau khi đổ bộ thành công, hải quân đánh bộ sẽ sử dụng Tăng-Thiết giáp và xe tải nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trên quốc lộ và các mục tiêu được giao, phối hợp cùng Sư đoàn bộ binh 325 đánh chiếm Công-pông-xom. Hạm đội 171 điều tàu nghi binh để thu hút lực lượng địch về phía biển. Pháo binh của ta từ Phú Quốc bắn sang không cho địch ngăn chặn, bảo vệ sườn lực lượng đổ bộ.
Hải Nam (Còn nữa)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - ( 03-12-24 03:00 )
- Kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, 35 Ngày hội Quốc phòng toàn dân: Thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam - ( 02-12-24 08:00 )
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )