Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các-Mác (5-5-1818 - 5-5-2018)
Khẳng định giá trị bền vững của học thuyết Mác
Thế kỷ 19 đã sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng vĩ đại, những lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Đứng ở hàng đầu các vĩ nhân là Các Mác.
Các Mác-một trong những nhà tư tưởng vĩ đại trên thế giới. Ảnh tư liệu
Các Mác sinh ngày 5-5-1818 tại Triơ, thành phố Rê-na-ni, thuộc nước Phổ xưa, nay là nước Ðức. Xuất thân trong một gia đình luật sư, ngay từ lúc còn là sinh viên, Các Mác đã nghiên cứu và tinh thông nhiều môn học như luật, sử và triết học. Năm 23 tuổi, ông đỗ tiến sĩ triết học. Từ đó, ông ngày càng tỏ rõ là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội tài năng.
Kế tục và phát triển 3 trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ 19 là: triết học cổ điển Ðức, kinh tế học chính trị cổ điển Anh, chủ nghĩa xã hội Pháp, Mác đã tổng kết tri thức của nhân loại và sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, học thuyết kinh tế mác xít và chủ nghĩa xã hội khoa học; làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, rồi đem khoa học đó kết hợp với phong trào công nhân, biến nó thành vũ khí sắc bén của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. “Tư bản” là bộ sách Mác coi là sự nghiệp của cả đời mình và Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản do Mác khởi thảo lúc vừa tròn 30 tuổi là những tác phẩm bất hủ.
Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời đến nay luôn là mặt trời chiếu sáng, cơ sở tư tưởng, lý luận và là ngọn cờ chiến đấu đầy khí phách của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, đế quốc thực dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tròn 2 thế kỷ đã qua kể từ ngày sinh của Các Mác, thế giới đã trải qua nhiều sự biến đổi lớn lao. Nếu như thế kỷ 19, nhìn một cách tổng thể, thế giới còn đặt dưới ách thống trị của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc và thực dân thì bước sang thế kỷ 20 thế giới đã đổi khác rất nhiều. Hai cuộc đại chiến thế giới ở nửa đầu thế kỷ này đã dẫn đến sự sụp đổ một mảng lớn của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Sự ra đời và thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên một loạt nước, trước hết là Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người-thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa và đi liền với nó là sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân sau đại chiến thế giới lần thứ hai đánh dấu một đỉnh cao mới của các phong trào cách mạng trên hành tinh chúng ta.
Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. Ảnh tư liệu
Vào thập niên cuối của thế kỷ 20 đã diễn ra sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, kéo theo thoái trào tạm thời của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới. Những chính trị gia và học giả của chủ nghĩa tư bản hí hửng tuyên bố sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội và tung hô sự vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nhưng những dự báo vội vàng và thiếu tính khoa học đó đã nhanh chóng bị thực tiễn bác bỏ. Ðã không có bất cứ sự cáo chung nào mà ngược lại chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển ở nhiều nước, chiếm gần một phần ba dân số thế giới thông qua cải cách, mở cửa và đổi mới.
Thập niên đầu của thế kỷ 21 còn cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi từng bước của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là sự ra đời của chủ nghĩa xã hội Mỹ la-tinh với thắng lợi của lực lượng cánh tả ở nhiều quốc gia. Đồng thời, những khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản mà tiêu biểu nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu diễn ra trong hai năm 2008-2009 mà hậu quả nặng nề của nó chưa thể nói đến bao giờ mới khắc phục xong.
Không phải ngẫu nhiên, khi bình minh của thế kỷ 21 vừa hé mở, ở nhiều diễn đàn khác nhau, nhiều nhà khoa học chân chính, cả những người không phải mác xít đều công nhận rằng, thế kỷ mới này vẫn là thế kỷ của Mác. Càng không phải ngẫu nhiên vào giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đang diễn ra gay gắt, người ta đã tìm đọc lại các tác phẩm của Mác và khẳng định giá trị bền vững của học thuyết Mác, nhất là học thuyết về kinh tế chính trị của ông.
Gần 90 năm qua, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử là nhờ có sự dẫn dắt của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Ðảng ta nhất quán kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Song kiên định không có nghĩa là giáo điều sách vở mà phải vận dụng sáng tạo và phát triển. Kiên định còn có một ý nghĩa khác: trong khi coi chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết cách mạng có tính khoa học nhất, phù hợp sự phát triển của thời đại ngày nay thì đối với việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản của thời đại và thế giới đương đại, chúng ta không bác bỏ một cách vũ đoán, trái lại, chủ động nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết phát triển, các trào lưu lý luận và các thành tựu khoa học xã hội thế giới.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn cờ chiến đấu và chiến thắng của cách mạng Việt Nam.
Hà Đăng
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Bế mạc Hội thi tàu tốt, hội thao huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực năm 2024 - ( 25-11-24 10:00 )
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - ( 25-11-24 04:00 )
- Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Tổng thống Bulgaria Rumen Radev - ( 25-11-24 03:00 )
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII - ( 25-11-24 03:00 )
- Vùng 1: Tập huấn QNCN năm 2024 - ( 25-11-24 09:00 )