Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 – 1/10/2024)

Đại tướng Lê Trọng Tấn – Nhà quân sự mưu lược, người thực hiện xuất sắc chiến lược quân sự của Đảng và Bác Hồ

HQ Online -

Trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từ chỉ huy đánh đồn Đồng Quan giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nét nổi bật về tài năng quân sự của Đại tướng Lê Trọng Tấn là chỉ huy giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch; một vị tướng trận mạc, luôn có mặt ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, có khả năng chỉ huy làm xoay chuyển cục diện chiến trường, “biểu trưng cho những quả đấm thép của Quân đội nhân dân Việt Nam”, được “mệnh danh là Giu-cốp của Việt Nam”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: Đại tướng Lê Trọng Tấn “là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go phức tạp thế nào, đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Còn Thượng tướng Hoàng Cầm thì khẳng định: “Đại tướng Lê Trọng Tấn thông minh, quả cảm, rất được bộ đội yêu mến. Tài chỉ huy chiến dịch của ông khó ai sánh bằng”.

Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) và các đơn vị do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy cắm cờ trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ (chiều 7/5/1954). Ảnh: Tư liệu

Trong chiến dịch Việt Bắc (1947), Trung đoàn 87 của Khu 10 do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy đã lập công xuất sắc trên sông Lô, góp phần cùng với quân dân Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang một thời kỳ mới. Sau chiến thắng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gắn Huân chương Quân công và danh hiệu “Trung đoàn Sông Lô” cho Trung đoàn 87.

Trong chiến dịch Sông Thao (1949), đồng chí Lê Trọng Tấn được cấp trên giao làm Tư lệnh chiến dịch. Đây là một trong những chiến dịch đánh lớn đầu tiên của Quân đội ta. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt và bức rút 25 cứ điểm, phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao, tạo thế liên hoàn nối liền vùng tự do của ba tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Qua chiến dịch, bộ đội chủ lực tiến bộ vượt bậc về chiến thuật diệt cứ điểm. Lần đầu tiên trong một chiến dịch ta tiêu diệt hoàn toàn một tiểu khu địch gồm nhiều vị trí lớn nhỏ có công sự vững chắc.

Trong chiến dịch Biên Giới (1950), Trung đoàn 209 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng, được Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ định làm Chỉ huy phó trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê trực tiếp chỉ huy đánh bại Binh đoàn Sác-tông, góp phần vào thắng lợi, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, đẩy Pháp chuyển dần sang thế bị động, phòng ngự.  

Trong chiến dịch Tây Bắc (1952), Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), với bản lĩnh chỉ huy kiên quyết, sáng tạo, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng tập thể chỉ huy động viên, khơi dậy sức mạnh ý chí của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 quán triệt và thực hiện tốt việc chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, tổ chức tiến công tiêu diệt địch ở Him Lam, mở màn chiến dịch, đập tan cái gọi là “Quả đấm sắt”, “Một đơn vị thần thoại chưa bao giờ bị thua một trận nào” của Pháp tại Điện Biên Phủ, xoá sổ tiểu đoàn lê dương 3/13 DBLE, diệt 300 tên, bắt 200 tên, khiến bộ chỉ huy quân Pháp bàng hoàng và binh lính địch ở các cứ điểm khác trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lo sợ. Thắng lợi đã tạo được niềm tin và sức chiến đấu mới cho bộ đội trên toàn mặt trận. Trên đà thắng lợi, đồng chí Lê Trọng Tấn tiếp tục chỉ huy, chỉ đạo Trung đoàn 165 phối hợp với Đại đoàn 308 tiến công chiếm cứ điểm Độc Lập, bức hàng Bản Kéo, sau đó chỉ huy Đại đoàn 312 tiến công tiêu diệt các vị trí đồi E, D1, D2, 105, 505, 505A, 506, 507, 508, 509… phát triển tiến công đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu GONO vào lúc 17 giờ 30 ngày 7 tháng 5 năm 1954, phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Đại đoàn trên nóc hầm Đờ Cát, ghi nhận sự thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, Đờ Cát đã thú nhận, bày tỏ sự khâm phục đối với đơn vị đánh đầu tiên Điện Biên Phủ và cũng chính là đơn vị đã bắt sống Bộ chỉ huy quân Pháp vào những ngày cuối cùng.

Quân giải phóng tiến vào cầu Tràng Tiền (Huế). Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam, trí tuệ, tài thao lược của Đại tướng Lê Trọng Tấn, tiếp tục được khẳng định  trong những chiến dịch lớn mà đồng chí được cử làm Tư lệnh chiến dịch.

Trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (20/01 - 23/3/1971), là một chiến dịch phản công, đánh tiêu diệt quy mô lớn, trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng tập thể chỉ huy quân và dân ta chiến đấu ngoan cường, mưu trí, giành thắng lớn. Sau hơn 50 ngày đêm chiến đấu, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép…. Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào giành thắng lợi đã đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, tác động mạnh đến cục diện chiến trường, giáng đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch.

Trong chiến dịch Trị Thiên (1972), đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch đã cùng tập thể chỉ huy quân và dân ta tiến công loại khỏi vòng chiến đấu hơn 27.000 tên địch, thu và phá hủy 636 xe tăng, xe bọc thép, 1.870 xe quân sự… giải phóng tỉnh Quảng trị và một số xã tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng, tiến tới góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước.  

Xe tăng quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng (tháng 3/1975). Ảnh: Tư liệu

Trong chiến dịch Huế – Đà Nẵng (3/1975), Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn  đã chỉ huy các lực lượng làm nên chiến công vang dội, góp phần làm tan rã quân đội Sài Gòn, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam Việt Nam.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975), đồng chí Lê Trọng Tấn là Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông và Đông Nam, gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang, hành quân thần tốc tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, tiến vào Dinh Độc Lập bắt sống tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam (1979), đồng chí được cử làm Tư lệnh mặt trận Tây Nam, với tài thao lược đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ huy quân và dân ta phối hợp chặt chẽ với quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng và giành những thắng lợi to lớn, giải phóng toàn Thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979), giúp đất nước Campuchia hồi sinh, xây dựng lại đất nước.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn