Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn (1/10/1914 – 1/10/2024): Đại tướng Lê Trọng Tấn với quá trình hoạt động cách mạng Việt Nam

HQ Online -

Đồng chí Lê Trọng Tấn (tên thật là Lê Trọng Tố), sinh ngày 1/10/1914 trong một gia đình nông dân yêu nước tại thôn An Định, làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Chân dung cố Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Được giác ngộ cách mạng, năm 1944 đồng chí Lê Trọng Tấn tham gia Mặt trận Việt Minh và làm công tác binh vận ở Bạch Mai, Hà Nội. Tháng 3/1945, đồng chí được phái về huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông làm công tác tuyên truyền, tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng và huấn luyện tự vệ. Tháng 6/1945, cùng với một số đồng chí khác chỉ huy diệt đồn Đồng Quan, sau đó được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông và tham gia chỉ đạo cướp chính quyền tỉnh. Đồng chí nhập ngũ bắt đầu từ thời điểm này.

Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 12/1945 đồng chí Lê Trọng Tấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Trọng Tấn đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ huy quân đội từ trung đoàn phó đến đại đoàn trưởng.

Từ tháng 12 /1945 đến năm 1949, đồng chí Lê Trọng Tấn đã giữ các chức vụ Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 (Sơn La), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Sông Lô), cùng với tập thể lãnh đạo, chỉ huy đơn vị bám trụ, đứng vững trên chiến trường, liên tục tiến công tiêu diệt địch và tiến hành vũ trang tuyên truyền khôi phục, phát triển cơ sở cách mạng ở vùng sau lưng địch, góp phần phá vỡ âm mưu bình định khu Tây Bắc của bọn thực dân xâm lược.

Từ năm 1950 đến năm 1954, đồng chí Lê Trọng Tấn được Trung ương Đảng điều về làm quyền Đại đoàn trưởng, sau đó là Đại đoàn trưởng, Phó Bí thư Đại đoàn ủy Đại đoàn 312, cùng với tập thể Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đại đoàn nhanh chóng kiện toàn tổ chức, thực hiện “vừa xây dựng vừa tác chiến”; chỉ huy Đại đoàn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong các chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Lý Thường Kiệt (1951), Hòa Bình, Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Đại đoàn hai lần được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Đại đoàn 312 do đồng chí chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, từ tháng 7/1954, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), đồng chí đã đem kiến thức và kinh nghiệm của mình cùng với các đồng chí khác ra sức xây dựng nhà trường, cải tiến công tác đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại và tạo nguồn cán bộ quân sự chi viện cho miền Nam chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1958, đồng chí Lê Trọng Tấn được phong quân hàm Đại tá. Năm 1961, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng và được cử giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều đóng góp nhằm xây dựng cơ quan tham mưu chiến lược ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”.

Năm 1964, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử vào miền Nam giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền. Đồng chí đã có nhiều công lao, đóng góp vào việc xây dựng các đơn vị chủ lực của lực lượng vũ trang; phát triển thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, cách thắng Mỹ; nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân trên chiến trường miền Nam và giành thắng lợi trong các chiến dịch Bình Giã, An Lão (1964), Đồng Xoài, Ba Gia, Bầu Bàng – Dầu Tiếng, Pleime (1965), đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch vào vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ (1965), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968).

Năm 1970, Trung ương Đảng điều động đồng chí về lại miền Bắc giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 3/1971, đồng chí là Tư lệnh chiến dịch Đường số 9 – Nam Lào. Tháng 12/1971, đồng chí là đặc phái viên Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Bộ chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào, tham gia chỉ đạo chiến dịch Cánh Đồng Chum (Thượng Lào).

Năm 1972, đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch Trị Thiên. Năm 1973, đồng chí là Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1. Năm 1974, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Tháng 3/1975, đồng chí là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng. Tháng 4/1975, đồng chí là Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông tham gia giải phóng Sài Gòn.

Sau khi đất nước được hoàn toàn độc lập và thống nhất, năm 1976, đồng chí Lê Trọng Tấn là Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm Viện trưởng Học viện quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) và là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Quân ủy Trung ương, có nhiều chỉ đạo, đóng góp vào việc tổng kết kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh, nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, góp phần vào việc xây dựng lý luận quân sự cách mạng Việt Nam, xây dựng nền móng của Học viện quân sự cấp cao trong thời kỳ mới thành lập.

Năm 1978, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Năm 1979, đồng chí Lê Trọng Tấn, tham gia chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân Cam-pu-chia giải phóng đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Sau đó, đồng chí về lại Bộ Tổng tham mưu, tham gia chỉ huy, chỉ đạo tổ chức phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Năm 1980, đồng chí Lê Trọng Tấn được thăng quân hàm Thượng tướng. Năm 1981, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII. Năm 1982, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương khóa V. Tháng 12/1984, đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng. Năm 1985, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Do công lao và những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Đảng và Nhà nước ta tặng, truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007), 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Đồng chí còn được quân đội một số nước anh em tặng thưởng nhiều huân chương cao quý khác.

Đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn mất ngày 5/12 năm 1986 tại Hà Nội.

HQVN

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn