Không để những sáng kiến hay bị bỏ lại phía sau

HQVN -

Nhiều năm nay, phong trào phát huy sáng kiến đã lan tỏa và được cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lữ đoàn 680, Vùng 3 Hải quân hưởng ứng. Tại Hội thi sáng kiến ngành Hậu cần Hải quân năm 2018, Lữ đoàn 680 có 2 sáng kiến được lựa chọn tham gia và được đánh giá cao là: Tủ hâm nóng thức ăn và Mô hình huấn luyện 5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến.

Bám sát thực tiễn

Sau khi cùng đoàn đại biểu tham quan Mô hình huấn luyện 5 kỹ thuật cấp cứu  và chuyển thương hỏa tuyến của Đại úy Nguyễn Văn Nhãn, Đội trưởng Đội Hỏa lực, chúng tôi nán lại trao đổi thêm với tác giả. Anh cho hay hiện nay chương trình huấn luyện về quân y cho bộ đội hàng năm ở tất cả các đối tượng đều có nội dung 5 kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản và chuyển thương hỏa tuyến. Tuy nhiên, chất lượng huấn luyện nội dung này vẫn còn hạn chế do việc đánh giá chất lượng thực hành của bộ đội chủ yếu là qua quan sát động tác mà chưa đánh giá được bằng định tính cụ thể về chất lượng của quá trình thực hiện. Điều đó dẫn đến khi gặp tình huống, quân nhân sẽ lúng túng, thực hiện sai kỹ thuật, làm mất thời cơ cứu chữa bệnh nhân.

Thực hành hướng dẫn cách xử lý trường hợp bị nguy kịch trên hình nộm mô phỏng. Ảnh: CTV

Từ thực tế đó, Đại úy Nhãn đã nảy ra ý tưởng sử dụng ma nơ canh trên thị trường kết hợp với ứng dụng công nghệ cơ, điện tử tạo ra một mô hình người để phục vụ huấn luyện nội dung này. Anh đề xuất ý tưởng và được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị ủng hộ. Qua 4 tháng miệt mài nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, mô hình đã được hoàn thiện, đưa vào ứng dụng tại đơn vị. Trung tá Đồng Văn Trình, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn đánh giá: Mô hình đã khắc phục được việc học chay, thực hành chay về kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Nhờ có hệ thống báo tự động và các thông số cụ thể nên khi thực hành với mô hình, học viên có thể điều chỉnh thực hiện động tác cho chính xác. Quá trình truyền thụ và tiếp thu giữa người dạy và người học cũng dễ dàng hơn. Với ưu điểm giá thành rẻ chỉ bằng ¼ so với ngoài thị trường, độ bền cao, tôi nghĩ sáng kiến này rất triển vọng, có thể phát triển rộng ra toàn quân và ngành cứu hộ, cứu nạn.

Để phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thiết thực, hiệu quả, tiêu chí đầu tiên mà Lữ đoàn 680 đề ra là bám sát thực tiễn công tác và đời sống bộ đội. Lữ đoàn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Vùng 3 làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện cũng như thẩm định, đề nghị công nhận khen thưởng và ứng dụng sáng kiến.

Hằng năm, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đề xuất ý tưởng nghiên cứu, đăng ký đề tài, sáng kiến. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện; giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm các đề tài, sáng kiến không trùng lặp, có tính khả thi, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ. Hướng nghiên cứu sáng kiến tập trung vào giải quyết những khó khăn mà thực tiễn đặt ra; ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác, nhất là trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Trân trọng từ những sáng kiến nhỏ

Trước sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ, Lữ đoàn đã thực hiện tốt công tác thông tin khoa học, nhất là những dự báo về xu hướng phát triển của nền khoa học quân sự trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho cán bộ, chiến sĩ định hướng rõ về những lĩnh vực thiết yếu cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến. Trung tá Đồng Văn Trình chia sẻ: Với phương châm “làm cho công việc thực hiện dễ dàng hơn; giảm bớt những công việc nặng nhọc, nguy hiểm; tăng hiệu quả công việc; tiết kiệm thời gian và chi phí”, Lữ đoàn yêu cầu chỉ huy các cấp phải có thái độ tích cực và trân trọng với mọi sáng kiến dù nhỏ của quân nhân, kể cả ý tưởng không liên quan đến lĩnh vực hoạt động của họ.

Một kinh nghiệm được Lữ đoàn rút ra là để thực hiện tốt sáng kiến cần có sự tham gia của người chỉ huy, sĩ quan trẻ và nhân viên chuyên môn. Đây là sự kết hợp giữa cá nhân năng động, sáng tạo, kiến thức nền tảng tốt, có tay nghề cao với cá nhân có thể huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện, biến các ý tưởng thành hiện thực.

Thượng úy Tạ Ngọc Dần-tác giả của sáng kiến “Cải tiến nâng cấp thiết bị đo áp suất cao trên tên lửa” cho biết: Trong quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị đều tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, phát huy sáng kiến. Cơ quan kỹ thuật sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra tiến độ, đánh giá tính ưu việt của giải pháp kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng, tiến hành các thủ tục nghiệm thu, công nhận là sáng kiến. Vì thế, các đề tài, sáng kiến đều bảo đảm tiến độ thời gian, chất lượng tốt, sau khi nghiệm thu được đưa ngay vào ứng dụng. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn trích một phần kinh phí và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ công tác nghiên cứu, khen thưởng đối với các công trình, sáng kiến. Đây là nguồn động viên kịp thời, tạo sự phấn khởi cho quân nhân tham gia nghiên cứu khoa học, giúp phong trào phát triển tốt.

Kết quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn 680 không chỉ là số lượng đề tài, sáng kiến mà quan trọng hơn là hiệu quả mà nó mang lại. Nhiều “nút thắt” trong bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đã được giải quyết. Hệ số kỹ thuật của vũ khí, trang bị kỹ thuật luôn bảo đảm theo quy định, nhất là ở nhóm vũ khí, trang bị sẵn sàng chiến đấu. Nhờ đó, đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phúc Vinh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn