Kết hợp giáo dục truyền thống trong huấn luyện ở Lữ đoàn 172

HQVN -

Phân đội 3 thuộc Tiểu đoàn 135 là đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân đã tham gia mở đầu trận đánh ngày 2-8-1964 trên vùng biển miền Bắc. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP Lữ đoàn bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của mình đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang "Chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, đoàn kết, quyết thắng".

Đến thăm Lữ đoàn 172 Hải quân trong những ngày tháng Tám lịch sử, mọi người đều dễ dàng cảm nhận không khí thi đua sôi nổi trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Ai nấy đều tự hào vì mình được học tập, công tác, huấn luyện ở một đơn vị đã từng có thế hệ cha anh tham gia đánh thắng trận đầu cách đây 55 năm.

Nhắc về lịch sử của đơn vị, Đại tá Lê Văn Tấn, Chính ủy Lữ đoàn 172 Hải quân rất đỗi tự hào: Lúc đó, mặc dù với lực lượng nhỏ bé, các tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam bị hạn chế về tính năng kỹ, chiến thuật lại phải chiến đấu với tàu khu trục lớn hiện đại của Hải quân Mỹ nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chỉ huy cùng tinh thần dũng cảm, ý thức trách nhiệm làm chủ vùng biển, Tiểu đoàn 135 đã đánh trận đầu xuất sắc, bắn cháy 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, buộc tàu khu trục Ma đốc phải rút khỏi vùng biển miền Bắc. Phát huy truyền thống đó, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 172 hôm nay luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ vững chắc các mục tiêu được phân công, sẵn sàng phối hợp, chi viện cho các lực lượng, góp phần giữ vững chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển.

 

Tập luyện phương án báo động chiến đấu ở Lữ đoàn 172 Hải quân

Để đạt được mục tiêu đó, trong công tác huấn luyện, SSCĐ, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 172 chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện đúng phân cấp, đủ nội dung, chương trình; kết hợp huấn luyện cơ bản với huấn luyện làm chủ VKTBKT, kỹ, chiến thuật chuyên ngành, thao tác thực hành các bảng bố trí chiến đấu, chiến thuật đơn tàu và biên đội tàu. Từ cán bộ ngành, cán bộ tàu cho đến hải đội đều phải xây dựng kế hoạch huấn luyện theo tuần, tháng cụ thể. Quá trình huấn luyện đều phải kiểm tra, đánh giá thực chất chất lượng huấn luyện của bộ đội, không chạy theo thành tích. Tất cả giáo viên huấn luyện đều phải xây dựng và sử dụng được giáo án điện tử để giúp người học nhanh chóng tiếp thu nội dung học tập. Kết thúc huấn luyện từng giai đoạn, chỉ huy Lữ đoàn sẽ kiểm tra, đánh giá đúng thực chất để có biện pháp huấn luyện bổ sung, khắc phục kịp thời những tồn tại khuyết điểm.

Tại Tàu 331, Hải đội 315, Lữ đoàn 172, cán bộ, chiến sĩ đang miệt mài huấn luyện tại các bảng bố trí chiến đấu dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, sẵn sàng rời cảng thực hiện nhiệm vụ bất cứ thời điểm nào khi có lệnh của trên. Thiếu tá Hồ Minh Tuấn, Thuyền trưởng Tàu 331 chia sẻ: Kỷ niệm 55 năm trận đầu đánh thắng của Hải quân nhân dân Việt Nam, trong công tác huấn luyện chỉ huy tàu đã lồng ghép với công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử để mỗi quân nhân luôn tự hào về truyền thống đơn vị, tạo động lực thi đua, phát huy tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhờ có sự đoàn kết, quyết tâm cao nên tập thể Tàu 331 đã đạt giải Nhất Hội thi tàu tốt và đạt giải Ba Hội thao huấn luyện tàu (khối tàu chiến đấu) của Vùng 3 Hải quân trong tháng 7 vừa qua.

Thượng tá Vũ Đình Hiển, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172 cho biết: Để nâng cao chất lượng huấn luyện, chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải xây dựng kế hoạch huấn luyện cụ thể, sát với đặc điểm và nhiệm vụ đơn vị. Đối với các hải đội và các tàu phải phải xây dựng kế hoạch huấn luyện chi tiết cho từng đối tượng; trong đó phải phân chia được từng đối tượng theo từng nhóm quân nhân có thâm niên công tác, phù hợp với trình độ và kinh nghiệm cụ thể. Trên cơ sở đó, Lữ đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị lựa chọn đội ngũ giáo viên, soạn thảo giáo án, xây dựng kế hoạch huấn luyện được các cấp thông qua, phê duyệt. Ở cấp tàu, giáo viên trực tiếp lên lớp là đội ngũ cán bộ chỉ huy tàu, cán bộ trưởng các ngành và đội ngũ trợ giảng là quân nhân chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm công tác lâu năm ở tàu. Quá trình huấn luyện ở cấp tàu sẽ áp dụng phương châm “cầm tay, chỉ việc” để đảm bảo quân nhân nhanh chóng nắm được chức trách, nhiệm vụ cụ thể và quản lỷ, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế do ngành mình và cá nhân phụ trách, đảm bảo 100% tàu, biên đội tàu luôn sẵn sàng chiến đấu cao.

Bài, ảnh: Duy Khánh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn