Học cụ Huỳnh Thúc Kháng về việc học

HQ Online -

Huỳnh Thúc Kháng không những là chí sĩ cách mạng kiên cường mà còn là một trong những nhà trí thức lỗi lạc của nước ta. Sự học của Cụ đáng để muôn đời sau noi theo.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người sáng lập kiêm chủ bút, cũng là tác giả của hàng nghìn bài báo trên Tờ  báo Tiếng dân. Ảnh: TL

Học cả trên sách vở lẫn trường đời

Là một tiến sĩ nho học nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng lại thông thạo cả chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Cụ sử dụng thành thạo chữ quốc ngữ để viết báo; sử dụng tiếng Pháp để giao tiếp với người Pháp, nghiên cứu những tác phẩm kinh điển về triết học, xã hội học... của các tác giả người nước ngoài. Điều đặc biệt là chỉ có kiến thức về nho học là cụ Huỳnh học bài bản ở trường làng, rồi trường huyện, trường tỉnh. Cụ được thọ giáo nhiều thầy danh tiếng như phó bảng Nguyễn Đình Tựu và tiến sĩ Trần Đình Phong-những người nổi tiếng từng làm Đốc học Quảng Nam, Tế tửu Quốc tử giám.

Cụ Huỳnh học chữ quốc ngữ từ khá sớm, khoảng năm 1906, đó là thời kỳ Cụ cổ xúy cho phong trào Duy tân. Cụ hé lộ trong hồi ký của mình rằng: “Năm 29 tuổi (Giáp Thìn) đỗ tiến sĩ; 31 tuổi bắt đầu học chữ quốc ngữ...”. Về tiếng Pháp Cụ bắt đầu học lúc bị đày ra Côn Đảo, cụ viết: “...Công dịch rảnh, tôi cùng Tập Xuyên lo học tập chữ Tây; ngày sau tôi có đem về cuốn Tự điển Việt Pháp của Trương Vĩnh Ký; sau có mua thêm sách giáo khoa mấy quyển. Tôi biết được một ít chữ Tây, bắt đầu từ đó”.

Khi ở Côn Đảo, nhờ có vốn chữ quốc ngữ và chữ Pháp mà Cụ được chọn vào làm thư ký trong văn phòng của Trưởng ngục. Vì thế, Cụ có điều kiện để biết thêm một số tài liệu về những bản án mà thực dân Pháp và Nam triều gán cho các nhà Duy tân, làm sáng tỏ được nhiều điều về giai đoạn lịch sử này. Cùng với đó, Cụ đã học thêm nghề làm thư ký và nghề kế toán.

13 năm sau được ra tù, cụ Huỳnh Thúc Kháng lại mày mò học nghề y để mưu sinh, phục vụ đồng bào trong vùng. Cụ cho biết: “Ngày tôi ở đảo về, chính đúng sau nạn đói và dịch. Cả huyện Tiên Phước tiều tụy quá chừng; các làng lân cận nhiều người cảm thời chứng, các danh y đều không làm gì nổi… Từ ấy trong làng xóm, người nào có bệnh ngày đêm đến gõ cửa, tôi không thể từ chối được trong việc cứu người, thành phải nghiên cứu lại nghề thuốc...”.

Cụ Huỳnh có lần thổ lộ rằng: "Tôi, một anh học trò gốc sinh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã, thô vụng, khô khan, quê kệch, gia dĩ đặc tính trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi, ngoài cái văn thơ sách vở ra, gần như không có gì gọi là "mỹ cảm". Bởi vậy, trong bạn lứa anh em đồng thời với tôi... thường có lời nhạo tôi là "lão phác" vì không biết bốn cái hứng thú mà làng văn thích ngoạn thưởng: Không biết uống rượu; Không biết chơi hoa; Không biết ngắm sắc; Không biết thưởng sơn thủy".

Qua đó, chúng ta có thể thấy việc học của cụ, kiến thức của cụ hết sức đa dạng và tất cả đều xuất phát từ lòng ham hiểu biết, từ nhu cầu của cuộc sống. Để có được những kiến thức đa dạng, để trở thành một học giả, một trí thức hàng đầu của đất nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã phải cần cù học tập và học tập suốt đời. Nhưng quan trọng nhất, có lẽ là do quan điểm của cụ đối với sự học. Quan điểm ấy từng được cụ thể hiện trên báo Tiếng Dân: “Có một câu vắn tắt mà có thể bao quát được toàn thể và công dụng của sự học là: Học để làm người!”.

Phòng truyền thống trường THCS Huỳnh Thúc Kháng ở thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.Ảnh: QN

Quan trọng nhất vẫn là học để làm người

Huỳnh Thúc Kháng là người của khoa cử, học rộng, đỗ cao nhưng cụ không coi trọng bằng cấp, không lụy vào bằng cấp. Đỗ song nguyên, cụ vẫn cương quyết không ra làm quan. Đối với cụ tấm bằng tiến sĩ nho học chỉ là để khỏi phụ lòng mong mỏi của thân phụ lúc sinh tiền chứ không phải là phương tiện để mũ cao áo dài.

Mặc dù có học vị cao, kiến thức uyên bác về nhiều mặt, cụ luôn là người khiêm tốn. Cụ luôn cho rằng trình độ của mình còn yếu. Cụ từng nghiên cứu để giới thiệu học thuyết của John Deway trên báo Tiếng Dân ngày 14-6-1930. Đây là một tác phẩm rất khó, thế nhưng Cụ bảo: “Tuy chúng tôi học bằng con mắt và bộ não nên nghe và nói tiếng Tây hay sai vận và không được lanh lẹ; song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái...”

Là một trí thức luôn ưu thời mẫn thế, cụ Huỳnh không bao giờ lảng tránh thời cuộc. Ngay khi còn trẻ, Cụ đã tham gia phong trào Duy Tân năng nổ tới mức bị chính quyền thực dân Pháp đày ra Côn Đảo suốt từ năm 1908 tới năm 1921. Thoát vòng lao lý, mặc dù nhận thức được rất rõ mối hiểm nguy của con đường đấu tranh công khai với cường quyền, Huỳnh Thúc Kháng vẫn không chịu bó tay trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, vẫn trước sau như một giữ thái độ khảng khái vì dân, vì nước. Cụ chỉ ham chuộng ánh sáng của nghĩa khí, trí tuệ và học vấn. Trong một bài đăng trên Báo "Tiếng dân", Cụ viết: "Có một câu vắn tắt mà có thể bao quát được toàn thể và công dụng của sự học là: Học để làm người!".

Cụ lý giải: "Cái học làm người này, nói về học khóa cần thiết thì người thông thường ai cũng có thể theo sức lực cùng bản năng của mình mà làm hết phận sự; mà nói đến chỗ cao điệu thì dầu thánh hiền hào kiệt cũng không ai dám tự phụ, rằng đã làm được hoàn toàn cực điểm. Bởi vì, đã làm "người" thì ai cũng là người, mà nói đến sự làm người thì rất là mênh mông mà không có hạn lượng. Trăm năm ngắn ngủi, trẻ, lớn, già, chết không cái gì mới lạ.

Song kẻ thì thánh hiền hào kiệt, kẻ thì ngu tiện dung phàm; người thì có công với nhân loại, muôn đời ai cũng hinh hương, người lại hại giống hại nòi, trăm miệng cũng đều thóa mạ. Không những thế mà thôi, làm một người về thời đại cổ, và làm một người ở thời đại nay khác nhau; làm người ở nước giàu mạnh với làm người ở nước hèn yếu khác nhau, suy ra đối với nước nhà mình và đối với nhân loại chung, nên làm người thế nào. Cảnh địa của người trăm chiều không đồng nhau thì cái cách làm người cho xứng đáng thích hợp cũng không phải cùng một cách.

    Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 140 năm Ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 - 1/10/2016), nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân  chủ Cộng hòa sẽ diễn ra ngày 1-10, tại Quảng Nam. Đây là lần đầu tiên lễ kỷ niệm ngày sinh của cụ Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức ở quy mô quốc gia. Lễ kỷ niệm là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ công lao và những cống hiến to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng với dân tộc Việt Nam, góp phần bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. 
 

Những chuyện mấy bậc vĩ nhân Đông Tây xưa nay, biết bao nhiêu điều đủ làm gương cho người sau học theo mà người nào cũng có chân tướng người nấy, mỗi người dạy cho người sau một việc; bắt chước được một việc thì dầu ai đọc thuộc trăm nghìn quyển sách cũng chẳng hơn chi.

Cái trường học để "làm người" đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho ta. "Làm người" ở đời đã khó như trên đã nói, thì "học làm người" chắc không phải chuyện dễ".

Bởi vậy mà khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội tham gia chính quyền mới, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, cụ vẫn đồng ý ra Bắc. Cụ ra không phải vì ham hố quyền chức mà chỉ để gặp mặt người yêu nước tri kỷ mà mình đã mến mộ từ lâu, đồng thời cụ nhận rõ thời điểm "quốc gia hữu sự". Cụ Huỳnh đã đồng ý làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi làm Quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang thăm nước Pháp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Năm 1947, khi kinh lý tới Quảng Ngãi, không may Cụ bị ốm và qua đời tại đó. Trước phút lâm chung, Cụ Huỳnh đã gửi điện cho Bác Hồ với những lời gan ruột: "Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết"...

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sống và làm việc cả đời cho đồng bào, cho quê hương Việt Nam. Tấm gương của nhà nho tiết tháo, thức thời và luôn tận tụy với quyền lợi của người dân ấy sẽ còn sáng soi với nhiều thế hệ hậu sinh.

Phúc Vinh (Tổng hợp)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn