Hoạt động CTĐ, CTCT góp phần làm nên chiến thắng chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn tháng 1/1979

* Trung tướng NGUYỄN VĂN BỔNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân

HQVN -

Chiến dịch đổ bộ đường biển (ĐBĐB) Tà Lơn tháng 1/1979 là chiến công xuất sắc của Hải quân nhân dân Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia. Thắng lợi của chiến dịch là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó hoạt động CTĐ, CTCT đã trực tiếp góp phần quan trọng tạo sức mạnh to lớn, trước hết là nhân tố chính trị tinh thần để bộ đội Hải quân chiến đấu giành thắng lợi.

Năm 1975, chế độ Khmer đỏ do Polpot đứng đầu đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia, lộ rõ bộ mặt phản động, hiếu chiến, tàn bạo chưa từng có trong lịch sử; sát hại, giam cầm người dân vô tội, thanh trừng dã man nhiều cán bộ cách mạng, làm cho đất nước Chùa Tháp bị tàn phá nặng nề, tiêu điều, xơ xác. Chúng chà đạp lên mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia; liều lĩnh xua quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, Phú Quốc của ta; triển khai 19 sư đoàn tiến công xâm lược dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, tàn sát hàng vạn dân thường, đốt phá nhiều làng mạc, nhà cửa, phá hoại cuộc sống hòa bình của nhân dân ta.

Trước hành động xâm lược, hiếu chiến của quân Polpot, Việt Nam buộc phải hành động để tự vệ và liên tiếp giáng cho chúng những đòn chí tử. Phối hợp với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam, nhân dân và LLVT cách mạng Cam-pu-chia dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước cũng nổi dậy mạnh mẽ; kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tích cực ủng hộ và giúp đỡ.

Tàu HQ-01, HQ-03 Hạm đội 171 (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2) bắn yểm trợ để các lực lượng đổ bộ lên đảo Koh Kong sáng 16/1/1979. Ảnh: TL

Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, với quan điểm “Giúp bạn là tự giúp mình”, đồng thời để tiêu diệt tận gốc mầm họa xâm lăng, chấp hành chỉ thị của Đảng và Chính phủ, các đơn vị tình nguyện của Quân đội ta đã kề vai sát cánh với LLVT cách mạng Cam-pu-chia chiến đấu, Quân chủng Hải quân (QCHQ) được lệnh “Tăng cường chuẩn bị SSCĐ, khi thời cơ đến, theo yêu cầu của bạn sẽ mở cuộc phản công và tiến công chiến lược cùng các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các LLVT cách mạng Cam-pu-chia tiêu diệt LLVT của bọn Polpot, cứu dân tộc Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng...”. Ngày 22/12/1978, QCHQ được Bộ Quốc phòng giao đảm nhiệm một hướng chiến dịch quan trọng: Đổ bộ đánh chiếm cảng Kompong Som và quân cảng Ream; giải phóng Kompong Som, Koh Kong, vùng biển đảo từ Kompong Som đến Koh Kong; tiêu diệt Sư đoàn 164 hải quân và Trung đoàn 17 biên phòng địch; truy quét tàn quân địch, thu kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật, giải phóng nhân dân, mở rộng phạm vi hoạt động trong vùng kiểm soát của ta.

Thực hiện nhiệm vụ trên giao, QCHQ quyết định mở chiến dịch đổ bộ đường biển (ĐBĐB) Tà Lơn, đánh chiếm cảng Kompong Som, quân cảng Ream, tiêu diệt địch phòng thủ trong khu vực, làm chủ vùng biển và ven biển, cắt đứt con đường huyết mạch, tạo điều kiện phát triển chiến đấu thuận lợi, giúp quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia tiến công giải phóng hoàn toàn đất nước Chùa tháp.

Bãi biển Tà Lơn nằm dưới chân núi Tà Lơn thuộc tỉnh Kampot, Cam-pu-chia, ở phía Bắc đảo Phú Quốc của Việt Nam, cách thị xã Kampot khoảng 20km về phía Đông, cách cảng Kompong Som khoảng 90km về phía Tây. Là bãi biển duy nhất trong khu vực có chiều dài khoảng 300m và độ sâu thích hợp cho ta đổ bộ lực lượng đến cấp tiểu đoàn. Mặt khác, khu vực này địch bố trí phòng thủ sơ hở, khá thuận lợi cho ta đổ quân đánh chiếm đầu cầu, mở rộng bãi đổ bộ và phát triển tiến công tiếp theo trên bộ.

Đội hình tàu đổ bộ giải phóng Koh Kong ngày 16/1/1979. Ảnh: TL

Trong chiến dịch ĐBĐB Tà Lơn, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo, tiến hành toàn diện hoạt động CTĐ, CTCT, trong đó tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; công tác kiện toàn, củng cố tổ chức; công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chính sách trong chiến đấu; công tác vận động quần chúng, địch vận, giúp bạn phát triển lực lượng, góp phần quan trọng tạo sức mạnh to lớn, trước hết là về chính trị tinh thần để bộ đội Hải quân chiến đấu giành thắng lợi.

Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quán triệt, nắm vững tư tưởng chỉ đạo của trên; tập trung lãnh đạo, xây dựng quyết tâm, huy động cao nhất lực lượng, phương tiện để mở chiến dịch, kịp thời ra chỉ thị về CTĐ, CTCT, trong đó nêu rõ: Chiến dịch phải được chuẩn bị thật tốt, chiến thắng nhanh gọn, bảo đảm giành thắng lợi cả về quân sự và chính trị. Đây là cơ sở để cấp ủy, chỉ huy các đơn vị xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến, kế hoạch CTĐ, CTCT, chuẩn bị và thực hành tác chiến thắng lợi.

Trong từng giai đoạn tác chiến, cấp ủy, chi bộ, chỉ huy các đơn vị, nhất là ở các tiểu đoàn, đại đội, hải đội, tàu của Vùng 5, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 126, Hạm đội 171 Hải quân... đã chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy bộ đội phát huy sức mạnh, độc lập và hiệp đồng chiến đấu thắng lợi. Đặc biệt, giai đoạn đổ quân lên bờ và phát triển chiến đấu trên bộ hết sức gian khổ, phức tạp, có đổ máu, hy sinh, nhưng các cấp ủy, chi bộ vẫn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lãnh đạo, chỉ đạo phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể và vai trò quyết đoán của người chỉ huy trong xử trí các tình huống, đánh bại quân địch, hạn chế tổn thất, giành quyền làm chủ chiến trường.

Thứ hai, về công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, QCHQ tổ chức các lớp học tập, giáo dục, sinh hoạt chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trên hướng biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia; vạch trần bản chất phản động, xâm lược, hiếu chiến, tàn bạo của Khmer đỏ; khơi dậy lòng căm thù sâu sắc tập đoàn diệt chủng Polpot về những tội ác dã man mà chúng gây ra cho đồng bào và chiến sĩ ta.

Quá trình chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tăng cường lãnh đạo, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong đơn vị; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên bộ đội giữ vững quyết tâm chiến đấu và niềm tin chiến thắng; chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường; đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn, kiên quyết đổ bộ tiến công tiêu diệt địch, làm tan rã hoàn toàn lực lượng phòng thủ bờ biển của địch, bảo vệ vùng biển, đảo của ta, giải phóng toàn bộ vùng biển và ven biển Đông Nam nước bạn, trong đó có hai mục tiêu chủ yếu là Kompong Som và Ream.

Thứ ba, về công tác kiện toàn, củng cố tổ chức. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch thông qua Sở Chỉ huy tiền phương ở phía Nam với vai trò là Bộ Tư lệnh chiến dịch, do Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Hoàng Hữu Thái và Phó Chính ủy Võ Huy Phúc trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy. Ở từng cấp, việc củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng luôn gắn liền với kiện toàn tổ chức chỉ huy, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ, duy trì số lượng đảng viên ở các tàu lớn có từ 8 - 14 đồng chí; hầu hết các đại đội hải quân đánh bộ, bộ binh và tàu 100 tấn trở lên đều có chi bộ lãnh đạo. Chủ động, kịp thời điều chỉnh, sắp xếp bảo đảm đủ số lượng cán bộ, chỉ huy theo biên chế chiến đấu. Đội ngũ cán bộ các cấp luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, chấp hành nghiêm kỷ luật, phục tùng lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ.

Ngoài ra, QCHQ còn chỉ đạo cơ quan chức năng và các đơn vị kiện toàn đầy đủ tổ chức đoàn và hội đồng quân nhân; tăng cường giáo dục bộ đội và đoàn viên, thanh niên về tình hình nhiệm vụ, phát huy vai trò xung kích trong thực hiện nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ thị, mệnh lệnh, quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy; phát động và tổ chức cho 100% đoàn viên, thanh niên đăng ký phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dũng cảm, khắc phục khó khăn, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu quên mình cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Huấn luyện hiệp đồng đổ bộ ở Vùng 4 Hải quân. Ảnh: PV

Thứ tư, về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và chính sách trong chiến đấu. Trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch, cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị các cấp đã tăng cường giáo dục, phổ biến, quán triệt các quy định phòng gian, giữ bí mật ý định, nhiệm vụ, khu vực, hướng đổ bộ, mục tiêu tiến công, bảo đảm an toàn cho các lực lượng của ta. Tổ chức rà soát, quản lý chặt chẽ chất lượng chính trị tất cả các lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những biểu hiện tư tưởng lệch lạc; chủ động phòng ngừa, không để địch móc nối, cài cắm. Phối hợp với các cơ quan chức năng làm sạch địa bàn tập kết lực lượng, phương tiện, nhất là ở khu vực Phú Quốc và cảng Kompong Som.

Các đơn vị đều có kế hoạch, phương án giải quyết thương binh, tử sĩ theo đặc điểm, tính chất hoạt động của từng lực lượng; bố trí các đầu cầu phía trước, phía sau, các tuyến cấp cứu, cứu vớt, tải thương trên bộ, trên biển hợp lý. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch, QCHQ khẩn trương rà soát, báo cáo trên giải quyết chế độ, chính sách cho các quân nhân hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trên đất bạn, nhất là đối với gần 400 đồng chí là thương binh, liệt sĩ; đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng cho 5 tập thể; tặng, truy tặng huân chương các loại cho 79 tập thể, 470 cá nhân; qua đó đã tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, ý chí của bộ đội, tiếp tục động viên các lực lượng tham gia bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn liên tục 10 năm sau đó.

Thứ năm, về công tác vận động quần chúng, địch vận, giúp bạn phát triển lực lượng. Để bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi cả về quân sự và chính trị, QCHQ đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương Phú Quốc, Thổ Chu... huy động hàng chục tàu thuyền dân sự, hàng trăm dân công tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lực lượng dân quân và thuyền gắn máy đã chở quân đổ bộ ở hướng thứ yếu và tiếp quản các đảo mới giải phóng hoặc đánh bắt cá cung cấp cho bộ đội; tham gia vận chuyển tiếp tế để các lực lượng ta có điều kiện chiến đấu liên tục ở tuyến trước. Các đơn vị đã kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, tác chiến với địch vận để gọi hàng, bắt tù hàng binh; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Cam-pu-chia, chính sách khoan hồng đối với những người lầm đường, lạc lối quay trở về với cách mạng.

Với phương châm lấy thắng lợi chính trị làm cơ sở tạo ra thắng lợi quân sự, giải phóng đến đâu, bộ đội Hải quân giúp bạn xây dựng, củng cố chính quyền mới và phát triển lực lượng, bảo vệ thành quả cách mạng đến đó nên được bạn rất tin tưởng. Ta còn vận động, giúp nhân dân vùng giải phóng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, sớm ổn định cuộc sống. Qua chiến đấu và công tác giúp bạn, bộ đội Hải quân ngày càng trưởng thành, rèn luyện thêm một bước về lập trường, bản chất cách mạng, trình độ chiến đấu...

Chiến dịch ĐBĐB Tà Lơn là chiến công xuất sắc của QCHQ, trong đó hoạt động CTĐ, CTCT đã phát huy tốt vai trò và hiệu quả, là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi của Chiến dịch; khẳng định sự rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý trí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí, sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 45 năm đã qua, nhưng những kết quả và kinh nghiệm tiến hành CTĐ, CTCT trong chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, góp phần xây dựng nhân tố chính trị tinh thần cho bộ đội Hải quân trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn