Lữ đoàn 101 tiếp nối truyền thống 45 năm chiến thắng chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn

*Đại tá Phạm Duy Hướng, Chính uỷ Lữ đoàn 101

HQ Online -

Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1/1979) là chiến công xuất sắc của Bộ đội Hải quân, biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia.

Thắng lợi của chiến dịch này đã góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, biển đảo Tây Nam của Tổ quốc, tăng cường thế và lực để quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ.

Sau năm 1975, tập đoàn Pol Pot ở Cam-pu-chia ngày càng lộ rõ bộ mặt phản động, tàn bạo cả về đối nội, đối ngoại. Từ tháng 6/1978, chúng đẩy mạnh chiến tranh xâm lấn và chuyển sang thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược với mức độ quyết liệt, quy mô nhiều sư đoàn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, tàn sát hàng nghìn dân thường, đốt phá nhiều làng mạc, phá hoại cuộc sống hòa bình của nhân dân ta.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 101 xuống tàu chuẩn bị hành quân tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam năm 1979. Ảnh TL

Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và đáp lại lời kêu gọi tha thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, trên tinh thần quốc tế trong sáng, quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình”, cuối tháng 12/1978, ta tổ chức phản công ở biên giới Tây Nam, nhằm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của quân Pol Pot-Ieng Sary đồng thời giúp nhân dân Cam-pu-chia đập tan bộ máy cai trị độc tài phát xít của chúng, giải phóng đất nước thoát khỏi họa diệt chủng.

Nằm trong tổng thể hoạt động tác chiến đó, ngày 22/12/1978, Quân chủng Hải quân được giao đảm nhiệm một hướng chiến dịch quan trọng-tổ chức đổ bộ đường biển lên bãi biển Tà Lơn, tiêu diệt, kìm giữ lực lượng phòng thủ bờ biển của địch, bảo vệ bên sườn và phối hợp với bộ đội binh chủng hợp thành tác chiến trên hướng ven biển, đảm trách mũi tiến công đánh chiếm cảng Công Pông Xom, quân cảng Ream, làm chủ vùng biển và ven biển, cắt đứt con đường huyết mạch chia cắt Đông Nam Cam-pu-chia.

Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 là đơn vị vinh dự được trực tiếp tham gia các trận đánh của chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn. Lực lượng tham gia của Lữ đoàn 101 gồm Tiểu đoàn 863, Tiểu đoàn 864, Tiểu đoàn 865, Tiểu đoàn 866, Tiểu đoàn 867, Tiểu đoàn 868, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng của Quân chủng đổ bộ đánh chiếm bãi Tà Lơn, đánh chiếm cảng Công Pông Xom, chốt giữ cầu số 6, số 8, ngã ba Ream.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 101 tham gia diễn tập hiệp đồng

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ cấp trên giao, Đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, xây dựng nhân tố chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho mọi cán bộ, chiến sĩ, làm tốt mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ. Sau 5 ngày hiệp đồng và độc lập chiến đấu, phát huy truyền thống Đoàn kết -  kiên định - bất khuất - chiến thắng” cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 101 đã nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, vượt qua khó khăn, ác liệt, dũng cảm chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng các lực lượng của Quân chủng Hải quân hoàn thành thắng lợi mục tiêu đánh chiếm bãi Tà Lơn, giải phóng cảng Công Pông Xom và cảng Ream, tạo điều kiện cho các lực lượng khác phát triển chiến đấu và giúp bạn phát triển lực lượng.

Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn thắng lợi, ta đã đánh bại Sư đoàn 164 Hải quân, Trung đoàn 17 Biên phòng và lực lượng địch phòng thủ trong khu vực; tiêu diệt, bắt sống hơn 2.900 tên; bắn chìm, bắn cháy, phá hủy gần 70 tàu thuyền, làm tan rã cơ bản lực lượng hải quân địch; giải phóng toàn bộ vùng biển, đảo và duyên hải Đông Nam Cam-pu-chia từ Tà Lơn đến quân cảng Ream, kéo sang phía Tây Công Pông Xom, với chiều dài gần 100km, sâu 30-40km.

Chiến dịch đổ bộ đường biển lên bãi biển Tà Lơn có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về tổ chức, chuẩn bị và thực hành tác chiến trên biển. Thắng lợi đó là kết quả của việc vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng trên chiến trường biển đảo; thể hiện tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng, đoàn kết chiến đấu chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia. Trong đó, Tiểu đoàn 863 của Lữ đoàn 101 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Từ những bài học quý báu trong chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, để xây dựng Lữ đoàn 101 vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, cần tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:

Một là: Giáo dục, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, xây dựng và giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị của Lữ đoàn, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, nhất là nhiệm vụ tác chiến đổ bộ đường biển là loại hình tác chiến diễn ra trong điều kiện phức tạp, khó khăn, gian khổ, ác liệt, ảnh hưởng tới chính trị, tinh thần của bộ đội.

Lữ đoàn tập trung giáo dục, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cao, đạo đức cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới. Coi trọng giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu; thống nhất về tư tưởng, củng cố vững chắc niềm tin chiến thắng của bộ đội về nghệ thuật quân sự, cách đánh của ta, về giá trị cốt lõi của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của chiến dịch Tà Lơn; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Huấn luyện hiệp đồng đổ bộ đường không đường không ở Lữ đoàn 101

Hai là: Thường xuyên quán triệt phương châm, quan điểm, nguyên tắc trong huấn luyện; nâng cao trình độ huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện thể lực, sức khoẻ, khả năng chịu đựng sóng gió cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu cao, khắc nhiệt trong môi trường tác chiến biển đảo. Huấn luyện sát với đối tượng tác chiến, sát chiến trường, coi trọng huấn luyện đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh, trình độ chỉ huy, năng lực hiệp đồng tác chiến, xử trí tình huống trong chiến đấu. Tổ chức huấn luyện hiệp đồng đổ bộ, huấn luyện dã ngoại, diễn tập để tích luỹ kinh nghiệm khi có tình huống tác chiến xảy ra.

Ba là: Tập trung xây dựng Lữ đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp; giáo dục cho mọi quân nhân chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống.

Bốn là: Chăm lo, xây dựng các tổ đảng, tổ chức chỉ huy, các tổ chức quần chúng thực sự trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Làm tốt công tác bảo đảm hậu cần – kỹ thuật, đặc biệt là chú trọng bảo đảm trong huấn luyện đổ bộ, huấn luyện hiệp đồng, huấn luyện dã ngoại, tạo cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng huấn luyện đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, SSCĐ trong mọi tình huống.

Năm là: Quan tâm chăm lo bảo đảm tốt chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ và chính sách hậu phương quân đội. Làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đóng quân trong tình hình mới; thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh chính trị, tình hình địa bàn; phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng môi trường sinh hoạt, công tác trong Lữ đoàn dân chủ, lành mạnh, an toàn tuyệt đối.

Phát huy truyền thống 45 năm chiến thắng chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn và truyền thống “Đoàn kết - kiên định - bất khuất- chiến thắng” của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 101 quyết tâm xây dựng Đảng bộ TSVM, đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu, mài sắc ý chí chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn