Hệ thống tên lửa chống ngầm ASROC

HQVN -

Vũ khí chống ngầm chủ lực của Hải quân Mỹ và một số nước đồng minh trong NATO, Hàn Quốc, Thái Lan... là tên lửa chống ngầm RUM-139 ASROC. Trong đó, RUM là ký hiệu tên lửa chống ngầm bố trí và triển khai từ tàu mặt nước, còn ASROC, viết tắt của cụm từ AntiSubmarine Rocket (tên lửa không điều khiển chống ngầm).

RUM-139 ASROC là một thành phần của hệ thống chống ngầm gồm: Đạn tên lửa, hệ thống máy tính phần tử bắn và các trạm sonar trên tàu.  Các tàu khu trục/tuần dương của Mỹ có hệ thống chỉ huy hỏa lực chống ngầm (SQQ-89), theo thông số của hệ thống này các tên lửa RUM-139 được phóng từ bệ phóng thẳng đứng Mk-41. Sau khi được phóng đi, tên lửa sẽ không có bất kỳ liên hệ nào với tàu bắn nữa (phóng và quên). Việc tìm và tiêu diệt mục tiêu (tàu ngầm) được tiến hành nhờ cấu tạo đặc biệt của quả tên lửa chống ngầm RUM-139. 

Về cấu tạo RUM-139 là loại tên lửa không có điều khiển, quả đạn này trở thành tên lửa chống ngầm (có điều khiển) nhờ đầu đạn của nó là một quả ngư lôi chống ngầm cỡ 324mm/12.75inches Mk-46/54. Vì vậy, phần “tên lửa” của RUM-139, là một động cơ tên lửa có nhiệm vụ mang quả ngư lôi này đến điểm định trước; theo thông số từ hệ thống điều khiển hỏa lực chống ngầm, kích hoạt hệ thống ngắt ngư lôi ra, bung dù để ngư lôi rơi theo quán tính với tốc độ chậm, giúp cho nó lặn xuống nước với tốc độ êm nhất, ít gây ra sự chú ý nhất có thể. Sau đó, ngư lôi Mk46/54 sẽ kích hoạt động cơ, đầu tự dẫn thủy âm để phát hiện, bám sát và tiêu diệt tàu ngầm mục tiêu.

Một tên lửa RUM-139 ASROC được phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41 trên tàu khu trục Mỹ

 

Kết cấu của ASROC RUM-139 và bố trí trong bệ phóng Mk-41

 

Quả ngư lôi Mk-46 hạ cánh bằng dù trước khi lặn xuống nước

RUM-139 trở nên thành công là nhờ người Mỹ đã sử dụng ngay những quả ngư lôi 324mm rất phổ biến trong Hải quân Mỹ là Mk-46/54 làm đầu đạn. Về tổng thể tên lửa RUM-139 vẫn rất “gọn gàng”. Tên lửa có 2 bộ phận chính: Ngư lôi và động cơ tên lửa. Để liên kết 2 bộ phận chính, nắp rẽ dòng chụp vào đầu ngư lôi, 2 tấm ốp cùng các phụ kiện để kết nối thân ngư lôi với thân động cơ tên lửa. Trong không gian giữa quả ngư lôi và động cơ tên lửa bao bởi các tấm ốp, có bố trí các cơ cấu, bộ phận dù hãm và các bộ phận định thời gian bay, thời gian tách, thời gian bung dù...).

Toàn bộ quả tên lửa này được đặt trong một ngăn phóng và đưa vào trong bệ phóng thẳng đứng Mk-41. Động cơ tên lửa điều khiển được véc tơ lực đẩy giúp cho khi tên lửa phóng lên thẳng đứng nó có thể xoay ra để bay theo quỹ đạo định trước. Khi đến điểm dự định, cơ cấu tách sẽ tách ngư lôi ra và bung dù để nó hạ cánh và lặn xuống nước, tìm và tiêu diệt tàu ngầm.

Một vài thông số chính của tên lửa RUM-139 ASROC:

Chiều dài: 5,1m; đường kính: 358mm; trọng lượng: 748kg.

Loại động cơ tên lửa: thuốc phóng rắn.

Cự ly bay xa nhất: 22km.

Đầu đạn: ngư lôi Mk-46, loại ngư lôi chống ngầm (hàng không/tàu mặt nước).

Kích thước đường kính 324mm; chiều dài: 2,59m; trọng lượng: 238kg.

Cự ly đi xa nhất 11km; tốc độ cao nhất: 40 hải lý/giờ.

Đầu tự dẫn thủy âm: chủ động/thụ động.

Quỹ đạo tìm kiếm mục tiêu: rắn lượn hoặc lượn vòng.

Minh Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn