Tên lửa chống ngầm Vodopad-NK
HQVN -
Vodopad-NK (Водопад-НКÂ) nguyên bản là một loại vũ khí tên lửa trên tàu ngầm dùng để chống ngầm do Phòng thiết kế Novator, Nga phát triển thành công và đưa vào trang bị trong Hải quân Liên Xô từ cuối những năm 1960. Tên lửa Vodopad cũng là một thành phần của tổ hợp vũ khí có tên mã là RPK-6. Đến những năm 1980, RPK-6 được tiếp tục phát triển, trang bị cho tàu mặt nước. Vì vậy, nó mới có tên Vodopad-NK (tiếng Nga NK là viết tắt của tàu mặt nước (НК-Надводный Корабль).
So với tổ hợp tên lửa chống ngầm khác của Liên Xô là Metel/Rastrub thì Vodopad hoàn toàn khác biệt, cụ thể: Thứ nhất, vì là vũ khí tàu ngầm triển khai từ ống phóng ngư lôi nên Vodopad có kích thước gọn gàng hơn: đường kính chỉ 533mm, chiều dài 8,2m tương đương với một quả ngư lôi 533mm. Thứ hai, đầu đạn của quả tên lửa này cũng là một quả ngư lôi chống ngầm nhưng khác ở chỗ nó nằm đồng trục và ở phía trước động cơ tên lửa, quả ngư lôi này là UGMT-1 có đường kích 400mm, nhỏ hơn tên lửa một chút. Thứ ba, Vodopad-NK hoạt động theo nguyên lý “ném thia lia” tức là khi bắn ra khỏi ống phóng ngư lôi nó sẽ lặn xuống nước trước, sau đó bay lên không trung, hướng đến điểm chiến đấu; sau đó sẽ thả đầu đạn của mình xuống, quả đạn này sẽ bung dù, hạ cánh và lại lặn xuống nước để tự động tìm kiếm, phát hiện, công kích, phá hủy tàu ngầm địch. Thứ tư, quả tên lửa này không phải là tên lửa hành trình mà là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Tên lửa chống ngầm Vodapad-NK
Tên lửa Vodopad-NK phóng ra từ ống phóng ngư lôi
Tên lửa Vodopad-NK bay lên khỏi mặt nước
Đạn tên lửa Vodopad-NK có ký hiệu là 83RN, động cơ nhiên liệu rắn, 2 chế độ làm việc: phóng và hành trình; tức là động cơ của loại tên lửa này vừa là động cơ phóng vừa là động cơ hành trình, điểm đặc biệt của động cơ này là hoạt động được ngay cả trong môi trường nước. Tên lửa có 4 cánh lái loại lưới (giống tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U), bình thường cánh lái gập lại ở phía đáy (sau) tên lửa. Hệ thống điều khiển quán tính, trước khi phóng hệ thống điều khiển hỏa lực chống ngầm sẽ truyền số liệu lên tên lửa trong ống phóng ngư lôi. Sau lệnh phóng, tên lửa lao ra khỏi ống ngư lôi, duỗi cánh lái và lặn xuống nước theo quán tính, sau đó nó nổi lên cách tàu bắn một khoảng cách an toàn. Khi đầu đạn chạm mặt nước, động cơ tên lửa bắt đầu hoạt động ở chế độ phóng đưa tên lửa bay lên. Sau khi tên lửa lên khỏi mặt nước, động cơ chuyển sang chế độ hành trình trong vòng vài giây, tiếp theo nó bay theo quỹ đạo đạn đạo, sử dụng hệ điều khiển quán tính và các cánh lái để định hướng bay đến điểm thả ngư lôi chống ngầm ở khoảng cách lớn nhất lên đến 50km tính từ tàu bắn.
Đầu đạn của tên lửa Vodopad-NK là một quả ngư lôi chống ngầm 400mm UGMT-1, chiều dài 3,4m, trọng lượng 700kg, đầu đạn/phần chiến đấu 60kg. Sử dụng pin Bạc-Magnhe kích hoạt bằng nước biển, động cơ điện quay một động cơ phản lực nước, đưa ngư lôi chuyển động trong nước ở tốc độ cao nhất lên đến 41M/h, ngư lôi có tầm đi xa nhất 8km, hệ thống điều khiển âm thanh chủ động-thụ động, bán kính nhạy cảm/hoạt động 1,5km. Quả ngư lôi này sẽ lượn vòng để tìm kiếm mục tiêu, nếu không tìm được nó sẽ tiếp tục lượn vòng cho đến khi hết điện, nếu tìm được mục tiêu nó sẽ mở hết tốc độ lao vào tiêu diệt mục tiêu. Hiện nay, tên lửa Vodopad-NK đang được sử dụng trên các loại tàu khu trục/hộ vệ chống ngầm của Hải quân Nga và là loại vũ khí rất hiệu quả.
Nghiên cứu về tổ hợp tên lửa chống ngầm Vodopad-NK (RPK-6), ta thấy người Nga thực sự rất sáng tạo với nguyên lý “ném thia lia” để biến một quả tên lửa đạn đạo thành một quả tên lửa-ngư lôi chống ngầm hiệu quả cho hải quân của mình.
Minh Ngọc
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn