Hệ thống phòng vệ chống ngư lôi UDAP-1M

HQVN -

UDAP-1M là một hệ thống vũ khí phản lực làm nhiệm vụ phòng vệ chống ngư lôi cho tàu mặt nước. Đây là phiên bản cải tiến của UDAP-1, một hệ thống vũ khí phản lực chống ngư lôi đầu tiên trên thế giới, được trang bị cho các tàu khu trục và tuần dương của Hải quân Liên Xô (trước đây) từ những năm 1970.

UDAP-1M được Hải quân Nga chính thức đưa vào trang bị từ năm 2001, hiện chúng đang làm nhiệm vụ phòng vệ chống ngư lôi trên các tàu khu trục chống ngầm và tuần dương nguyên tử của lực lượng hải quân. 

Phòng vệ chống ngư lôi là một nhiệm vụ phức tạp, nhất là khi đã phát hiện được ngư lôi đang lao về phía tàu mình. Lúc này chỉ còn cách hoặc là đánh lừa, lôi kéo ngư lôi sang hướng khác hoặc là tìm cách tiêu diệt quả ngư lôi. Đây chính là nguyên lý đứng sau việc thiết kế và sử dụng UDAP-1M. Các nhà khoa học Liên Xô/Nga đã tìm cách giải quyết nhiệm vụ đó bằng việc vận dụng thiết kế của hệ thống vũ khí bom phóng phản lực (RBU) chống ngầm vào thiết kế và chế tạo một hệ thống vũ khí RBU chống ngư lôi (vì vậy UDAP-1M còn có tên gọi khác là RBU-12000). Hệ thống UDAP-1M/RBU-12000 có khả năng tạo ra một vùng phòng vệ chống ngư lôi 3 lớp. Cấu tạo và sử dụng UDAP-1M như sau:

Về thành phần cấu tạo UDAP-1M gồm: Giàn phóng KT-153M/RBU-12000. Cơ cấu truyền-nạp đạn 111UPM (bố trí dưới boong lắp giàn phóng). Hệ thống điều khiển hỏa lực có tên 111PM. Đạn cho hệ thống UDAP-1M gồm 2 loại đạn phản lực 300mm: 111CO2-mồi bẫy ngư lôi và 111CZG-ngăn chặn và tiêu diệt ngư lôi.

Giàn phóng KT-153M/RBU-12000 trên tàu tuần dương Kuznetsov 

Đạn phản lực 300mm 111CZG (trên) và 111 CO2 

Trong sử dụng chiến đấu UDAP-1M, theo thông số của hệ thống chống ngầm, giàn phóng KT-153M sẽ phóng ra một loạt đạn có công dụng khác nhau. Trước hết, nó sẽ phóng ra 2 đạn loại 111CO2 sau khi xuống nước, mỗi quả đạn sẽ giải phóng ra 2 mồi bẫy thủy âm tự di chuyển để làm nhiệm vụ thu hút đầu tự dẫn của ngư lôi. Nếu ngư lôi bị thu hút bởi 1 trong 4 mồi bẫy này nó sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo và đi theo mồi bẫy cho đến khi hết điện. Đây là lớp phòng vệ thứ nhất, cự ly từ 700-3.000m tính từ tàu bắn và đó cũng là cự ly bắn của loại đạn 111CO2.

Nếu ngư lôi lọt qua lớp phòng vệ thứ nhất, nó sẽ đi vào vùng hoạt động của lớp phòng vệ thứ 2 được tạo ra bởi các quả đạn 111CZG hoạt động ở chế độ “chướng ngại”, lúc này đang trôi nổi tạo thành một màn quả thủy lôi trôi trên đường đi của ngư lôi. Khi ngư lôi đi vào nó sẽ gây nổ những quả đạn này và bị tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa. Nếu quả ngư lôi này vẫn lọt qua lớp thứ 2 thì sẽ có lớp thứ 3 chờ nó. Lớp phòng vệ thứ 3 này vẫn được tạo thành bởi những quả đạn 111CGZ lúc này hoạt động ở chế độ “bom chìm”, được phóng ra từ giàn phòng KT-153M và phát nổ ở các độ sâu khác nhau trên đường đi của ngư lôi. Tầm bắn của quả đạn 111CZG là từ 100 đến 2.000m.

Giàn phóng KT-153M có 10 ống phóng 300mm, được trang bị hệ thống dẫn động và điều khiển hỏa lực tự động. Nó có thể tiến hành phóng đơn hoặc phóng loạt. Giàn phóng có khối lượng 6.200kg. Hệ thống truyền-nạp đạn cho giàn phóng có thể trong vòng 52-72s nạp đủ 10 quả đạn cho giàn phóng. Trên băng chuyền của hệ thống truyền-nạp đạn có thể chứa được 21/31/41 quả đạn. Hệ thống UDAP-1M/RBU-12000 trong một loạt phóng đảm bảo được xác suất tiêu diệt ngư lôi khá cao, trong đó đối với ngư lôi đi thẳng xác suất tiêu diệt là 0,9 và ngư lôi tự dẫn là 0,76.

UDAP-1M/RBU-12000 là một hệ thống phòng vệ chống ngư lôi đảm bảo được xác suất tiêu diệt mục tiêu khá cao trong một loạt đạn; mỗi loạt đạn cũng tạo ra được đồng thời 3 lớp phòng vệ. Thời gian nạp đạn lại cho giàn phóng khá nhanh đảm bảo cho hệ thống có thể đối phó hiệu quả với loạt ngư lôi bắn vào tàu mình. Đây là lý do hiện nay hệ thống vũ khí này vẫn được tin cậy bố trí trên các tàu chiến lớn của Hải quân Nga.

Minh Ngọc

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn