Trinh sát thủy lôi bằng tia la de

HQVN -

Trong tác chiến chống thủy lôi, việc khó nhất chính là làm sao phát hiện ra loại chướng ngại nguy hiểm này để phá hủy hoặc vòng tránh. Đặc biệt, phải phát hiện ra chúng nhanh nhất có thể, trong một khu vực biển rộng lớn với nhiều loại chất đáy khác nhau, trong những điều kiện khí tượng, thủy văn không thuận lợi cho hoạt động trinh sát thủy lôi.

Nói chung, sóng ánh sáng (bước sóng nano mét) là trường vật lý thường được sử dụng để trinh sát thủy lôi. Để ít bị phụ thuộc vào độ trong nước biển và điều kiện thời tiết, thủy văn thì người ta sẽ sử dụng tia la de cho việc này. Hải quân Mỹ ngay từ những năm 2000 đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo một hệ thống trinh sát thủy lôi bằng tia la de.

 Kết quả là vào năm 2012, họ đã kết thúc giai đoạn áp dụng thử nghiệm và đánh giá kết quả phát triển của Hệ thống hàng không trinh sát thủy lôi (ALMDS - Airborne La de Mine Detection System) có tên AN/AES-1.

Đây là hệ thống trinh sát hàng không bố trí trên trực thăng loại MH-60S (Night Hawk), dưới dạng một container/thùng lắp dưới giá treo tiêu chuẩn của loại trực thăng này. Hiện nay, loại trang bị này cũng đang được nghiên cứu để lắp đặt và sử dụng trên các loại máy bay chống ngầm như P-3C Orion và P-8 Poseidon và các loại UAV hải quân khác.

 

Trinh sát thủy lôi bằng hệ thống AN/AES-1

Tia la de có thể đi xuyên nước biển là điều đã rõ, xuyên sâu bao nhiêu và bước sóng nào thì phải nghiên cứu rất kỹ. Hệ thống trinh sát thủy lôi AN/AES-1 sử dụng tia la de 532 nano mét (ŋm), tần số quét 100Hz, đảm bảo độ phân giải rất cao lên đến 1,25cm trên màn hình hiển thị 3D của trắc thủ và theo đó xác suất phát hiện được thủy lôi cũng rất cao.

Về cấu tạo, thùng trinh sát thủy lôi hàng không AN/AES-1 có hình trụ tròn dài 2,72m, đường kính 533mm, nặng khoảng 380kg, bên trong bố trí: phía đầu là hệ thống bảo đảm, phía sau là khoang bố trí: các khối điện tử, hệ thống làm kín và bơm hơi, khối phát la de, khối thu la de (gồm 4 camera), khối nguồn và điều khiển. Bản thân khối thu-phát la de là một loại LIDAR (Light Detector And Range-Hệ thống phát hiện và định vị bằng ánh sáng), có nguyên lý hoạt động như ra đa tức là phát ra tia ánh sáng (tần số la de), thu tia la de phản hồi, so sánh tia phát và tia thu để phát hiện vật  cản (mục tiêu) và xác định khoảng cách đến vật cản đó. Tia la de của AN/AES-1 được sinh ra từ súng la de loại Ytri-Nhôm (Y-Al) với phụ gia là chất Neodym (Nd), là một bộ phát thể rắn phát ra tia la de hoạt động tốt ở môi trường biển.

Trong trinh sát thủy lôi, trực thăng MS-60S mang thùng trinh sát AN/AES-1 sẽ bay quét mặt biển theo những hình dạng đảm bảo quan sát kín diện tích được giao. Lý do là thùng trinh sát AN/AES-1 không được trang bị hệ thống quét cơ điện hay điện tử; vì vậy, trực thăng phải làm nhiệm vụ của bộ quét này. Khi này LIDAR của AN/AES-1 sẽ phát và thu tia la de từ lòng biển phản hồi về, căn cứ vào đó các hệ thống điện tử sẽ xây dựng một dạng hình ảnh 3D (3 tọa độ) của khu vực biển có chiều sâu tại đó thể hiện toàn bộ mặt biển  để tìm thủy lôi trôi; lòng biển tìm thủy lôi neo (nếu nó ở độ sâu khoảng 15m); địa hình, chất đáy trong đó có hình ảnh của thủy lôi đáy (nếu có), các hình ảnh đó rất rõ nét; đồng thời trong phần mềm điều khiển AN/AES-1 cũng có thuật toán phân biệt loại thủy lôi, cũng như kết nối với hệ thống định vị, cho ra được bản đồ định vị chính xác thủy lôi với tọa độ địa lý và độ sâu cụ thể của mỗi mục tiêu.

Như vậy, việc khẳng định mục tiêu có phải là thủy lôi hay không còn phụ thuộc vào trình độ của trắc thủ sử dụng nhưng hệ thống hàng không trinh sát thủy lôi AN/AES-1 vẫn đảm bảo cho lực lượng sử dụng nó có thể trinh sát thủy lôi mà không cần tiếp xúc với mặt biển trong một thời gian ngắn, mang tính chiến thuật, có thể xây dựng được bản đồ 3D một vùng biển cần quan tâm, xác định được nguy cơ thủy lôi (nếu có), căn cứ vào đó để có thể vòng tránh hoặc phục vụ rà quét khi cần, và đặc biệt dạng trinh sát không tiếp xúc này còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Minh Ngọc

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn