Hang Vua- “Căn cứ địa” của Bộ Tư lệnh Hải quân

HQVN -

Xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, nơi có hang Vua-địa điểm đóng quân của Bộ Tư lệnh Hải quân (1965-1973) trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hằng năm, cùng với Lễ hội đền Hùng vào ngày mùng 10-3 âm lịch là hội hang Vua ở xã Minh Tân để nhân dân địa phương và du khách đến thắp hương, tham quan thắng cảnh.

Từ dấu ấn lịch sử

Hang Vua gắn liền với tích truyền về một sự kiện lịch sử tự hào của người dân Dưỡng Động cách dây hơn 2.260 năm. Vào năm 258-257 trước công nguyên đã có trang Dưỡng Động (xã Minh Tân ngày ngay). Bấy giờ nước Âu Lạc do vua Hùng thứ 18 là Hùng Duệ Vương trị vì, thiên hạ thái bình, dân giàu nước mạnh, ở phương Bắc họ Thục thấy vua Hùng đã nhiều đời trị vì liền cất quân vượt biên giới thực hiện giấc mộng đánh chiếm nước Âu Lạc. Tin giặc xâm phạm bờ cõi, vua Hùng thân chinh xa giá đánh trận, chọn Dưỡng Động làm cung sở chỉ huy đón đánh quân Thục. Nhà vua chọn một hang đá làm ly cung cùng quân thần bàn việc quốc sự. Từ đó, hang đá này có tên là hang Vua.

Hang Vua nằm dưới chân núi Vệ (thuộc xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên TP. Hải Phòng)

Hang Vua còn ghi dấu những mốc son quan trọng trong công cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Minh Tân. Vào ngày 4-2-1940, Chi bộ Đảng Dưỡng Động được thành lập tại đây và ra mắt buổi họp đầu tiên. Chi bộ gồm 3 đảng viên là các đồng chí Hồ Xuân Vang, Nguyễn Phú Toán, Nguyễn Phú Thập, do đồng chí Nguyễn Phú Thập làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Hưng,  tỉnh Quảng Yên (thời gian này Dưỡng Động-Minh Tân thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên) và là chi bộ tiền thân của Đảng bộ xã Minh Tân ngày nay.

Chi bộ Đảng Cộng sản ra đời ở Dưỡng Động trở thành cơ sở quan trọng nối phong trào cách mạng Hải Phòng với phong trào cách mạng vùng mỏ dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thống nhất của Liên tỉnh B. Chi bộ còn giữ vai trò là trạm giao thông, một trạm đầu cầu rất quan trọng trong hệ thống đường dây liên lạc của Trung ương với bộ phận Cộng sản đặt ở nước ngoài (Đông Hưng, Trung Quốc). Chi bộ Đảng Cộng sản ở Dưỡng Động ra đời có ý nghĩa đặc biệt đối với phong trào cách mạng của Liên tỉnh B và Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đến Sở chỉ huy chiến đấu của Hải quân

Dẫn chúng tôi tham quan hang Vua, ông Đỗ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân chỉ lên tấm biển ghi thời gian đóng quân Bộ Tư lệnh Hải quân, ông nói: “Giai đoạn 1965-1973, Bộ Tư lệnh Hải quân sơ tán về Minh Tân và tổ chức chống chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ. Tại đây, Bộ Tư lệnh Hải quân đã có nhiều quyết sách góp phần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Thời gian đóng quân ở địa phương, nhiều gia đình trong thôn chúng tôi đã tình nguyện nấu cơm giúp bộ đội Hải quân. Đặc biệt, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến hang Vua thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam”.

Tham quan hang Vua, chúng tôi thấy sự kỳ vĩ của thiên nhiên nơi đây, hang nằm trong ngọn núi Vệ vững chãi trải dài hơn 1km như một con rồng đá khổng lồ. Đầu rồng kề chân núi, miệng mở rộng thành một cửa hang lớn, phía dưới hàm rồng là một giếng nước nhỏ ngầm vào hang núi. Bước vào đây, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một hang động khá rộng, với các ngách nhỏ tỏa ra 3 hướng. Một hướng thông lên đỉnh núi, một xuyên dọc qua núi sang hang Xộp (hay còn gọi là hang Thành ủy), một nhánh ăn sâu xuống lòng đất. Trong hang còn có giếng nước trong mát, nhiều nhũ đá màu sắc rực rỡ.

Trao đổi với chúng tôi, cựu chiến binh Hải quân Lê Ngát cho biết: “Tôi cùng đồng đội về đóng quân tại hang Vua. Lúc ấy tôi là Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 602 (nay là Lữ đoàn Thông tin 602, Bộ Tham mưu Hải quân). Cùng với nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, đơn vị tôi còn được học tiêu đồ hàng không phục vụ Sở chỉ huy Quân chủng theo dõi, chỉ đạo các đơn vị thực hiện các kế hoạch: Sơ tán tàu; rà phá thủy lôi trên sông, biển miền Bắc...”.

Trong những ngày bom đạn của Mỹ bắn phá miền Bắc, cựu chiến binh Hoàng Thị Tuyên, nguyên chiến sĩ báo vụ B15 thông tin Hải quân đã có thời gian đóng quân tại hang Vua. Bà kể: “Ngày ấy, chiến sĩ báo vụ chúng tôi phải làm việc với cường độ cao, liên tục 24/24 và tuyệt đối giữ bí mật để nắm hoạt động của tàu thuyền trên biển. Có tình huống cả kíp trực phải thức trắng đêm để bám theo những con tàu lạ. Dù vất vả là vậy nhưng chúng tôi được bà con xã Minh Tân yêu thương, đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo từ củ sắn, củ khoai…”. Một kỷ niệm không thể nào quên với bà Tuyên, đó là bà vinh dự được ra cảng K20 tham gia đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân đóng tại hang Vua.

Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa và cảnh quan, hang Vua đã được xếp hạng là Di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hang Vua còn là nơi giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ hôm nay.

Bài, ảnh: Hoàng Việt, Văn Vũ

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn