Bình minh nơi đầu sóng

HQVN -

Những ngày dịch Covid-19 đang hoành hành, trong khi các trường học trong đất liền tạm thời cửa để phòng, chống dịch lây lan thì điều đặc biệt là vẫn có 3 lớp học miệt mài với những con chữ để gieo mầm xanh cho biển, đảo Tổ quốc. Đó là những lớp học thuộc các xã đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Một buổi sáng, tôi gọi điện hỏi thăm thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc ở xã đảo Song Tử Tây. Đan xen trong tiếng sóng, tiếng gió và tiếng thầy giáo trẻ là những âm thanh đang vút lên, vi vu thật diệu kỳ. Thì ra, đó là tiếng sáo trúc của các em nhỏ đang thổi trong giờ học nhạc. Đảo nhỏ, chỉ có hai thầy giáo, vừa dạy học vừa lập câu lạc bộ võ thuật, sáo trúc mang đến cho học sinh niềm vui tuổi thơ. Họ gửi đến tôi âm thanh réo rắt, vi vu của dàn sáo trúc giữa buổi bình minh đầy âu lo nơi đất liền khiến lòng tôi dấy lên một câu hỏi: Nơi đầu sóng, bình minh có thực sự bình yên và trọn vẹn?

Tôi mang câu hỏi ấy chia sẻ với thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cũng đang dạy học ở xã đảo Song Tử Tây, anh cười ấm áp, trao cho tôi tập bản thảo thơ có tựa đề “Những ký âm đêm”. Anh nói, đối với anh, để đón được bình minh huy hoàng, rạng rỡ thì sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc thật khác đất liền. Trong những đêm dài ấy, thầy Phú thao thức, viết nhiều câu thơ trăn trở: “Mẹ ơi Tết đã gần kề/ Nhưng con lại thấy bốn bề chơi vơi/ Mẹ ngồi bên gió bên trời/ Con tìm mòn mỏi ngàn khơi lối về” (Gió chiều tháng Chạp); “Những lúc nhớ về em/ Chỉ gặp nhau qua vài dòng tin nhắn/ Với người thân chỉ nói được đôi câu/ Chuyện riêng tư, anh gác lại mai sau” (Những ngọn sóng Trường Sa)…

 Bình minh trên đảo Song Tử Tây

Ngày mới nơi đầu sóng, ở đảo nổi, đảo chìm hay nhà giàn cũng thường bắt đầu sớm hơn đất liền. Bắt đầu từ những tiếng hô “một hai, một hai, một hai”, bộ đội dậy thật sớm tập thể dục và vệ sinh doanh trại. Lúc ấy, trời chưa sáng hẳn đâu, tới khi ánh nắng phủ khắp những tán cây, khoảnh sân thì không gian cũng sạch sẽ, ngăn nắp hệt buổi sáng ngày hôm qua và bao ngày trước đó. Bình minh nơi đầu sóng bình yên, đẹp đẽ lắm nhưng tất cả đều trong kỷ luật chặt chẽ, trách nhiệm cao nhất của quân và dân ta.

Đảo Tiên Nữ-điểm cực Đông của Tổ quốc là nơi đón bình minh sớm nhất. Trong hải trình đến với huyện đảo Trường Sa, ít đoàn công tác được thăm hòn đảo nhỏ xa đất liền nhất, thuộc nhóm những đảo còn nhiều khó khăn, gian khổ. Xuồng rời tàu, xa xa thấy cái chấm bâng khuâng trên biển, cập đảo rồi vẫn thấy hòn đảo này nhỏ bé, nhẹ nhàng như chính cái tên của nó. Ở đây, thời khắc mặt trời nhô lên khỏi biển sẽ diễn ra trước đất liền cả giờ đồng hồ và sớm hơn tất cả điểm đảo khác. Mặt trời to như cái nong từ từ nhô lên phía ngọn hải đăng xa xa. Hải đăng đảo Tiên Nữ có màu sơn vàng nhạt in trên nền trời ảo mộng tạo thành bức tranh đầy ly kỳ, tâm trạng. Ban đầu, sắc màu chưa lung linh nhẹ nhõm ngay đâu, mặt trời, những quầng mây và mặt biển cứ sánh lại như mật, ngắm nghía thôi mà cảm nhận được cả độ ngọt sâu, sau cùng là mặn mòi thấm đẫm. Thế rồi trời như rộng mở ra, thoáng đãng dần, những chòm mây dạt về tứ phía như trẩy hội.

Tôi đã đặt chân tới nhiều vùng miền, mỗi khi đứng ở tất cả các điểm cực của Tổ quốc, tim tôi luôn dấy lên cảm xúc đơn côi trong thiêng liêng. Điểm tựa sau lưng ta là Tổ quốc, trước mặt thì xa xăm, vời vợi như không có điểm dừng. Vẫn biết, biển dẫu rộng vẫn nhiều người đến thăm và đa phần những người đặt chân đến nơi đây đều muốn góp phần nhỏ bé của mình cho “trời yên, biển lặng”, cho Tổ quốc vững vàng... Nhưng cảm giác đứng trước biển bỗng thấy mình nhỏ bé và cô đơn thì không ai có thể tránh khỏi. Cảm giác đó sẽ không bao giờ xuất hiện khi ta đứng ở phố thị hay một vùng đất nào đó được bao bọc, che chở bởi nhà cửa, con người xung quanh. Dường như, tất cả khoảnh khắc ngày mới nơi đảo xa như chứa đựng nguồn năng lượng đặc biệt, cuồn cuộn những cảm xúc thật nồng nàn. Cũng vì lẽ đó mà cảm giác những người lính ở đây lãng mạn hơn. Ánh mắt họ thật khó bề diễn tả, cứ thầm lặng trong niềm lãng mạn, hào hoa nhưng cũng ngời sáng khí chất vững vàng.

Có một điều đặc biệt tôi thường ngẫm về những buổi bình minh nơi đầu sóng, đó là hình ảnh quê hương cứ hiện hữu ở từng góc nhỏ. Từ ô cửa sổ quanh năm bít kín của người lính đóng quân ở đảo chìm, tôi gặp hình ảnh của một chiếc bàn học như ngày ở quê chúng ta vẫn ngồi mỗi sáng, mỗi tối với sách vở, khung ảnh gia đình, vài món đồ thủ công làm bằng tay và lưu bút chép thơ.

Ở đảo An Bang, bốn bề dữ dội nhưng càng đi sâu vào lòng đảo càng đẹp đẽ, bình yên. Những mái nhà cứ gối nhau, quây quần ôm lấy khu bếp trong khoảng sân mát rượi có bốn, năm cây bàng xòe tán che. Đảo nhỏ, không gian sinh hoạt vỏn vẹn một hình tròn như vòng tay vừa khép lại. Bên cột mốc chủ quyền là biển cả bao la. Đường đi lối lại có hoa giấy nhiều màu tươi tắn, một cây dừa cao vút lên như nét vẽ cong. Màu sơn tường vàng nhận thêm màu nắng khiến sắc màu bừng lên, sóng sánh. Không gian đó nồng nàn, lay động xiết bao.

An Bang còn có một cái giếng nước mặn giữa khoảnh sân nhỏ xinh, phía sau bếp. Tán bàng quả vuông mát rượi điểm xuyết gợi xúc cảm về giếng nước quê hương. Tôi chợt nhận ra rằng tất cả tinh thần của quân và dân ta dù ở bất cứ nơi đâu, thành thị, biên giới hay đảo xa… cũng là để Tổ quốc hòa chung mối đoàn kết, nghĩa tình. Phía sau những buổi bình minh tươi đẹp ở miền gian khó là nỗ lực thầm lặng, không ngừng nghỉ của biết bao người luôn sẵn sàng hi sinh phần hạnh phúc cá nhân cho Tổ quốc. Những con người ấy, dẫu gian lao, trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn ngời ngời vẻ hồn nhiên, chất phác và chỉ cần chúng ta hướng về phía ấy bằng một tấm chân tình thì mọi vất vả, hi sinh của bản thân, họ sẵn sàng xếp lại phía sau, mang cả bình minh rạng ngời mà dâng hiến.

Bài, ảnh: Lữ Mai

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn