Hạm đội đầu tiên của Hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế
HQVN -
Trận đổ bộ bãi biển Tà Lơn là trận then chốt, quyết định thắng lợi Chiến dịch Tà Lơn; góp phần vào thắng lợi chung của quân tình nguyện Việt Nam trước Khmer Đỏ, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Hạm đội 171 đã có chiến công đầu tiên của mình khi tham gia đánh địch.
Đã 41 năm kể từ ngày chiến đấu trên đất bạn Cam-pu-chia vậy mà Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Thuyền trưởng HQ-07, Hạm đội 171 năm xưa vẫn rành rọt kể cho chúng tôi nghe từng chi tiết diễn biến của trận đổ bộ thần tốc vào bãi biển Tà Lơn.
Hạm đội Hải quân đầu tiên của Việt Nam
Lịch sử Lữ đoàn 171 Hải quân viết: Ngày 10-10-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định thành lập Hạm đội 171 trên cơ sở sáp nhập Trung đoàn 171 và Trung đoàn 175. Trung đoàn 171 đã được thành lập từ những năm 1960 và có quá trình chiến đấu trong 2 lần chiến tranh phá hoại của quân Mỹ ra miền Bắc. Còn Trung đoàn 175 là đơn vị mới thành lập sau tháng 4-1975 với nhiệm vụ tiếp quản các tàu thuyền ta thu được sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tàu của Hạm đội 171 vận chuyển xe thiết giáp vào chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979. Ảnh: TL
Quyết định thành lập Hạm đội 171 nêu rõ: "Nhiệm vụ của hạm đội là lực lượng cơ động của Quân chủng, hoạt động trên vùng biển của cả nước. Tổ chức của hạm đội gồm có Hải đoàn 1, Hải đoàn 2, Hải đoàn 3 và một hải đội tàu phục vụ sửa chữa nổi".
Về mặt trang bị của hạm đội, một phần tàu chiến của Hạm đội 171 là các tàu chiến do Liên Xô viện trợ. Phần còn lại là tàu chiến chiến lợi phẩm thu được sau giải phóng miền Nam.
Ngày 5-1-1079, Quân chủng Hải quân chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị (trong đó có Hạm đội 171): “Bí mật tiến công bãi đổ bộ chân núi Tà Lơn, phong tỏa các đường số 3 và số 4, tiến đánh cảng Công-pông-xom; tiêu diệt lực lượng Hải quân địch, ngăn chặn không cho tàu chúng từ cảng Ream, Công-pông-xom chạy ra biển, bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn 126”.
Như vậy, chỉ vài năm sau ngày thành lập, Hạm đội 171 đã tham gia trận đánh đầu tiên trong chiến dịch đánh đuổi quân Khmer Đỏ xâm lược và giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát họa diệt chủng.
Tương quan lực lượng
Tà Lơn nằm ở phía Bắc đảo Phú Quốc (Việt Nam), cách thị xã Cam-Pốt (Cam-pu-chia) 20km về phía Đông, cách cảng Công-pông-xom 90km về phía Tây. Phía Bắc là dãy núi cao Tà Lơn, phía Nam là biển. Đường quốc lộ số 3 nối Cam-Pốt với ngã ba Vê-an-rênh, đường số 4 chạy từ Vê-an-vênh đi Công-pông-xom. Nơi đây có nhiều bãi sú vẹt, cát, bùn, xen lẫn đá ngầm. Độ sâu sát mép nước trở ra không đồng đều từ 1-2m, biên độ thuỷ triều chênh lệch từ 0,5-1m. Đây là những điểm gây khó khăn cho lực lượng tàu đổ bộ của ta nhưng đổ bộ thành công ở đây, Hải quân Việt Nam sẽ cắt đứt được con đường huyết mạch phía Đông Nam Cam-pu-chia.
Quân Khmer đỏ phòng ngự rất kỹ lưỡng khu vực này. Khu vực bãi đổ bộ Tà Lơn (ngã ba Bokor) có 1 tiểu đoàn bộ binh, ngã ba Cocnút có 1 tiểu đoàn pháo binh. Trên quốc lộ số 4, phía Bắc cao điểm 144 có một khẩu lựu pháo 105mm, phía Đông bãi đổ bộ có 2 khẩu lựu pháo 105mm. Từ bãi đổ bộ đến cảng Công-pông-xom có nhiều trận địa pháo địch, được trang bị tổng cộng 6 khẩu lựu pháo 105mm, 17 khẩu pháo cao xạ 100mm, 20 khẩu pháo cao xạ 57mm và 9 khẩu pháo cao xạ 37mm. Ngoài hai trạm ra đa đối hải ở đỉnh núi Bokor và ở đảo Tang còn có một trạm ra đa phòng không ở cao điểm 140 Công-pông-xom. Tóm lại, ngay khi đổ bộ lên bờ, Hải quân của ta sẽ vấp phải hỏa lực dày đặc của quân Khmer đỏ.
Đối tượng tác chiến của Hải quân ta là Sư đoàn 164 Hải quân, Trung đoàn 17 Biên phòng cùng các lực lượng thuộc đặc khu Công-pông-xom và tỉnh Kô Kông, với tổng số khoảng trên 5.000 quân, 172 tàu thuyền các loại. Chúng được huấn luyện tốt và trang bị nhiều vũ khí do nước ngoài viện trợ.
Về phía ta, lực lượng chính tiến hành đổ bộ là Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126, đã được trang bị mạnh theo đủ biên chế gồm: Tiểu đoàn đặc công hải quân 861; các tiểu đoàn hải quân đánh bộ 862, 863, 864, 865 và 866; tiểu đoàn tăng-thiết giáp hải quân 867 và tiểu đoàn hỏa lực 868 cùng 5 đại đội chuyên môn khác. Bảo vệ cho đội hình đổ bộ là các tàu chiến của Hạm đội 171 (giữ sườn phía tây) và của Vùng 5 Hải quân (giữ sườn phía đông). Ngoài ra, các trận địa pháo 105mm và 130mm của Vùng 5 Hải quân đóng ở Phú Quốc cũng sẵn sàng chi viện cho lực lượng đổ bộ.
Chiến thắng thần tốc
2 giờ 15 phút ngày 5-1-1979, các đơn vị Hải quân nhận được mệnh lệnh của trên, giờ G của chiến dịch đổ bộ là 20 giờ ngày 6-1-1979. 10 giờ 30 phút ngày 6-1, toàn bộ lực lượng tham gia đợt một chiến dịch xuất phát.
Trong nhiều lực lượng làm nhiệm vụ tình nguyện Cam-pu-chia lúc ấy, Hạm đội 171 được điều động 9 tàu: HQ-501, HQ-01, HQ-03, HQ-05, HQ-07, HQ-197, HQ-199, HQ-205, HQ-215 phối hợp với các lực lượng do Đại úy Nguyễn Hồng Lỳ, Tham mưu phó Hạm đội chỉ huy.
Trung tá Nguyễn Viết Chức (Người đứng giữa) kể chuyện về trận đánh Tà Lơn với cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Ảnh: CTV
Hai biên đội tàu Hạm đội 171 chia làm hai nhóm. Nhóm 1 gồm các tàu HQ-01, HQ-03, HQ-197, HQ-205 do Thuyền trưởng Đỗ Xuân Công chỉ huy đi trên tàu HQ-01. Nhóm này có nhiệm vụ dùng pháo lớn bắn từ xa và đánh chặn địch trên vùng biển Công-pông-xom và cảng Ream. Nhóm 2 gồm các tàu HQ-05, HQ-07, HQ-613, HQ-199, HQ-203, HQ-215 và các tàu PGM của Vùng 5 Hải quân do Đại úy Nguyễn Tư Tường chỉ huy. Đây là nhóm đột kích vào cảng Ream, bảo vệ cạnh sườn bên trái cho lực lượng Đặc công nước 126 đổ bộ đánh chiếm đầu cầu.
Khi phát hiện ra lực lượng tàu trinh sát ta, bọn Pôn Pốt đã cho tàu có trọng tải 100-200 tấn ra đánh chặn và tấn công. Lập tức, Hạm đội 171 lệnh cho nhóm 2 vào vị trí chiến đấu, đánh chi viện cho tàu trinh sát HQ-613 và HQ-199. Trận chiến đấu giáp lá cà chỉ diễn ra 20 phút nhưng một tàu địch bị tiêu diệt hoàn toàn, một tàu khác bị hỏng nặng. Trước sức tấn công mãnh liệt của ta, bọn Pôn Pốt đã co cụm về cảng Ream, sau đó vòng đánh phía sau các tàu của ta nhưng bị ta phát hiện, đánh phủ đầu và tiêu diệt 2/3 số tàu địch. Số còn lại thấy yếu thế lùi vào cảng Ream củng cố lực lượng. Trận mở màn chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.
Sau trận đọ sức với Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhận thấy không còn khả năng đột kích vào Hải quân ta trên biển, quân Khmer đỏ đã tự phá hủy, đánh chìm đa số tàu còn lại và rút lính thủy lên bờ, dựa vào hệ thống công sự, hầm hào ven bờ để chống trả.
Phát huy khí thế thắng lợi, các lực lượng của ta đã hiệp đồng tiến công, đổ bộ và lần lượt đánh chiếm, làm chủ hoàn toàn Ream và Công-pông-xom. Đến ngày 10-1-1979, Hải quân ta hoàn thành giải phóng Công-pông-xom và cảng Ream, đạt được mục tiêu chiến dịch đặt ra. Thành công ấy đã tạo điều kiện thuận lợi để quân ta giải phóng các đảo Ko Kong, Polovai và thị xã Ko Kong, giải phóng hoàn toàn vùng ven biển phía Nam Cam-pu-chia và truy quét tàn quân địch trên bộ đến ngày 30-5-1979.
Chia sẻ về cảm xúc của mình khi được trực tiếp chiến đấu giúp nước bạn, Trung tá Nguyễn Viết Chức nói: “Trong bối cảnh tình hình đầu năm 1979, khi trình độ, kinh nghiệm tác chiến đổ bộ đường biển, khả năng vũ khí, trang bị, phương tiện của Quân chủng còn nhiều hạn chế thì việc mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn là nỗ lực, quyết tâm rất cao của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chiến dịch đã góp phần làm thay đổi thế trận trên chiến trường, tạo thế và lực cho các hoạt động tác chiến trên bộ, trên biển diễn ra sau đó của quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia, tiến tới giải phóng hoàn toàn nước bạn. Lúc ấy, là lính của đơn vị non trẻ, tôi và các đồng đội của mình xác định rằng người lính chỉ có sứ mệnh chiến đấu và quyết thắng, nếu có hy sinh cũng vì Tổ quốc, vì dân tộc”.
Cuộc tiến công đổ bộ lên bãi biển Tà Lơn tháng 1 năm 1979 là cuộc đổ bộ đường biển cấp chiến dịch đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là chiến dịch mở đầu của 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn của quân tình nguyện Việt Nam.
Chiến thắng của chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn là minh chứng rõ nét về đường lối, quan điểm đối ngoại và tư tưởng chỉ đạo “giúp bạn là tự giúp mình” của Đảng; chính sách đoàn kết quốc tế gắn bó, thủy chung, trong sáng. Đây cũng là chiến thắng bằng bản lĩnh chính trị, tinh thần dũng cảm, chủ động, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh của bộ đội Hải quân để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phạm Hùng
Năm 1981, thực hiện chủ trương chấn chỉnh lực lượng, tinh giảm biên chế của Quân ủy Trung ương, Hạm đội 171 rút gọn lại thành một lữ đoàn cơ động của Quân chủng mang phiên hiệu Lữ đoàn 171.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Lữ đoàn 126: Hội thi cán bộ đại đội và các chức danh tương đương - ( 26-11-24 02:00 )
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )