Hải quân Pháp công bố chiến lược mới dưới đáy biển
Chiến lược tác chiến dưới đáy biển nhằm mục đích mở rộng khả năng dự báo và hoạt động của Hải quân Pháp (Marine Nationale) ở các khu vực dưới độ sâu 6.000 m.
Bộ trưởng Các Lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly và Tham mưu trưởng, Tướng Thierry Burkhard hôm 14/2 đã công bố “Chiến lược tác chiến dưới đáy biển” (Seabed Warfare Strategy) mới. Theo đó, đáy biển trở thành môi trường xung đột mới theo cách tương tự như không gian ngoài khí quyển, không gian mạng và thông tin. Do đó, Pháp muốn bảo đảm quyền tự do hành động của các lực lượng vũ trang, bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và cơ sở hạ tầng của mình dưới đáy đại dương.
Ngày nay, các khu vực hàng hải được quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế, mà chủ yếu là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số quốc gia đã “phát triển cách giải thích khác” về UNCLOS, nhằm mục đích chiếm đoạt tài nguyên, hoặc giành các khu vực hàng hải liên quan phục vụ cho mưu đồ riêng.
Đối mặt với những hành động trên, cùng với sự xuất hiện của khái niệm “chiến tranh dưới đáy biển” (seabed warfare), Pháp cho rằng, việc bảo vệ các lợi ích chiến lược trong không gian này là một vấn đề quyết định.
Hình ảnh mô phỏng về Chiến lược tác chiến đáy biển của Hải quân Pháp. Ảnh: Marine Nationale
Chiến lược mới này sẽ bảo đảm quyền tự do hành động của Lực lượng vũ trang Pháp, trong việc giám sát và ngăn chặn tàu ngầm từ đáy biển. Đồng thời, bảo vệ các cơ sở hạ tầng dưới nước, như cáp thông tin liên lạc và đường ống vận chuyển năng lượng (điện, khí đốt, dầu mỏ).
Chiến lược cũng góp phần bảo vệ tài nguyên biển của Pháp. Bên cạnh đó, các “Chiến dịch Kiểm soát đáy biển” (Seabed Control Operations) sẽ tích hợp những thách thức mới vào chiến lược quốc phòng của Pháp, nhằm thực thi 3 chức năng chính là “nhận biết”, “giám sát” và “hành động”.
Hải quân Pháp có khả năng tác chiến mìn và thủy văn nhằm kiểm soát đáy biển. Để mở rộng năng lực tác chiến ở độ sâu 6.000 m, Pháp sẽ trang bị thêm thiết bị quân sự có năng lực thám hiểm biển sâu, bao gồm phương tiện không người lái dưới nước (AUV) và robot vận hành từ xa (ROV).
Một trong những hướng phát triển trong chiến lược kiểm soát đáy biển của Pháp trong thời gian tới là: Tích cực đổi mới các thiết bị cảm biến biển sâu trên AUV và ROV; đẩy nhanh các nghiên cứu biến số vật lý để phát hiện các cơ sở tàu ngầm; tăng cường khả năng tìm kiếm, giám sát và can thiệp dưới biển, để đáp ứng khả năng duy trì quyền tự do hành động cho quân đội Pháp ở các khu vực có độ sâu tới 6.000 m.
Tàu lặn Ulyx hoạt động ở độ sâu 6.000 m do ECA Group chế tạo. Ảnh: IFREMER
Theo Bộ trưởng Florence Parly, Pháp không phải là nước duy nhất quan tâm đến đáy biển. Có nhiều nước thể hiện tham vọng, trong đó Trung Quốc được biết đến là nước có nhiều dự án dưới nước. Ngoài ra, Anh cũng bày tỏ tham vọng của mình đối với khu vực này trong chương trình “Đánh giá tích hợp 2021” (Integrated Review of 2021).
Chiến lược mới của quân đội Pháp sẽ thúc đẩy xu hướng đổi mới sáng tạo với khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Các công ty quốc phòng Pháp có khả năng tham gia vào chiến lược mới bao gồm: Alseamar, ECA Group, iXblue, Naval Group, RTSys, Thales.
Trước đó, ECA Group đã thiết kế và sản xuất phương tiện không người lái dưới nước nước sâu thế hệ mới Ulyx cho Viện Nghiên cứu khai thác biển (IFREMER) của Pháp. Ulyx sẽ được triển khai từ các tàu nghiên cứu hải dương học của Pháp và quốc tế để thăm dò và nghiên cứu vùng nước sâu. Một biến thể quân sự của AUV Ulyx có thể được thiết kế cho Lực lượng vũ trang Pháp trong tương lai.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn