Giấc mơ sở hữu tàu sân bay của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Với tham vọng trở thành một cường quốc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đồng thời nâng cao sức mạnh hải quân, Thổ Nhĩ Kỳ dường như vẫn đang ấp ủ kế hoạch sở hữu một tàu sân bay do chính nước này chế tạo.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mới đây tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm đóng và đưa vào sử dụng tàu sân bay chính thức đầu tiên của nước này. Cách đây vài năm, ông Erdogan cũng từng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng tàu sân bay nội địa và dự án này chắc chắn sẽ thành công.

“Chúng tôi sẽ sớm đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách các quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu chiến hàng đầu thế giới và việc sở hữu tàu sân bay không còn là giấc mơ xa vời”, ông Erdogan nói trong một sự kiện ở thành phố Istanbul vào tháng 7-2017.

Giấc mơ sở hữu tàu sân bay của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Tàu tấn công đổ bộ đa năng TCG Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Navy Recognition

Trên thực tế, từ năm 2016, Nhà máy đóng tàu Sedef của Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với Công ty Navantia của Tây Ban Nha bắt đầu chế tạo TCG Anadolu (L-400)-tàu tấn công đổ bộ đa năng mang dáng dấp của một chiếc tàu sân bay.

Trang Navy Recognition cho biết, tàu TCG Anadolu dài 231m, rộng 32m, lượng giãn nước hơn 27.000 tấn, khoang chứa máy bay rộng 990m2 và có thể vận hành liên tục 9.000 hải lý mà không cần tiếp liệu. TCG Anadolu cũng có khả năng hỗ trợ tác chiến quân sự dài ngày và tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Đặc biệt, do được kết hợp tính năng của cả tàu sân bay và tàu đổ bộ nên TCG Anadolu cũng được nhìn nhận như một tàu sân bay hạng nhẹ. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn lên kế hoạch chế tạo thêm một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ thứ hai cùng loại với TCG Anadolu.

Đến nay, TCG Anadolu đã trải qua một loạt thử nghiệm trên biển và lắp ráp các hệ thống điện tử. Nếu không có gì thay đổi, con tàu này sẽ chính thức được đưa vào phục vụ trong lực lượng hải quân Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm nay.

Tờ Asia Times cho rằng, với khả năng hoạt động linh hoạt giống như một tàu sân bay mini, TCG Anadolu có thể được triển khai tới khu vực biển Aegean, Biển Đen và Địa Trung Hải, cũng như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trang Naval-technology thì nhấn mạnh rằng, con tàu này sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng tác chiến của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt tại Biển Đen và Địa Trung Hải.

Ngoài ra, sự ra đời của tàu sân bay cỡ nhỏ TCG Anadolu cũng cho thấy tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trở thành một nhân tố quan trọng trong các sứ mệnh đa quốc gia, đồng thời tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận hải quân quốc tế.

Nhưng nói gì thì nói, TCG Anadolu vẫn chưa phải là một tàu sân bay thực thụ và như Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố. Chiếc tàu này chỉ là bước đầu tiên trong quá trình đóng tàu sân bay của riêng Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, đằng sau dự án khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực này vẫn còn những vấn đề nan giải đối với Ankara.

Đó là bởi, ban đầu, TCG Anadolu được thiết kế để phù hợp với các máy bay chiến đấu F-35B, vốn được coi là “trái tim” của một hàng không mẫu hạm hiện đại. Tuy nhiên, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Mỹ đã loại Ankara khỏi chương trình F-35 dù hai nước đã có nhiều năm hợp tác trong việc phát triển loại máy bay chiến đấu này. Kết quả là quá trình bổ sung hệ thống vũ khí cho tàu sân bay hạng nhẹ TCG Anadolu đột ngột gặp khó.

Hiện vẫn chưa rõ liệu có xảy ra tình huống Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu F-35 hay không, nhưng theo nhận định của một số nhà phân tích quân sự, không loại trừ khả năng đây là điều mà Ankara đang mong muốn.

Dẫu sao, chương trình TCG Anadolu vẫn tiêu biểu cho kế hoạch hiện đại hóa toàn diện của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Và hơn thế nữa, đó được coi là bước đệm để nước này tiếp tục theo đuổi giấc mơ sở hữu một chiếc tàu sân bay thực thụ.

Theo QĐND điện tử

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn