Đường mòn Hồ Chí Minh- con đường vĩ đại
HQVN -
60 năm trước, có một con đường đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc mang tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Đây là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược để vận chuyển binh lực, lương thực và vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên tuyến lửa ấy, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã kiên cường bám rừng, bám đường làm nên những chiến công vang dội.
Sự ra đời của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh
Sau Hiệp đinh Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Bước sang năm 1959, cách mạng miền Nam đứng trước một bước ngoặt, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết sách kịp thời. Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: “Giải phóng miền Nam… trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng”.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.
Đoàn xe vận tải trên đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu
Để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định biên chế bước đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài Đoàn bộ, Đoàn được tổ chức thành Tiểu đoàn vận tải bộ 301 và các bộ phận: Xây dựng kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm.
Ra đời tháng 5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu 559 (đến ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559). Con đường được mở đúng ngày sinh của Bác nên được mang tên đường Hồ Chí Minh.
Đầu tháng 6-1959, Đoàn 559 tổ chức khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh) phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5. Con đường này phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, khẩu hiệu hành động của Đoàn là “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm, chuyến hàng ấy được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5.
Kết thúc năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển được vào Khu 5 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu cùng 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam.
Những đóng góp to lớn
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã từng khai thông nhiều con đường để mở mang bờ cõi, bảo vệ non sông. Nhưng có lẽ con đường Trường Sơn – đường mòn Hồ Chí Minh là con đường vĩ đại nhất, cả trong ý tưởng và thực tế.
Đường mòn Hồ Chí Minh là con đường của tinh thần sáng tạo, đột khởi, bất ngờ và biến hóa không ngừng. Từ một nhóm nhỏ cán bộ trinh sát đường, đến tiểu đoàn giao liên đầu tiên dẫn quân đã hình thành một binh đoàn mang tên Binh đoàn Trường Sơn-Đoàn 559. Từ lối mòn men theo dãy Trường Sơn đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang với đường bộ, đường sông, đường ống, dài gần 2 vạn km. Trên hệ thống giao thông này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường; hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc.
Với đối phương, đây là con đường mang đến thảm họa, báo trước sự sa lầy và thất bại. Hơn 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học đã đổ xuống; nhiều đời Tổng thống đối phương huy động nhiều bộ não siêu phàm để đối phó, ngăn chặn nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn cứ như gọng kìm siết chặt sào huyệt kẻ thù… Chiều sâu kỳ tích và chất huyền thoại của con đường được xây đắp bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của hàng ngàn, vạn nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Tính từ ngày mở đường đến ngày thống nhất đất nước, con đường tồn tại gần 60 nghìn ngày đêm. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 3 vạn người bị thương…
Con đường xuyên qua 20 tỉnh từ Bắc vào Nam; chạy qua nước bạn Lào và Campuchia; vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuyên xuống miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Nếu không có sức sáng tạo và lòng quả cảm của những người mở đường, nếu không có lòng dân chở che, bảo vệ và tiếp thêm nguồn lực, nếu không có sự ủng hộ, sẻ chia của bạn bè quốc tế thì làm sao có thể tồn tại và đến cái đích cần đến! Đường mòn Hồ Chí Minh là một kỳ tích vĩ đại thể hiện sâu sắc ý Đảng lòng dân, biểu tượng của khối đoàn kết liên minh 3 nước Đông Dương. Từ con đường trên bộ, đã có trên đường Hồ Chí Minh trên biển, đường Hồ Chí Minh trên không, vượt lên sự phong tỏa, ngăn chặn, hướng về miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.
Đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối. Tính chiến lược, bất ngờ, sức sáng tạo, gợi mở của con đường có giá trị lâu bền, vượt thời gian…
Từ con đường mòn trong chiến tranh, con đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa dài hơn, rộng hơn và hiện đại gấp nhiều lần được các thế hệ hôm nay dựng xây cũng là một kỳ tích mới trong hòa bình đúng như dự cảm của nhà thơ Tố Hữu trong “Cảm nghĩ đầu xuân 2002” rằng: “Mở rộng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh/ Cho Tổ quốc mai sau lên tuyến đầu nhân loại”.
Phúc Vinh (TH)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Hội đồng thi đua - khen thưởng Quân chủng tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2024 - ( 25-11-24 02:00 )
- Khai mạc tập huấn kỹ thuật cho học viên Cam-pu-chia - ( 25-11-24 09:00 )
- Hợp tác để tự chủ đảm bảo kỹ thuật - ( 24-11-24 10:00 )
- Lữ đoàn 169 tập huấn hàn, cắt, gia công cơ khí - ( 23-11-24 01:00 )
- Cục Hậu cần - Kỹ thuật Hải quân: Công bố quyết định sáp nhập và tổ chức lại các phòng, ban trực thuộc - ( 22-11-24 04:00 )