Dòng máu Lạc Hồng chảy về nguồn cội

HQ Online -

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ Mồng Mười tháng Ba”

Lời nhắc nhở mang hồn thiêng sông núi ấy từ lâu đã thấm đẫm từng con tim, khối óc của hàng triệu người dân đất Việt, nhắc nhở mỗi chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu cũng không quên cội nguồn dân tộc, không quên chúng ta được sinh ra từ bọc trăm trứng, cùng chung một Tổ tiên. Cũng chính vì vậy, trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, từ gái đến trai, từ miền xuôi đến miền ngược đều có chung một tâm nguyện được một lần hành hương về khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tự tay mình thắp nén hương thơm lên bàn thờ Tổ.

Đông đảo du khách thập phương về thắp hương, tri ân các Vua Hùng trong ngày 10-3 Âm lịch

Tụ về trong ngày hội lớn

Trong những ngày tháng Ba, khắp các con đường dẫn về Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã nhộn nhịp bước chân của hàng vạn con Lạc cháu Hồng hành hương về đất Tổ, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trong số các du khách thập phương ấy, chúng tôi được nghe bao điều tâm sự, được chứng kiến nhiều cung bậc tình cảm khác nhau của những người con đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Thật khó diễn tả hết những tâm tư, tình cảm của mỗi người khi được trở về mảnh đất cội nguồn, nơi sinh ra hàng triệu người con mang dòng giống Tiên Rồng hôm nay, chỉ biết rằng, đó là một tình cảm vô cùng thiêng liêng đã in sâu vào tâm khảm, là tình người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào…

Đến từ vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên hùng vĩ, đã hơn 20 năm sinh cơ, lập nghiệp nơi núi rừng đại ngàn, nhưng với bác Nguyễn Quang Sơn, 68 tuổi, ở thành phố Plâyku, tỉnh Gia Lai, những kỷ niệm tuổi thơ trên quê hương Đất Tổ vẫn luôn chiếm một vị trí thiêng liêng trong trái tim người con xa quê ấy. Bác bảo, dù gia đình đã chuyển hẳn vào Gia Lai sinh sống và làm việc nhưng trong thâm tâm ông vẫn luôn hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi có tổ tiên, ông bà, anh em, họ hàng và hơn thế, có mảnh đất cội nguồn dân tộc. Để con cháu trong gia đình hiểu được cội nguồn sâu xa, không quên đi cái “gốc” của mình, gia đình bác Sơn đã có chuyến hành hương trở về với Đất Tổ linh thiêng. Nét mặt đong đầy cảm xúc, bác Sơn như người con đi xa lâu ngày nay trở về nhà, tay dắt theo đứa cháu nhỏ thong dong đi giữa con đường rợp bóng cây xanh, vườn hoa khoe sắc nơi quê cha, đất mẹ.

  Về Đền Hùng hôm nay, sau nhiều năm trở lại, ông Nguyễn Hữu Hòa, 63 tuổi, trú tại thôn Đồng Mận, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh quan nơi đây đã có nhiều đổi thay so với trước: Đường đi lối lại thông thoáng, sạch sẽ; các hạng mục công trình phục vụ khách tham quan được trùng tu, tôn tạo vừa hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên vừa rộng rãi, tiện lợi, mà vẫn giữ được nét uy nghiêm, cổ kính. Hệ thống cây xanh, cây cảnh tại các điểm di tích được bài trí đẹp mắt, tạo nên những điểm nhấn cho mỗi công trình. Đặc biệt, tại tất cả các điểm di tích, hiện tượng người bán hàng rong chèo kéo, gây phiền hà cho du khách; hiện tượng người ăn xin, ăn mày đã hoàn toàn chấm dứt; thay vào đó, các du khách hành hương về tri ân các Vua Hùng luôn nhận được thái độ phục vụ tận tình, hướng dẫn chu đáo của các cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ, bộ đội, công an và lực lượng thanh niên tình nguyện túc trực thường xuyên trên tất cả các tuyến giao thông quan trọng.

Lời Bác vang vọng núi sông

Ông Hoàng Phi Thường, thương binh hạng 1/4, 68 tuổi, quê ở phường Thanh Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương mỗi lần về thăm Đền Hùng, bao giờ ông cũng chụp một kiểu ảnh đứng bên bức phù điêu có lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ông Thường chia sẻ: Dù chúng ta sống ở giai đoạn nào của lịch sử thì lời dạy bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn có giá trị vĩnh hằng. Lời Người chính là lời thiêng sông núi, là sự kết tinh truyền thống hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”. Ông luôn tâm niệm: “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, vì vậy, dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút nhiều do thương tật, nhưng hầu như năm nào ông và gia đình cũng lặn lội đường xa lên đây thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Thương binh Hoàng Phi Thường cho rằng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng mang ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc, bởi không ở đâu trên thế giới này lại có một di tích đặc biệt và một ngày Quốc giỗ chung như ở Việt Nam. Đó chính là nét văn hóa riêng có ở Việt Nam, mà mỗi người dân đất Việt chúng ta có quyền tự hào.

Hội thi bơi chải trong Lễ hội Đền Hùng 2017

 Khác với ông Hoàng Phi Thường, bà Trương Thị Huệ, 62 tuổi, quê ở xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thì đây là lần đầu tiên bà đến với mảnh đất của Truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên. Trải lòng tâm sự, bà Huệ bảo rằng, từ nhiều năm nay trong lòng mình vẫn luôn canh cánh một nỗi niềm là chưa được đặt chân lên từng bậc đá Đền Hùng, chưa được một lần dâng nén hương thơm tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Vì vậy mà giỗ Tổ năm nay, bà đã cố gắng thu xếp thời gian về với Đền Hùng để kính báo với các tiên tổ rằng mình đã có mặt ở mảnh đất thiêng này. Cảm giác xúc động và thiêng liêng không nơi nào sánh được.
Trong chuyến hành trình về với đất Tổ lần này, chúng tôi thấy có không ít bước chân của những kiều bào xa Tổ quốc. Họ cùng chung nhịp đập con tim, cùng hướng ánh mắt chân thành lên đỉnh Nghĩa Lĩnh, kính cẩn tri ân công đức tổ tiên. Gặp chị chị Hoàng Quên, 40 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại Vương quốc Anh, chị tâm sự, “Mình vừa thắp hương tri ân các Vua Hùng, nhờ làn khói thơm nói hộ những tình cảm của mình với tổ tiên”. Được biết, ở đất nước Anh xa xôi, các con của chị  Quên cũng được học về sự tích các Vua Hùng và tết năm nào gia đình chị cũng gói bánh chưng, bánh giầy để thờ cúng tổ tiên. Chị Quên luôn mong muốn mình và lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ cùng nhau xây dựng, vun đắp, gìn giữ, để tín ngưỡng thiêng liêng này mãi trường tồn với thời gian.

 Sau chuyến xe khách đường dài từ bến Mỹ Đình, Hà Nội, nữ sinh viên năm cuối Học viện Tài chính Trần Khánh Huyền, 22 tuổi, quê ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì hăng hái bước ngay vào công việc dẫn viên du lịch đưa nhóm bạn học cùng trường đi tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Là đại diện cho thế hệ trẻ Phú Thọ, Huyền cảm thấy may mắn, tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Tổ Vua Hùng, cái nôi của dân tộc Việt Nam. Hiện đang sống và học tập trên mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, nhưng với Huyền, mỗi mùa lễ hội Đền Hùng là dịp để cô bé giới thiệu những câu chuyện truyền thuyết, chuyện lịch sử, nét văn hóa, tín ngưỡng dân gian của vùng đất kinh đô Văn Lang với bạn bè bốn  phương. Huyền tự nhủ, mình và thế hệ trẻ đất Tổ hôm nay sẽ mãi mãi ghi nhớ công đức của các Vua Hùng và nguyện học tập, phấn đấu rèn luyện, cống hiến hết sức mình để tiếp nối những trang sử hào hùng của ông cha.

Trao đổi với ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017, giỗ Tổ Hùng Vương năm nay do tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với TP Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Bến Tre, Bình Phước tổ chức. Năm nay, Ban Tổ chức tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, gắn với hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ (thông qua các hoạt động trình diễn tại các phường hát Xoan, các di tích hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương); tăng cường đưa hát Xoan tham gia các cuộc giao lưu quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể; phấn đấu đến năm 2020, các lễ hội, tục lệ hát Xoan truyền thống được khôi phục; từ đó, xây dựng thành không gian văn hóa hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
 Tháng Ba lại về, mọi nẻo đường hướng về đỉnh Nghĩa Lĩnh lại nhộn nhịp bước chân du khách thập phương. Mỗi người một tâm trạng khác nhau nhưng đều chung nhịp đập trái tim hướng về nguồn cội và hy vọng về những điều tốt lành cho cuộc sống. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trước bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng trong tâm thức của mọi người dân Việt Nam, Đền Hùng đã trở thành nơi hội tụ bốn phương, hội tụ cội nguồn của sức mạnh, trí tuệ và niềm tin để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mãi mãi trường tồn và không ngừng phát triển…

Bài, ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn