Đổi mới phương thức làm báo thời đại số

HQ Online -

Công nghệ phát triển như vũ bão, mạng xã hội vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội, “khẩu vị” người đọc báo đã thay đổi. Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí, nhà báo cần thay đổi cách làm báo thời đại số, hướng đến mục tiêu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Các nhà báo tác nghiệp trên vùng biển tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

“Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số” - đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao đổi tại diễn đàn “Chuyển đổi số phục vụ bạn đọc tốt hơn” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2022.

Bao giờ đọc báo điện tử phải trả tiền?

Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai vào đời sống kinh tế - xã hội rất mạnh mẽ. Trong lĩnh vực báo chí, gần như cơ quan báo chí nào cũng đã có giải pháp chuyển đổi số, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào kinh phí đảm bảo để ứng dụng công nghệ, cách tiếp cận ở mức độ nào. Nhà nước ta đang khuyến khích báo chí phát triển thành những tập đoàn báo chí đa phương tiện, đủ sức cạnh tranh thông tin với các hãng thông tấn thế giới.

Ở nước ta, những năm gần đây, doanh thu của các cơ quan báo chí từ báo in đã sụt giảm nghiêm trọng, nhiều cơ quan báo chí bị thua lỗ. Trước tình hình đó, một số tòa soạn đã cơ cấu lại tổ chức, xúc tiến nghiên cứu và phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; thay đổi giao diện, cấu trúc lại nội dung và các loại tin tức... Một số cơ quan báo chí chủ trương đa dạng hóa nguồn thu; trực tiếp thu thập dữ liệu độc giả (first-party data); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí...

Năm 2021, bất chấp những khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19, Báo The New York Times (Mỹ) vẫn đạt doanh thu 1,7 tỉ USD chỉ qua hình thức đăng ký đọc tin tức báo điện tử. Đến nay, ở Việt Nam đã có gần 70% tổng số hộ gia đình cả nước (xấp xỉ 17 triệu thuê bao) sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, dù nhiều năm trước, ít ai chấp nhận chuyện trả tiền để được xem truyền hình. Câu hỏi đặt ra là bao giờ đọc báo điện tử phải trả tiền ở Việt Nam?

Ngược lại dòng thời gian, những năm thực hiện kế hoạch bao cấp, nhiều cơ quan báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh muốn tăng lượng phát hành cũng không được, vì thiếu giấy in báo, cấp giấy in “nhỏ giọt” theo khung kế hoạch. Một vài cơ quan báo chí đã mạnh dạn bung ra, “xé rào” đi thu mua giấy vụn tự sản xuất ra giấy in báo, chạy nhiều “cửa” để có giấy in; thay đổi phong cách làm báo, tập trung đưa thông tin người dân cần, lập tức tăng lượng phát hành báo in lên gấp nhiều lần. Cùng với đó là cơ chế tự chủ tài chính, phát triển nhanh chóng, cả cơ sở vật chất tòa soạn và nội dung thông tin chất lượng cao trên từng trang báo, nhờ đó, đời sống của cán bộ, phóng viên được nâng lên.

Qua câu chuyện này để thấy việc chuyển đổi số trong ngành báo chí hiện nay cũng giống như trước đây, cơ quan chủ quản, tòa soạn nào sớm nhìn nhận thấu đáo được vấn đề, mạnh tay đầu tư công nghệ, thay đổi quản trị để có nhiều độc giả. Đây là nền tảng cơ bản để đến lúc bạn đọc trả tiền đọc báo.

Cuộc chạy đua với mạng xã hội

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 60 triệu người đang sử dụng mạng xã hội. Báo chí không phải là nguồn duy nhất phát thông tin như cách đây 20 năm, mà còn có mạng xã hội với sự phát triển công nghệ như vũ bão, người dùng mang tính phổ cập toàn dân. Tính dân chủ, tự do báo chí, tự do thông tin theo quy định của pháp luật được đề cao ở nước ta. Chính vì vậy, toàn dân có quyền “làm báo” và phát tin tức tại nơi mình đang sinh sống và làm việc, tạo nên “siêu tờ báo” với đủ mọi giọng điệu, ngôn ngữ, hình ảnh... của đời sống xã hội ở trên không gian mạng. Một thực tế, người dân bỏ ra thời gian “lướt” mạng xã hội nhiều hơn so với thời gian đọc báo in và báo điện tử.

Báo chí chính thống dù đông đảo lực lượng làm báo, nhưng còn hạn chế bởi sự nhanh nhạy so với mạng xã hội, đôi khi nhiều tờ báo chính thống cũng bị đuối sức “chạy theo” mạng xã hội, nhặt lại thông tin và “xào xáo” thành bài của mình. Từ thực tiễn, nhà báo chuyên nghiệp cần có tâm thế cho một tư duy báo chí mới.

“Cuộc sống của người dân luôn gắn liền với không gian mạng, đòi hỏi báo chí phục vụ họ trên không gian mạng một cách tốt hơn, tích cực hơn. Muốn làm được điều này, báo chí phải chuyển đổi số. Nghĩa là ứng dụng công nghệ, thay đổi nguồn nhân lực, thay đổi quy trình làm báo để tất cả những gì độc giả cần họ có thể tìm thấy ở cơ quan báo chí” - Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ chia sẻ.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại. Ảnh minh họa

Muốn níu kéo độc giả, các cơ quan báo chí cần lấy tiêu chí căn bản về đặc tính sinh học của con người để làm thước đo trong thời đại số. Trong vòng 7 giây đầu tiên, độc giả sẽ quyết định đọc tiếp hay thoát ra khỏi bài báo, trang báo điện tử. Nhà báo cần viết câu chữ ngắn gọn, hấp dẫn, ấn tượng nhất của bản tin, bài báo, đẩy lên ngay giây đầu tiên. Đây là “điểm chốt” để kích hoạt sự “đeo bám” của hệ thần kinh con người do tạo hóa hình thành tự nhiên. Theo mạch hấp dẫn đó, tiếp tục dẫn dắt người đọc đi sâu vào bài báo, trang báo bằng những chi tiết, câu chuyện mang tính thời sự có chất keo kết dính cuộc sống.

Đơn cử, trình bày giao diện tờ báo điện tử cũng cực kỳ quan trọng, một số báo điện tử vẫn còn trình bày kiểu rối rắm. Cảm thụ của mắt - não bộ con người rất “sợ” sự rối rắm, dẫn đến họ ít chịu khó theo dõi và đọc hết tin tức vô bổ. Ngay lập tức, bạn đọc thoát ra khỏi trang báo kém hấp dẫn và chuyển qua trang khác xem.

Muốn độc giả tự bỏ tiền ra chi trả khi vào đọc báo điện tử, nhất định phải là những bài viết có giá trị thông tin và cảm xúc lay động lòng người. Muốn vậy, nhà báo nỗ lực lùng sục, tìm kiếm thông tin của riêng mình, cách thể hiện mang phong cách mới - độc - lạ đồng thời, thị trường báo chí sẽ tự loại bớt những tờ báo không chuyển đổi số một cách toàn diện.

Hải Luận

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn