Đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần các tàu đi biển

HQVN -

Quân chủng Hải quân có các lực lượng thường trực trên biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tìm kiếm, cứu nạn và các nhiệm vụ khác. Trước tình hình dịch Covid-19, ngành Hậu cần Hải quân đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm hậu cần (BĐHC) tốt cho các lực lượng này.

Từ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Hậu cần, các đơn vị trong Quân chủng đã chủ động xây dựng phương án hậu cần cho các tình huống, bảo đảm cho tàu xuất phát nhanh...

Một ngày đầu tháng Tư, Tàu Trường Sa 21, Hải đội 1, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân nhận lệnh cơ động thực hiện nhiệm vụ. Chỉ trong khoảng 2 giờ, công tác chuẩn bị hậu cần cho tàu đã được hoàn thiện. Đại úy Nguyễn Sỹ Tráng, Thuyền trưởng Tàu Trường Sa 21 cho biết: “Hằng năm, tàu có nhiều chuyến công tác dài ngày trên các vùng biển xa. Trước mỗi chuyến đi, tàu đều được bảo đảm các mặt hàng hóa hậu cần. Có những thời điểm, Tàu vừa hoàn thành một nhiệm vụ, đang trên đường về đến đất liền lại tiếp tục nhận nhiệm vụ đột xuất khác. Dù vậy, sức khỏe bộ đội và hàng hóa hậu cần vẫn bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo”.  

Bảo đảm nhiên liệu cho tàu hoạt động dài ngày trên biển tại Vùng 4 Hải quân. Ảnh: Đức Thu

Có được điều này là do trước khi đi biển, bộ đội tàu và bộ phận tăng cường đã cùng trải qua các vòng khám kiểm tra sức khỏe. Tàu được tiếp nhận bộ phận quân y; bổ sung nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc… và cả lượng dự trữ hậu cần. Trong đó, lương thực, thực phẩm khai thác từ nguồn tiếp phẩm tập trung; có tính toán cân đối thực phẩm tươi, thực phẩm khô, đồ hộp… Vì tàu được trang bị tủ cấp đông nên việc bảo quản thực phẩm tốt hơn.  

Cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng áp dụng biện pháp mà ngành Hậu cần đã hướng dẫn là phân chia thực phẩm theo định suất, đánh dấu thực phẩm sẽ tiêu thụ từng ngày để tiện sử dụng và khi lấy ra không làm ảnh hưởng đến các loại thực phẩm khác. Bộ phận hậu cần của tàu xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, phù hợp với các loại thực phẩm dự trữ; thực phẩm tươi ăn trước, đồ hộp ăn sau; rau xanh ăn trước, củ quả ăn sau…

Tàu Trường Sa 21 là một trong các tàu của Vùng 2 đã và đang làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, chế độ ăn uống, sức khỏe, an toàn vệ sinh phòng dịch cho bộ đội cả trước trong quá trình đi biển. Đại tá Nguyễn Văn Thịnh, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 2 cho biết: Với phương châm “Nhanh gọn, đầy đủ, kịp thời” để BĐHC cho các tàu xuất phát nhanh, ngành Hậu cần của Vùng đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm cho từng phương án từ trước, cho một tàu hay nhiều tàu trong điều kiện thời tiết khác nhau.

Vùng 4 Hải quân cũng là một đơn vị tiêu biểu trong thực hiện tốt công tác BĐHC cho các tàu hoạt động dài ngày trên biển. Trung tá Nguyễn Trung Quảng, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 4 cho biết: Để chuẩn bị hậu cần cho các tàu hoạt động trên biển, ngành Hậu cần của Vùng luôn tính toán dự trữ đầy đủ, đồng bộ các loại vật chất hậu cần. Ngành đã đưa ra các biện pháp như: Trồng rau mầm, muối nén rau củ quả, ngâm ủ giá đậu để bộ đội có nguồn rau tươi sử dụng. Các tàu đều chú ý xây dựng thực đơn tuy gọn nhẹ, ít món ăn nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lượng cho bộ đội thực hiện nhiệm vụ thông qua việc lựa chọn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao…

Trước khi tàu đi thực hiện nhiệm vụ trên biển, công tác vệ sinh phòng dịch, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ cũng rất được chú trọng. Đối với thời gian tàu đi biển chuyến trước cũng được coi là thời gian cách ly nên khi về cảng, các thủy thủ không rời tàu mà nhận nhiệm vụ đi luôn chuyến tiếp theo. Các quân nhân đi công tác theo tàu cũng không ngoại lệ. Vị trí cách ly do đơn vị có cảng bố trí và theo dõi, không cách ly dưới tàu. Trung tá Trương Văn Tứ, Chủ nhiệm Quân y Vùng 4 cho biết: “Trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trước khi các tàu xuất phát đi biển, quân y Vùng đều tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe bộ đội tàu tối thiểu 14 ngày. Việc cách ly đối với kíp tàu có thể thực hiện tại cảng mà tàu xuất phát hoặc tại một cảng khác nếu kíp tàu liên tục làm việc, sinh hoạt trên tàu tại cảng đó”.

Sau khi hoàn thành cách ly, các đồng chí có đủ điều kiện theo quy định sẽ được Tư lệnh Vùng ra quyết định đi thực hiện nhiệm vụ. Quân y Vùng thực hiện phun thuốc khử khuẩn cloraminB toàn tàu và khu vực cách ly tập trung trước khi tàu xuất phát…

Cùng với Vùng 2, Vùng 4 Hải quân, các đơn vị khác trong Quân chủng cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng BĐHC cho các tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên các vùng biển xa. Đại tá Phạm Chí Sơn, Phụ trách Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân cho biết: Thời gian tới, ngành Hậu cần Hải quân tiếp tục xây dựng, điều chỉnh bổ sung kế hoạch hậu cần; nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, góp phần để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mai Liên

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn