Điểm sáng về học tập ngoại ngữ, tin học

HQVN -

Để đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, làm chủ các tàu ngầm hiện đại cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 189 cùng với việc không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì phải thường xuyên bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học. Đây là cơ sở, nền tảng giúp cho đơn vị làm chủ vững chắc TBKT.

Những ngày cuối năm Quý Mão, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 189 đang đẩy mạnh đợt thi đua cao điểm “Mừng Đảng, mừng xuân, ra quân quyết thắng” phấn đấu giành kết quả cao nhất. Cùng với đó, không khí huấn luyện, giờ tự học ngoại ngữ, tin học của đơn vị cũng diễn ra sôi nổi. Nội dung học gắn với tìm hiểu phong tục tập quán của người đi biển, nét văn hóa của các nước làm cho buổi học cuốn hút hơn và cũng là để chuẩn bị tốt cho hoạt động đón xuân.

Trung tá Trần Văn Côn, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bí thư Đoàn cơ sở Lữ đoàn cho biết: Chúng tôi xác định mỗi cán bộ, chiến sĩ phải chủ động học tập để có thể đọc hiểu, tra cứu tài liệu tiếng Nga hoặc tiếng Anh, có thể giao tiếp và làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Những năm qua, việc học tập ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, chiến sĩ được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Một tiết mục liên hoan văn nghệ của Lữ đoàn 189 chào năm mới

Là nhân viên thế hệ đầu tiên được đi đào tạo và tiếp nhận tàu ngầm tại Liên bang Nga, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Dũng, Tiểu đội trưởng Hầm tàu, Tàu ngầm 182-Hà Nội luôn tự ôn tập từ mới để củng cố kiến thức. Anh cho biết: Giai đoạn học tập chuyên ngành là một thử thách lớn đối với chúng tôi. Thời gian đầu, trên lớp học chúng tôi chỉ nghe hiểu được khoảng 50% kiến thức giáo viên truyền đạt. Do đó trên lớp, các kíp tàu tranh thủ ghi chép đầy đủ các nội dung, về nhà từng nhóm trao đổi, thảo luận các thuật ngữ chuyên ngành. Có nhiều hôm chúng tôi thức trắng đêm để thảo luận, làm rõ những vấn đề còn chưa hiểu để sáng mai lên lớp kịp tiếp thu kiến thức mới.

Với cơ sở nền tảng được đào tạo đã giúp cho các kíp tàu hình thành thói quen học tập ngoại ngữ. Về nước, Lữ đoàn tiếp tục đẩy mạnh, tranh thủ thời gian học ngoại ngữ và biên dịch tài liệu, vì thế kiến thức ngoại ngữ của bộ đội không bị mai một mà còn được nâng cao. Nhờ có ngoại ngữ bộ đội tàu ngầm khai thác thành thạo các TBKT cũng như chủ động khi làm việc với các chuyên gia Nga trong quá trình huấn luyện chuyển giao, bảo quản, bảo dưỡng.

Trung tá Lê Trung Hiếu, Chính trị viên Tàu ngầm 182-Hà Nội đang xây dựng chương trình đón giao thừa cho biết: Điểm nhấn Tết năm nay kíp tàu tổ chức chương trình sử dụng lời dẫn kết hợp luyện tập các tiết mục ca múa kịch bằng tiếng Nga để thay đổi không khí cũng như tạo sân chơi bổ ích ngày đầu xuân.
Ở Trung tâm cứu nạn tàu ngầm TBKT được sản xuất từ các nước châu Âu, tài liệu đi kèm đều bằng tiếng Anh. Thời gian huấn luyện chuyển giao không nhiều, về cơ bản các cán bộ, chiến sĩ phải tự nghiên cứu tài liệu để khai thác TBKT. Thiếu tá Hà Văn Tý, Chính trị viên Trung tâm cho biết: Tài liệu hướng dẫn khai thác, sử dụng các TBKT chưa được biên dịch đầy đủ, đa số thuật ngữ chuyên ngành đều rất khó, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên phải có kiến thức về tiếng Anh và tin học. Do đó, Trung tâm xác định việc học tập ngoại ngữ, tin học phải tổ chức thành nền nếp...

Trung tâm đã phát huy các mô hình như: “Câu lạc bộ tiếng Anh”, “Ngày tiếng Anh”, “Con tàu ngoại ngữ” và tổ chức các lớp học vào giờ nghỉ, ngày nghỉ để bộ đội sử dụng nhiều nhất ngoại ngữ hằng ngày, để hoàn thiện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ngay từ ngày đầu thành lập, Tàu 927-Yết Kiêu đã xây dựng và triển khai mô hình “Con tàu ngoại ngữ”. Thiếu tá Vũ Duy Thái, Chính trị viên tàu chia sẻ: Ban đầu triển khai mô hình gặp không ít khó khăn vì trình độ ngoại ngữ của cán bộ, chiến sĩ không đồng đều, nhiều đồng chí còn ngại nói, ngại giao tiếp... nhưng thông qua các buổi sinh nhật tập thể, trò chơi, giao lưu văn nghệ, thuyết trình các chủ đề bằng tiếng Anh thì cán bộ, chiến sĩ đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp...

Cùng với phong trào học tập ngoại ngữ, việc học tập nâng cao trình độ tin học cũng được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng. Một số ứng dụng tin học tiêu biểu của đơn vị như: Công trình modul huấn luyện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu của Trung tâm huấn luyện tàu ngầm; phần mềm Huấn luyện cờ hiệu; phần mềm Hệ thống thi trắc nghiệm. Đại úy Lê Văn Thu-tác giả phần mềm Quản lý trang bị kỹ thuật (đạt giải A giải thưởng Nguyễn Phan Vinh) cho biết: Lữ đoàn được biên chế một khối lượng lớn các TBKT, việc quản lý tài liệu, zíp... cũng gặp không ít khó khăn. Xuất phát từ thực tiễn đó, tôi đã viết phần mềm Quản lý TBKT giúp cho việc quản lý, tra cứu một cách dễ dàng.

Những ngày này, khuôn viên của Lữ đoàn khá ấn tượng. Các pano, băng rôn, khẩu hiệu trang trí nội dung tuyên truyền đều thể hiện song ngữ Việt-Nga hoặc Việt-Anh. Thượng tá Nguyễn Đức Tường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Học tập ngoại ngữ, tin học của cán bộ, chiến sĩ là một chỉ tiêu trong phong trào thi đua quyết thắng. Lữ đoàn còn phối hợp với Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Hải quân để tập huấn, đào tạo ngoại ngữ, tin học cho đơn vị. Nhờ thực hiện nhiều phương pháp, hình thức linh hoạt, sáng tạo, đến nay trình độ tiếng ngoại ngữ, tin học của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tiến bộ rõ rệt, góp phần làm chủ vững chắc TBKT.

Bài, ảnh: Đắc Thắng

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn