Dấu ấn Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại hai kỳ thượng đỉnh APEC
Trong hai năm liên tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự hai Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế APEC. Một lần ở ven bờ Thái Bình Dương bên kia bán cầu, với cương vị khách mời; một lần ở ven bờ Thái Bình Dương nơi quê hương, trên cương vị chủ nhà. Cả hai lần, ông đều góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới...
Một kỳ thượng đỉnh thành công rực rỡ
Chiều 11-11-2017, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang rạng rỡ xuất hiện ở Trung tâm báo chí quốc tế Đà Nẵng để chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, một lượng cực lớn phóng viên trong nước và quốc tế đã đổ dồn về trung tâm báo chí để lắng nghe nhà lãnh đạo Việt Nam tổng kết lại một tuần lễ đầy cảm xúc sau bão ở thành phố biển miền Trung tươi đẹp. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã kết thúc tốt đẹp!
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Trung tâm báo chí quốc tế ở Đà Nẵng
Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra trong bối cảnh TP Đà Nẵng cùng các tỉnh miền Trung Việt Nam vừa trải qua cơn bão dữ Damrey. Đô thị cổ Hội An đôi chỗ vẫn còn ngập nước. Nhưng qua bão lũ, vẫn sáng ngời lên những nụ cười như hoa sen trong bùn của người dân Việt Nam, những người đã nỗ lực trong hơn hai năm trời để chuẩn bị cho một kỳ thượng đỉnh APEC mến khách, trọn vẹn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 trên cương vị chủ nhà. Lịch làm việc trong khuôn khổ APEC cực kỳ căng thẳng. Đồng thời với các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn phải chủ trì 4 cuộc tiếp đón các chuyến thăm song phương của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới là Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Bởi thế, nên điều không tránh khỏi là Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phải bay đi bay lại liên tục giữa Hà Nội với Đà Nẵng trong những ngày trước và sau thượng đỉnh APEC để hài hòa các hoạt động ngoại giao cấp Nhà nước, vừa bảo đảm để thượng đỉnh APEC diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, vừa làm tròn bổn phận một chủ nhà cởi mở, mến khách, đón tiếp khách quý một cách chu đáo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang họp báo thông báo kết quả Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25
Trên cương vị chủ nhà, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đại diện cho quốc gia đón tiếp, chủ trì các cuộc họp quan trọng nhất trong suốt Tuần lễ Cấp cao APEC. Kiên định, thẳng thắn nhưng mềm dẻo, chân thành, Chủ tịch nước đã bàn thảo thấu đáo, hợp lý hợp tình với đại diện các nền kinh tế, trong đó có cả các siêu cường kinh tế của thế giới. Các phiên họp đã diễn ra trong bầu không khí hồ hởi, nơi mọi ý kiến đều được lắng nghe một cách thấu đáo. Con người Việt Nam thân thiện, mến khách, một đất nước Việt Nam cởi mở, năng động hiển hiện nơi người đứng đầu quốc gia.
Trước đó đúng một năm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru.
APEC 2017 bắt đầu từ Lima
Tháng 11-2016. Lima, thủ đô Peru, thành phố lớn nhất của quốc gia nằm ven bờ Thái Bình Dương lộng gió là chủ nhà của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao và các kỳ họp thượng đỉnh tới sân bay quân sự số 2 ở thủ đô Peru vào chiều 17-11-2016.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống nước chủ nhà Pedro Pablo Kucczynski là ba nhà lãnh đạo quốc gia lần đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC.
Đây cũng là lần cuối cùng Tổng thống Hoa Kỳ B.Obama tham dự Hội nghị Cấp cao APEC trên cương vị tổng thống trước khi bàn giao lại công việc cho ông Donald Trump, người mới đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20-1-2017. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… cũng đều có mặt tham dự hội nghị.
Tới Lima hôm trước, ngày hôm sau, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp mặt đại diện cộng đồng doanh nghiệp Peru ở phòng Colca, khách sạn Miraflores. Sau khi lắng nghe các ý kiến cũng như kiến nghị của doanh nghiệp Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết đến thời điểm cuối năm 2016, Việt Nam có quan hệ kinh tế với 224 thị trường, các nước và vùng lãnh thổ; đã ký 90 hiệp định thương mại song phương và 6 FTA khu vực, tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực.
Tinh thần đó được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắc lại tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra tại Nhà hát Lớn quốc gia ở thủ đô Lima của Peru. Đây là sự kiện quan trọng nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự của khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo với các đại diện doanh nghiệp APEC rằng Việt Nam hiện là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và dự báo đến năm 2020 sẽ nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu châu Á-Thái Bình Dương về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế với mục tiêu là đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5% đến 7%, quyết tâm thực hiện ba đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Là nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam ngày càng gắn kết sâu rộng với hai bờ Thái Bình Dương thông qua các quan hệ đối tác, Cộng đồng ASEAN và mạng lưới 16 FTA với 59 đối tác, trong đó có 18 nền kinh tế thành viên APEC.
Cũng tại Lima, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính thức thông báo với bạn bè quốc tế về Năm APEC 2017 cũng như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chính thức gửi lời mời bạn bè năm châu đến dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp của Việt Nam vào tháng 11-2017.
“Việt Nam là một trong những điều kỳ diệu trên thế giới!”
Trong hai năm liên tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự hai Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế APEC. Một lần ở ven bờ Thái Bình Dương bên kia bán cầu, với cương vị khách mời; một lần ở ven bờ Thái Bình Dương nơi quê hương, trên cương vị chủ nhà. Cả hai lần, ông đều góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới...
Sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cả trong các hội nghị đa phương lẫn những cuộc tiếp xúc song phương chiếm được thiện cảm của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam ngay sau Hội nghị thượng đỉnh APEC đã thốt lên: “Việt Nam là một trong những điều kỳ diệu trên thế giới!”.
Khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, ông Trump ra tuyên bố, trong đó viết: “Tôi rất buồn khi biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thay mặt nhân dân Hoa Kỳ, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình ông và nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Trần Đại Quang là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ. Ông đã ân cần đón tiếp tôi trong chuyến thăm cấp Nhà nước lịch sử của tôi đến Hà Nội vào tháng 11 năm 2017, và tôi cảm ơn ông về cam kết của cá nhân ông nhằm làm sâu sắc thêm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam”.
Theo QĐND điện tử
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Giao nhiệm vụ cho đội tuyển tham gia hội thi giảng viên các học viện, nhà trường quân đội năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Nhà máy X48: Hội nghị công tác quân sự - quốc phòng năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024 - ( 26-11-24 07:00 )
- Cục Kiểm ngư làm việc với Quân chủng Hải quân - ( 26-11-24 03:00 )
- Tập huấn công tác quốc phòng, quân sự; phòng, chống khủng bố và phòng thủ dân sự - ( 26-11-24 02:00 )