Đặc công Hải quân trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968
Phong tỏa tàu địch bằng thủy lôi ở cảng Cửa Việt (Quảng Trị)
Chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 bao gồm toàn bộ các hoạt động chiến đấu ở miền Nam từ đầu tháng 2 cho tới hết năm 1968 (kéo dài trên 300 ngày), trong đó có 3 đợt tấn công cao trào (Đợt 1 từ 30-1 đến 28-3, Đợt 2 từ 5-5 đến 15-6, Đợt 3 từ 17-8 đến 30-9). Xen giữa các đợt cao trào là giai đoạn tái bổ sung lực lượng, phòng ngự chống đối phương phản kích.
Những ngày đầu tháng 1-1968, địch huy động 6 tàu cuốc ngày đêm nạo vét dòng sông đồng thời sử dụng hàng trăm lính công binh mở rộng các cảng Cửa Việt, Đông Hà nhằm bảo đảm việc vận chuyển, tiếp tế cho 3 vạn quân Mỹ và hàng vạn quân ngụy đang đứng chân ở vùng Bắc Quảng Trị. Hàng ngày, tàu chiến, tàu vận tải quân sự của địch vào ra tấp nập, đưa tới Quảng Trị 80% tổng số hàng hóa, vật dụng chiến tranh bằng đường biển.
Đoạn sông từ Cửa Việt tới Đông Hà trở thành tuyến giao thông huyết mạch của địch, được chúng tăng cường lực lượng đóng giữ rất nghiêm ngặt và có hỏa lực chi viện mạnh. Ở nhiều đoạn trọng điểm, địch còn dựng những bãi mìn và dây kẽm gai ven sông hòng chống đặc công nước của ta đột nhập vào đánh phá.
Cầu Đông Hà, Quảng Trị năm 1967. Ảnh tư liệu
Quán triệt nhiệm vụ trên giao, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn 126 chủ chương tổ chức vây hãm cảng Cửa Việt bằng hệ thống thủy lôi, kết hợp với hệ thống trận địa hỏa lực bắn thẳng (ĐKZ, B40, B41…) bố trí tại các địa hình có lợi ở hai bên bờ sông để tìm diệt tàu địch. Ngày 10-1-1968, sau khi hoàn thành bước 1 công tác trinh sát hiệp đồng chiến đấu, cơ quan tham mưu Đoàn 126 xây dựng kế hoạch tác chiến, dự kiến tiến công trên hai hướng và ngày 16 hoặc 17-1 có thể sẽ nổ súng đánh trận mở đầu. Kế hoạch này được Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 chấp thuận.
Trên hướng tiến công chủ yếu: Đội 1 và Đội 2 do đồng chí Đoàn trưởng Mai Năng chỉ huy được tăng cường 2 trung đội bộ binh và một tổ du kích xã Gio Việt đảm nhiệm có nhiệm vụ vây hãm cảng Cửa Việt bằng hệ thống thủy lôi (đoạn từ xóm Vùng lên Xuân Khánh) buộc tàu địch không thể ra vào được, tạo điều kiện cho các đội vũ trang công tác địa phương vận động nhân dân hai bên bờ sông Cửa Việt nổi dậy, phá ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ.
Trên hướng từ Mai Xá lên ngã ba Duy Phiên: Đội 3 và Đội 4 do đồng chí Đoàn phó Lý Thảo phụ trách được tăng cường 2 trung đội bộ binh, phối hợp với các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị ngăn chặn giao thông đường thủy của địch, hỗ trợ cho các binh đoàn chủ lực tập kích vây hãm tiêu diệt quân Mỹ ở Đường 9-Khe Sanh.
Tư tưởng chỉ đạo tác chiến là: Chủ động, táo bạo, bất ngờ, tiến công liên tục, diệt nhiều tàu địch. Đây là lần đầu tiên, tất cả các đơn vị thuộc Đoàn 126 cùng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Ngày 18-1-1968, cả 4 đội và các trung đội bộ binh phối thuộc hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng chờ lệnh tiến vào chiếm lĩnh trận địa tiến công địch.
Đặc công Hải quân luyện tập đánh địch tại căn cứ Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh tư liệu
Sau một thời gian chuẩn bị hết sức khẩn trương và tích cực, 14 giờ ngày 19-1-1968, lệnh báo động hành quân chiến đấu được truyền tới các đơn vị. 18 giờ, Đội 1 và Đội 2 được lệnh xuất kích. 23 giờ, Đội 1 tiến vào khe Bắc Võng triển khai lắp ráp thủy lôi. 2 quả thủy lôi HAT-2, mỗi quả nặng 500 kg đã được các chiến sĩ bố trí ngầm ở khúc sông tàu địch hay qua lại. Trong khi đó, Đội 2 hành quân đến bờ đầm làng Xuân Khánh liên lạc với du kích xã Gio Hà đưa bộ đội vào vị trí tập kết. 5 quả thủy lôi HAT-2 đã được đưa xuống nước và lúc 1 giờ 30 phút được các chiến sĩ đưa vào vị trí quy định an toàn.
Phối hợp với các chiến sĩ Đặc công Hải quân, nhân dân quanh vùng được sự hướng dẫn của các cán bộ địa phương tiến hành thả chướng ngại vật, cắm cọc ngăn sông, buộc tàu địch phải đi vào hướng ta bố trí sẵn thủy lôi ngầm dưới nước. Ngày 22-1-1968, 6 tàu LCU đi qua lần lượt vấp thủy lôi nổ tung và bị nhấn chìm, trong đó 2 tàu chìm ở khu vực cảng Đông Hà và 4 tàu chìm ở đoạn sông Xuân Khánh.
Đặc công Hải quân lắp ráp thủy lôi đánh tàu địch ở sông Hiếu, Quảng Trị. Ảnh tư liệu
Phát huy thắng lợi của Đội 1 và Đội 2, ngày 23-1-1968, Ban chỉ huy Đoàn 126 cử Đội 3 đưa vũ khí vào đánh địch ở ngã ba Duy Phiên, ngoại vi Đông Hà. Được du kích dẫn đường, 1 giờ 30 phút ngày 25-1-1968, các chiến sĩ Đội 3 hoàn thành nhiệm vụ gài thủy lôi ở nơi quy định và về căn cứ. Cùng ngày 25-1, Đội 4 cũng được lệnh hành quân đến Vĩnh Giang tổ chức vượt đò Tùng Luật qua sông. 2 giờ 30 phút ngày 26-1, các chiến sĩ Đội 4 đã lần lượt đưa thủy lôi xuống nước bố trí ở giữa dòng sông. Ngày 26-1, 3 tàu LCU chở đầy hàng hóa chạy từ Đà Nẵng qua Cửa Việt lên Đông Hà vấp phải thủy lôi nổ ở các bãi Duy Phiên, Mai Xá.
Trải qua 10 ngày hoạt động ở Cửa Việt (19 đến 29-1-1968), do chuẩn bị tốt vật chất trang bị, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 đã vượt qua mọi khó khăn, thả được 13 quả thủy lôi xuống dòng sông Cửa Việt, đánh chìm 8 tàu địch, phá hủy hàng nghìn tấn hàng hóa và phương tiện chiến tranh của địch, làm gián đoạn giao thông của địch ở cảng Cửa Việt nhiều ngày liền.
Văn Học (Tổng hợp)
Thắng lợi mở đầu của đợt chiến đấu phong tỏa bằng thủy lôi ở cảng Cửa Việt cổ vũ, động viên Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng với quân và dân Quảng Trị tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - ( 03-12-24 03:00 )
- Kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, 35 Ngày hội Quốc phòng toàn dân: Thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam - ( 02-12-24 08:00 )
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )