Đoàn tàu Không số tham gia cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968
HQVN -
Xuân này là tròn 50 năm diễn ra sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nhiều người hiểu Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta chỉ có ở Tết Mậu Thân, nhưng trên thực tế đây được xem như đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968, tạo thành tổng thể cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968.
Với âm mưu chia cắt nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, Mỹ đã tung vào cuộc chiến tranh Việt Nam số quân thiện chiến của cả 3 quân chủng hùng hậu là lục quân, không quân, hải quân cùng với quân đội một số nước đồng minh và quân đội Sài Gòn hợp thành đội quân gần một triệu ba chục vạn tên. Đó là chưa kể gần 3 chục vạn quân Mỹ ở các căn cứ ngoài khơi Việt Nam làm nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng tác chiến trên bộ, trên không, trên sông, trên biển của Mỹ. Cùng với đó, Mỹ còn sử dụng vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất trong những năm giữa thế kỷ 20.
Ðương đầu với kẻ thù xâm lược có tiềm lực và sức mạnh quân sự, kinh tế gấp nhiều lần, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận thức rằng, muốn giành thắng lợi, phải có quyết tâm và ý chí gang thép, phải biết đánh và biết thắng bằng sức mạnh tổng hợp của cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam, phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại... Theo phương hướng đó, Ðảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta giữ vững quyết tâm, kiên trì mục tiêu kháng chiến, mở Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Tàu của Đoàn 125 Hải quân chuẩn bị hàng vận chuyển gián tiếp chi viện cho chiến trường miền Nam năm 1968. Ảnh: Tư liệu
Sau quá trình chuẩn bị, đúng vào đêm giao thừa theo lịch âm miền Nam (tức đêm 29 rạng ngày 30-1-1968), quân và dân các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung và Tây Nguyên đã đồng loạt nổ súng mở màn cuộc tổng tiến công. 24 giờ sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra khắp các tỉnh và thành phố lớn miền Nam.
Để đảm bảo vũ khí, đạn dược cho quân, dân miền Nam, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 cho 4 tàu chở hàng vào các chiến trường Nam Bộ, Khu 5.
Tàu C165 chở hơn 64 tấn vũ khí xuất phát đêm 25-2 đến Vàm Lũng (Cà Mau). Trên đường đi, Tàu C165 bị máy bay trinh sát địch nhiều lần theo dõi. Ngày 29-2, khi đến vị trí 8 độ 45 phút vĩ độ Bắc, 105 độ 22 phút kinh độ Đông, Tàu bị 8 tàu chiến địch bao vây. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm, 18 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và buộc phải nổ bộc phá hủy tàu. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của Tàu đã anh dũng hy sinh.
Ở hướng Khu 5, Tàu C43 khởi hành đêm 27-2 chở 37 tấn vũ khí vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Rời bến được 1 ngày thì tàu bị hỏng máy, cán bộ, thủy thủ đã tìm cách khắc phục và tiếp tục hành trình. Đến vị trí 14 độ 19 phút vĩ độ Bắc, 109 độ 04 phút kinh độ Đông thì gặp 6 tàu chiến và máy bay trực thăng của địch, tàu vừa chiến đấu vừa cơ động vào gần bờ, bắn rơi và bị thương 2 máy bay địch. Do địch đông và hỏa lực mạnh, cán bộ, thủy thủ phải rút lên bờ và hủy tàu. Tàu có 3 đồng chí bị hy sinh và 12/14 đồng chí còn lại bị thương.
Trước đó 1 ngày, Tàu C56 chở 37 tấn vũ khí xuất phát theo kế hoạch vào Lộ Giao (Bình Định). Khi cách bến 40 hải lý, tàu gặp tàu và máy bay địch phong tỏa, Sở chỉ huy buộc phải yêu cầu Tàu C56 quay trở về miền Bắc.
Cũng thời gian này, trên vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa), Tàu C235 gồm 20 cán bộ, chiến sĩ đưa hàng tới bến Hòn Hèo. Bằng sự mưu trí, quả cảm, cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 đã vượt qua vòng vây địch thả được hàng ở bến Ninh Phước để bến vớt sau, rồi cơ động về phía Ninh Vân để đánh lạc hướng địch. Sau đó, Tàu 235 bị 7 tàu địch bao vây xả súng. Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, đến khi khoang máy trúng đạn, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lệnh cho thương binh rời tàu, còn mình và một số đồng chí ở lại hủy tàu rồi vào bờ sau. 14 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 đã hy sinh, 1 đồng chí bị địch bắt, chỉ có 5 đồng chí là thoát được và trở ra miền Bắc.
Sau đợt vận chuyển cuối tháng 2-1968, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ thị Quân chủng Hải quân vừa vận chuyển trên các tuyến đường miền Bắc, vừa vận chuyển gián tiếp chi viện chiến trường, đồng thời nghiên cứu tìm phương thức mới để khi điều kiện thuận lợi tiếp tục vận chuyển chi viện miền Nam. Đoàn 125 Hải quân đã tổ chức được 9 lượt tàu vận chuyển cho đảo Bạch Long Vỹ, đưa hàng trăm tấn hàng và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện bảo vệ đảo. Khi Mỹ quay lại đánh phá miền Bắc, Tiểu đoàn 3 của Đoàn 125 vận chuyển được 5 chuyến với 126 tấn xăng và nhiều đồ dùng quân dụng cho Quân khu 4 đồng thời vận chuyển cho đảo Cồn Cỏ 2 chuyến và Trung đoàn 172 ở Sông Mã 1 chuyến…
Cùng với thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri bàn về việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam, kết thúc chiến tranh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định: “Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc”.
Trên lĩnh vực khoa học quân sự, thắng lợi hào hùng năm 1968 cho chúng ta những bài học về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ, chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ; nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng quân sự, lực lượng chính trị; nghệ thuật xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân... Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bảo Ngọc (Tổng hợp)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về bhqdt@baohaiquanvietnam.vn
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - ( 03-12-24 03:00 )
- Kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, 35 Ngày hội Quốc phòng toàn dân: Thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam - ( 02-12-24 08:00 )
- Một số chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp - ( 21-11-24 09:00 )
- Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30/10/1949 - 30/10/2024) - ( 29-10-24 07:00 )
- Nơi xuất phát của chuyến tàu Không số đặc biệt - ( 22-10-24 10:00 )